ThienNhien.Net – Ông Lê Văn Dành, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đồng Nai cho biết, trong năm 2013, công tác quản lý Nhà nước đối với các cụm công nghiệp, thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu trong ngành… là những vấn đề được ngành công thương và chính quyền ở các địa phương đang tập trung thực hiện.
Theo đó, việc quy hoạch cụm công nghiệp phải phù hợp với đặc điểm và nhu cầu thực tế từng địa phương và sẽ loại bỏ những dự án không hiệu quả. Đồng thời, quy hoạch chi tiết của các cụm công nghiệp phải đáp ứng đúng điều kiện của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hướng đến chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo chiều sâu; tiếp tục tập trung thu hút phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh bảo vệ môi trường, nhất là ưu tiên cho những cụm công nghiệp đang triển khai.
Hiện tỉnh đang tập trung triển khai đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp, trong đó, số cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai tiếp tục quy hoạch đến năm 2025 là 37 cụm với tổng diện tích là 1.942,7 ha được quy hoạch trên các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa.
Trong đó, các cụm công nghiệp có trong quy hoạch đã và đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng là 5 cụm với diện tích là 291,4 ha; các cụm công nghiệp có trong quy hoạch, chưa triển khai đầu tư hạ tầng là 31 cụm với diện tích là 1.621,2 ha; bổ sung 1 cụm công nghiệp không có trong quy hoạch với diện tích là 30 ha, để phục vụ cho công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thị xã Long Khánh.
Tuy nhiên, hiện việc triển khai đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn như: vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cho cụm công nghiệp còn rất hạn chế; nhiều cụm công nghiệp gặp khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư kinh doanh hạ tầng do thiếu cơ chế hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Do kết cấu hạ tầng chưa hoàn thiện nên kết quả thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp còn rất hạn chế. Vấn đề ô nhiễm môi trường chưa được chú ý trong quá trình xây dựng nên hầu hết các cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý môi trường.
Trước tình hình trên, tỉnh sẽ ưu tiên hỗ trợ vốn từ ngân sách cho việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đối với các cụm công nghiệp thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và công nghiệp chậm phát triển. Tùy điều kiện cụ thể, các huyện, thị xã và thành phố Biên Hòa chủ động dành một phần ngân sách của địa phương để đầu tư xây dựng công trình hạ tầng ngoài hàng rào cụm công nghiệp.
Quy hoạch các cụm công nghiệp dành cho các ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó tập trung phát triển hạ tầng cụm công nghiệp kết hợp với chuyển dịch cơ cấu ngành, có cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng đối với các cụm công nghiệp để thu hút các dự án đầu tư mới, đầu tư mở rộng sản xuất các sản phẩm thuộc nhóm ngành công nghiệp mũi nhọn, chủ lực và công nghiệp hỗ trợ.
Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách đầu tư, ưu đãi đầu tư đang được thực hiện trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu rà soát, điều chỉnh và đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích thu hút đầu tư vào sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp.