ThienNhien.Net – Nằm trong Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô nên đất đai ở xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc, Thừa Thiên – Huế) đều được quy hoạch để thực hiện các chức năng phát triển đô thị, công nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ.
Đến thời điểm hiện tại, xã này có 27 dự án được quy hoạch với tổng diện tích đất thu hồi gần 800ha. Sống trong vùng quy hoạch nhưng người dân nơi đây hoàn toàn mù mờ về quy hoạch. Chị Trần Thị Nở ở khu tái định cư xã Lộc Vĩnh cho biết, hiện hầu hết đất đai trên địa bàn xã đều “dính” dự án, nhưng chị cũng như người dân địa phương không được biết thông tin về các dự án này.
“Khi quy hoạch dự án, cơ quan chức năng chỉ thông báo đất đai ở khu vực nào đó sẽ được dùng thực hiện dự án nhưng không rõ thời gian nào sẽ triển khai xây dựng và khi nào sẽ hoàn thành”- chị Nở cho biết.
Trao đổi với phóng viên, nhiều người dân ở thôn Phú Hải 2, xã Lộc Vĩnh cho biết họ không chỉ được thông báo mù mờ về thông tin các dự án được quy hoạch mà còn không có cơ hội đóng góp ý kiến về quy hoạch.
Một số dự án ở xã được quy hoạch chồng lên đất rừng phòng hộ ven biển nhưng khi người dân có ý kiến thì cơ quan chức năng không hề tiếp thu. “Khi chúng tôi có ý kiến phản đối dự án nào đó thì chính quyền địa phương thường trả lời rằng việc cấp phép dự án là chủ trương của tỉnh nên không thể làm gì khác”- ông Hắc Xuân Thi (thôn Phú Hải 2) cho biết.
Theo UBND xã Lộc Vĩnh, cùng với vấn nạn hàng loạt dự án “trùm mền” trong thời gian dài, tình trạng quy hoạch nửa vời đã khiến cuộc sống của người dân trên địa bàn xã đảo lộn. Việc quy hoạch ở Lộc Vĩnh được tiến hành trên không gian rộng và thời gian dài nên người dân có nhu cầu xây dựng nhà cửa và các công trình quan trọng khác không được giải quyết. Hộ nào muốn được cấp phép xây nhà tạm phải cam kết từ khi xây dựng đến năm 2025 bị giải tỏa sẽ không được bồi thường.
Ông Bùi Ngọc Ga – Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho biết, việc quy hoạch trên địa bàn xã được tiến hành trên không gian rộng và thời gian dài nhưng không có tính khả thi. “Dân muốn xây nhà nghỉ phục vụ khách đến tắm biển cũng không được do bị cấm xây, vì vậy việc phát triển dịch vụ du lịch của địa phương không thể thực hiện”- ông Ga nói.
Theo ông Ga, hiện nỗi lo lớn nhất của người dân Lộc Vĩnh là không có đất an táng cho người chết, vì theo quy hoạch xã không có nghĩa địa. Tất cả đất ở xã đã được tỉnh quy hoạch thành đất đô thị, công nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ… thuộc Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.
“Việc thực hiện quy hoạch trên địa bàn người dân hoàn toàn không được tham gia đóng góp ý kiến. Khi quy hoạch được phê duyệt, cơ quan chức năng chỉ công bố để người dân biết và thực hiện mà thôi”- ông Ga nói.
Ông Trịnh Thế Khiết – ĐBQH khóa XIII, Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hà Nội: Phải làm rõ cơ chế giám sát
Việc Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định Mặt trận Tổ quốc VN, Hội Nông dân có quyền hạn và trách nhiệm giám sát việc quy hoạch quản lý và sử dụng đất đai, phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng đất đai là rất tốt bởi sẽ góp phần mở rộng dân chủ. Trước nay, Mặt trận Tổ quốc, các thành viên Mặt trận, vẫn có vai trò giám sát, nhưng việc thực hiện chưa tốt, chưa thể hiện rõ nét. Nguyên nhân do cơ chế, chính sách chưa rõ ràng, cụ thể; năng lực giám sát của cán bộ còn hạn chế… Luật đã quy định rồi, nhưng vấn đề thực hiện như thế nào. Cần phải có cơ chế, chính sách, cơ sở pháp lý để Mặt trận, các thành viên Mặt trận tham gia giám sát và coi đây là quyền hạn, trách nhiệm của mình. Phương Đông (ghi) Nông dân cần biết quy hoạch Một quy hoạch lập chưa đúng thời điểm, chưa đúng thực tế sẽ dẫn tới quy hoạch treo hoặc không thực hiện được, khi ấy rất khổ dân và những người trong vùng quy hoạch. Bởi vậy, chúng tôi rất muốn được tham gia vào việc lập quy hoạch dù đó là quy hoạch cơ cấu sản xuất với cây trồng, vật nuôi, kênh, mương thuỷ lợi hay quy hoạch đô thị, giao thông… – Đỗ Văn Tráng – nông dân phường Chiềng Cơi, TP.Sơn La, tỉnh Sơn La Càng nhiều góp ý càng tốt Chúng tôi đề nghị khi tiến hành xây dựng, bổ sung Dự thảo Luật Đất đai cần thiết kế quy định hoặc xây dựng hẳn một điều về quyền tham gia vào việc quy hoạch các dự án. Dân góp ý càng nhiều càng tốt cho dự án. Đề nghị để Hội Nông dân làm đại diện cho chúng tôi tham gia vào thảo luận, xây dựng quy hoạch này. – Nguyễn Bổng Hai – nông dân huyện Bến Lức, Long An Đừng “ép” dân vào thế đã rồi Năm 2009, UBND huyện Cẩm Thủy tiến hành thu hồi khoảng 10ha đất người dân đang trồng ngô, mía để làm khu công nghiệp. Không biết họ quy hoạch từ bao giờ, đùng cái đánh giấy về mời các hộ có đất bị thu hồi lên xã họp, để phổ biến và thống nhất giá đền bù. Sao lại có chuyện vô lý như thế? Đáng lẽ cơ quan nhà nước lên kế hoạch gì thì cũng cần thông báo cho người dân biết, đồng thời tham khảo ý kiến của người dân, nhưng ở đây đã đặt chúng tôi vào thế “nắm đằng lưỡi”, bị “ép” vào thế đã rồi. – Nguyễn Thị Lan – xã Cẩm Tú, Cẩm Thủy, Thanh Hóa Kiều thiện – Minh Hải – Nam Tùng Sơn (ghi) |