ThienNhien.Net – Nằm ở chỏm đất đầu tiên nhìn ra biển, ngôi nhà của ông bà Xê là ngôi nhà may mắn ở cái ấp Cái Cám này hàng ngày được đón nhận những tia nắng cuối cùng tuyệt đẹp trên biển Tây. Nhưng chủ nhân của nó lại không hề may mắn như vậy. Gốc gác bao đời gắn bó với mảnh đất Phú Tân (Cà Mau) dường như vẫn chưa đủ để giúp ông bà cùng con cháu mình có được cuộc sống ổn định. Trên gương mặt họ vẫn đau đáu nỗi lo chạy “giặc” nước, “giặc” sóng, chạy cả đêm lẫn ngày.
Lóc nhóc lũ cháu nội, ngoại của sáu người con đã lập gia đình vây quanh bà Xê tíu tít. Bà chẳng những đáng kính như bao người bà khác mà còn là “anh hùng cứu mạng” của chúng khi con nước ùa vào bờ bất ngờ. Chẳng vậy mà bố mẹ đứa nào cũng đều đùm gửi cả mùng mền quần áo cho con xuống ở dài dài với ông bà mỗi khi mùa nước lên.
Ngôi nhà ông bà ở hiện là ngôi nhà thứ tư, đã cách xa nền nhà thứ nhất tới mười mấy thước. Ba cái nhà trước cùng những cái lu trước hiên đã tiêu niêu trôi ra biển.
Chúng tôi lom khom bước qua chiếc khung cửa bị chặn ngang lưng bởi một cây cầu được bắc ngay trong nhà. Cây cầu này giúp ông bà đi lại đỡ lầy hơn mỗi khi nước ngập. Bà Xê bảo nhờ có cô bác gom góp, cộng với sự giúp sức của mấy cậu con rể nên cầu được làm xong từ hồi tháng 4 năm ngoái.
“Trước nhà tui ở mép bờ sông, nước tràn vào tính tới giờ là bể ba cái kiệu (*) rồi. Nhà đầu tiên là sập luôn. Nó lở vô, nó nứt chân hổng hay. Nửa đêm mái nhà nó chuối xuống hết, kiệu ở trước cửa nó lăn hết trơn ùm ùm ra biển vớt không kịp. Rồi lần nước lên khác nó nhào nhào nhào, mấy đứa con tui chỉ kịp khiêng cái tủ lên bờ đê” – bà Xê ngậm ngùi kể.
Không chỉ riêng gia đình bà Xê mà trong tầm mắt của chúng tôi khi nhìn ra bốn bề ở vùng ranh giới vô hình giữa sông và biển này, hoàn toàn không có một căn nhà kiên cố. Các gia đình dường như đều chấp nhận một cuộc sống tạm bợ và việc dời nhà khi biển lấn.
Nhà nào nào ít thì một lần, nhiều thì hai, ba lần. Vuông tôm hay rừng bị nuốt chửng hoàn toàn không còn dấu vết cũng không phải là sự lạ.
Nhưng phải dời nhà tới 4 lần như gia đình bà Xê thì kể cũng tội lắm, trong nhà tiêu tán chẳng còn gì giá trị ngoài cái tủ kịp khiêng lên bờ đê dạo trước.
Vì vậy mà khi cái nhà thứ ba của ông bà đổ sụp xuống, bà con chòm xóm khuyên: “Nhà anh chị quá trời sạt lở đi, ngập quá trời ngập, cứ để nguyên thế xã họ tới họ coi, người ta cho được đồng nào tốt đồng nấy”. Quả thực, căn nhà lá thứ tư cất lên được xã giúp đỡ một triệu đồng.
Có hội cựu chiến binh quan tâm cắm cho cây nước ngọt để dùng hàng ngày, bà con giúp đỡ khi cho cây gỗ làm sàn, khi cho mượn ghe lưới đánh bắt, rồi con cái quây quần xung quanh, bà Xê cũng thấy ấm lòng hơn, thậm chí có lúc hồ hởi thốt lên “chào mừng quá là chào mừng!”, cơn đau ung thư dạ dày của ông Xê cũng dịu lại trong chốc lát. Cho dù vậy, nỗi lo vẫn bám đuổi họ trong bữa cơm dè dặt hàng ngày, tiền thuốc thang từng bữa, và hơn cả là nỗi lo chẳng biết lúc nào nước lên mà chạy.
(*) Cái kiệu (lu): vật dụng chứa nước nước ăn phổ biến ở đồng bằng Sông Cửu Long.