ThienNhien.Net – Sáng 12/3, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Cạn Mai Văn Bản cho biết Công ty “vừa có công văn đề nghị Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, UBND tỉnh Bắc Cạn cho phép Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Cạn trực tiếp cùng cơ quan có thẩm quyền bảo vệ mỏ vàng này”.
Pác Lạng là mỏ vàng gốc lớn, trải rộngtrên diện tích hơn 24 km2, trên địa bàn hai xã Đức Vân và Thượng Quan, huyện Ngân Sơn (Bắc Cạn). Được phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong bốn năm, từ năm 2007 đến năm 2010, Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Cạn đầu tư 63 tỷ đồng tổ chức liên danh với Công ty ARV (Vương quốc Anh) và Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam thăm dò, bảo vệ mỏ vàng này.
Hết thời gian thăm dò, toàn bộ tài liệu, kết quả thăm dò đã được nộp lại, lưu trữ tại cơ quan có thẩm quyền, làm cơ sở khai thác, sử dụng.
Trên cơ sở tài liệu, kết quả thăm dò, ngày 10/2/2012, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Văn bản 258/ BTNMT- ĐCKS gửi UBND tỉnh Bắc Cạn, nêu rõ: “Giao Tổng cục Địa chất và Khoáng sản phối hợp với UBND tỉnh Bắc Cạn, trên cơ sở tài liệu thăm dò, khoanh định khu vực khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ trình Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, phê duyệt, công bố làm cơ sở để UBND tỉnh Bắc Cạn quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản cho Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Cạn theo quy định pháp luật”.
Tuy nhiên, trong thời gian chờ làm thủ tục cấp phép khai thác, từ tháng 9/2011 đến tháng 11/2012, UBND huyện Ngân Sơn thuê Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Thiên Thành (Công ty Thiên Thành) bảo vệ mỏ vàng Pác Lạng, kinh phí thuê 200 triệu đồng/tháng do Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Cạn chi trả.
Nhưng trong thời gian này, Công ty TNHH dịch vụ bảo vệ Thiên Thành đã “bật đèn xanh”, “bảo kê” cho hàng chục tổ, nhóm đưa người, máy móc, thiết bị, kéo điện vào mỏ khai thác trái phép với quy mô lớn.
Trước tình hình đó, UBND tỉnh Bắc Cạn yêu cầu UBND huyện Ngân Sơn chấm dứt hợp đồng với Công ty Thiên Thành, đồng thời huy động lực lượng Công an tỉnh giải toả, bảo vệ mỏ cho đến tháng 1/2013.
Từ tháng 1/2013, tỉnh Bắc Cạn giao lại mỏ vàng cho UBND huyện Ngân Sơn tổ chức quản lý, bảo vệ.
Với lý do không có lực lượng nên UBND huyện Ngân Sơn lại thuê Công ty TNHH một thành viên 668 bảo vệ (tiền thuê 200 triệu đồng/ tháng, lấy từ ngân sách nhà nước). Song đây lại là doanh nghiệp ngoài quốc doanh, không có chức năng thực hiện các chế tài nên không thể trục xuất “vàng tặc”, càng không thể tịch thu, phá huỷ phương tiện khai thác trái phép.
Việc chấm dứt hợp đồng bảo vệ với Công Thiên Thành, rồi lại thuê Công ty TNHH một thành viên 668 bảo vệ mỏ vàng Pác Lạng chỉ là “bình mới, rượu cũ”, bởi nhiều cá nhân sự đang có mặt ở đây đã từng tổ chức khai thác vàng trái phép.
Là đơn vị chi trả tiền bảo vệ mỏ vàng, từ tháng 11/2012 trở về trước, việc phát hiện khai thác vàng trái phép tại đây, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền truy quét “vàng tặc” chủ yếu là do Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Cạn báo cáo, đề xuất.
Khi giao việc bảo vệ cho Công ty TNHH một thành viên 668, tiền thuê lấy từ ngân sách nhà nước thì UBND huyện Ngân Sơn không đồng ý để Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Cạn tham gia.
Công văn của Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Cạn nêu rõ: “Để bảo đảm tỉnh hình an ninh trật tự, không để xảy ra khai thác khoáng sản trái phép tại mỏ vàng Pác Lạng, không ảnh hưởng đến kết quả thăm dò, công ty đề nghị Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, UBND tỉnh Bắc Cạn cho phép phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức bảo vệ, triển khai nghiên cứu khả thi, báo cáo đánh giá tác động môi trường tại khu vực mỏ”.
Ông Mai Văn Bản cam kết: “Đề nghị cùng phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước bảo vệ mỏ vàng. Chi phí cho công tác bảo vệ do Công ty cổ phần Khoáng sản Bắc Cạn đảm nhiệm vừa bớt ‘gánh nặng” cho ngân sách nhà nước”.
Công văn cũng khẳng định đơn vị sẽ “hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật, nếu để xảy ra khai thác, hoặc không ngăn chặn được các hoạt động khai thác trái phép”.