ThienNhien.Net – Rau màu và các loại cây trồng trên nội đồng cát trắng ven biển Thừa Thiên – Huế xanh non mơn mởn giữa mùa khô hạn nhờ rong mái chèo và tùng đốt – loại cỏ thủy sinh, mọc trong môi trường nước lợ phá Tam Giang giữ ẩm. Trong khi nông dân thôn Kim Giao, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị lại có sáng kiến chống hạn bằng việc khoan giếng giữa ruộng, lấy nước phục vụ sản xuất.
Ủ rong giải hạn đồng cát trắng
Nắng cháy giữa cánh đồng bãi ngang cát trắng dựa lưng vào biển, mặt quay ra phá Tam Giang trải dài từ huyện Phong Điền đến các huyện Quảng Điền, Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế như dịu đi bởi màu xanh mướt của rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày thời kỳ chuẩn bị thu hoạch.
Khuôn mặt đen sạm vì nắng gió không che nổi nét hồ hởi kỳ vọng vụ cây thuốc lá được mùa nhất từ trước đến nay trên ánh mắt, anh Văn Đức Thắng, thôn Nam Giang, xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền, nói: Trong cái khó ló cái khôn, bà con quê mình đã biết sử dụng loại rong mái chèo và tùng đốt mọc trong môi trường nước lợ phá Tam Giang để giải hạn cho cây mướp đắng trồng trái vụ mùa khô hạn. Cái khô hạn được chế ngự, bà con lại tìm tòi kỹ thuật trồng cây thuốc lá mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Thắng cho biết, khác quan niệm “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”, người làm vườn trên cồn cát trắng khai hoang lại xem rong mái chèo và tùng đốt là yếu tố số một. Ngoài tác dụng làm phân hữu cơ khi phân hủy sau gần một tháng vun ủ quanh gốc cây trồng, rong mái chèo và tùng đốt còn có khả năng tích nước, duy trì độ ẩm cho cây trồng mùa khô hạn.
Cụ thể, rong để ráo nước đem vun ủ quanh gốc cây thuốc lá, mướp đắng, đậu xanh… tương đương tán cây và dày từ 10-20cm sẽ hút nước khi người làm vườn bơm tưới và trương nở. Quá trình cây trồng sinh trưởng phát triển, rong nhả nước và hòa tan cùng các chất dinh dưỡng để rễ cây hấp thụ. Qua đó, giúp nông dân tiết kiệm từ 5-10 triệu đồng/ha/vụ cây trồng từ việc sử dụng các loại phân đạm bón thúc và xăng dầu máy bơm nước tưới.
Ông Phan Nông, Chủ tịch UBND xã Quảng Thái, cho biết, người dân địa phương tìm tòi, sáng chế ra nhiều cách chế ngự tác động cực đoan của biến đổi khí hậu. Trong đó, giải pháp dùng rong vớt trong đầm phá Tam Giang giữ ẩm và tăng cường chất dinh dưỡng cho cây trồng giữa mùa khô hạn nắng cháy đang được người dân nhân rộng.
Trước năm 2010, diện tích hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày tại địa phương chưa đầy 10ha thì nay đã vượt con số 50ha, trong đó hai loại cây chủ lực là mướp đắng và cây thuốc lá chiếm hơn 10ha cho lãi ròng bình quân hàng năm từ 50-100 triệu đồng/ha. Cũng từ “sáng chế” này mà địa phương trồng thêm được hơn 200ha rừng các loại bên những quả đồi cát trắng. Đây là cách làm hay trong lộ trình xây dựng nông thôn mới mà các xã bãi ngang ven biển, ven phá của tỉnh Thừa Thiên – Huế đang nỗ lực triển khai.
Khoan giếng giữa đồng
Thôn Kim Giao, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị có gần 10ha ruộng lúa ven trục đường liên xã và một số vị trí sâu trong thôn không cách nào tiếp cận được nguồn nước tưới từ hệ thống kênh mương nội đồng. Nắng nóng khô hạn từ đầu vụ nên chính quyền địa phương khuyến cáo nông dân chuyển sang trồng các loại cây hoa màu phù hợp, giảm trồng lúa để tiết kiệm nguồn nước và chủ động trong sản xuất. Không bó tay, bà con nông dân nghĩ ra cách khoan giếng rồi dùng máy bơm nước chạy bằng điện (loại máy bơm nước gia đình) ngay tại chân ruộng để lấy nguồn nước sản xuất.Từ một vài giếng khoan ban đầu, nay toàn thôn đã có khoảng gần 30 giếng khoan và 15 máy bơm điện do người dân tự bỏ tiền làm phục vụ sản xuất.
Ông Châu Ngọc Chương, thôn Kim Giao, vui vẻ cho biết: “Chưa có giếng khoan, bà con chỉ biết tận dụng nguồn nước tại các ao, hồ, hố bom… làm nước tưới cho vụ đông xuân còn hè thu thì để đất hoang. Chủ động nguồn nước tưới cho cây lúa, chúng tôi thâm canh thêm vụ đậu xanh lãi ròng 60 triệu đồng/ha/vụ hay dưa quả thu nhập trên 80 triệu đồng/ha/vụ… Bình quân mỗi hộ bỏ ra số tiền khoảng 200.000 – 300.000 đồng thuê thợ đào giếng, mua thêm máy bơm điện khoảng 800.000 đồng nữa là có được hệ thống nước nông nghiệp cá nhân… Giếng thì chúng tôi đóng một lần dùng trong nhiều vụ, máy bơm thì 2, 3 gia đình dùng chung nên tiết kiệm được nhiều chi phí”.
Theo ông Văn Ngọc Tiến Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương, phấn khởi hơn là nông dân không ỷ lại nhà nước, bỏ đồng ruộng hoang hóa như các địa phương khác trong vùng.
Khô hạn là vấn đề nóng bỏng trong sản xuất nông nghiệp năm 2013 đối với cả nước. Đặc biệt, địa hình miền Trung dài và hẹp, lại mất mùa lũ năm 2012 nên hạn hán trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Những mô hình, cách làm hay trong việc chống hạn mà nông dân Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế đang triển khai được nhân rộng sẽ góp phần giải nhiệt cho những đồng ruộng khô hạn, nứt nẻ chân chim.
Ưu tiên nguồn nước chống hạn Hàng chục ngàn hécta lúa, mía, cao su, cà phê ở miền Trung – Tây Nguyên và ĐBSCL đang hoặc có nguy cơ chết cháy vì hạn nặng, Bộ NN-PTNT đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương bàn giải pháp tập trung chống hạn, cứu sản xuất nông nghiệp; thành lập 4 đoàn công tác đi kiểm tra thực tế, chỉ đạo chống hạn và xâm nhập mặn tại một số địa phương ở 3 khu vực nói trên.
Theo đó, các đoàn kiểm tra, tổng hợp tình hình thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh, thành phố và đánh giá nguyên nhân lượng mưa, dung tích hồ chứa, nguồn nước sông, độ mặn, sản xuất vượt kế hoạch hoặc trong vùng bấp bênh nguồn nước… Nghiên cứu đề xuất giải pháp phòng chống, khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn; giải pháp trước mắt, lâu dài. Đồng thời, nắm thêm tình hình xả nước của các nhà máy thủy điện của EVN và các đơn vị khác trên địa bàn kiểm tra. Nếu phát hiện những điểm bất hợp lý của các nhà máy thủy điện làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp sẽ đề nghị EVN thay đổi lịch và lượng xả… |