Châu Phi: Tăng cường hợp tác và chia sẻ nguồn nước

ThienNhien.Net – Hợp tác về chia sẻ và cũng cấp nguồn nước phục vụ sinh hoạt và phát triển kinh tế, xã hội là một trong những ưu tiên của các quốc gia châu Phi hiện nay.

Châu Phi thiếu và thừa nước 

Nước là nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng, thậm chí còn được đánh giá quan trọng hơn dầu mỏ trong tương lai. Đó là nhận định trong báo cáo nghiên cứu của Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, nguồn nước lại phân bố không đồng đều giữa các quốc gia trên thế giới. Việc khai thác, sử dụng không hợp lí dẫn tới tình trạng thiếu nước, làm phát sinh mâu thuẫn giữa các quốc gia có chung nguồn nước đang có xu hướng ngày càng gia tăng.

Theo một số chuyên gia quốc tế, hiện nay các nước châu Phi cần sớm hoạch định các chương trình, kế hoạch sử dụng nguồn nước bền vững và lâu dài cho quá trình phát triển kinh tế và xã hội, do biến đổi khí hậu có thể làm cho khu vực này thiếu nước trầm trọng và hạn hán kéo dài, nhất là khu vực Đông Phi và Nam Phi. Đặc biệt, châu lục Đen cần xem xét kỹ lưỡng về thăm dò và khai thác các tầng nước ngầm, được coi là những “túi nước dự phòng khổng lồ”.

Quá trình khai thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm nguồn nước sẽ giúp châu Phi có đủ nước sạch phục vụ cho người dân địa phương, vốn đã và đang phải đối phó với tình trạng thiếu nước trong nhiều thập kỷ qua. Mặc dù có thể chưa phải là khô hạn nhất trên thế giới nhưng sự thiếu nguồn nước đã trở thành vấn đề nan giải của nhiều quốc gia châu Phi. Tại đây có hơn 300 triệu người dân thiếu nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt bởi sự yếu kém về công tác quản lý, phân phối và cung cấp nước.

Tuy nhiên, châu Phi lại được coi là khu vực “thừa” nguồn nước vì mới đây các nhà khoa học địa lý quốc tế đã tìm thấy ở lục địa Đen các tầng nước ngầm khổng lồ, gấp hơn 100 lần so với lượng nước bề mặt. Đây là một khám phá quan trọng mang lại hy vọng lớn cho châu luc phải thường xuyên phải đối phố với tình trạng thiếu nguồn nước và hạn hán này, đồng thời mở ra nhiều triển vọng cho nhu cầu sử dụng nước trong tương lai.

Các báo cáo nghiên cứu của Cơ quan khảo sát địa chất Anh (BGS) cũng khẳng định, châu Phi có trữ lượng nước ngầm rất lớn những các nguồn nước có thể khai thác mang tính thương mại lại rất ít do tầng nước ngầm quá sâu so với mặt đất nên chi phí sản xuất khá cao.

Hiện Bắc Phi là nơi có lượng nước ngầm lớn nhất, với tầng nước lưu trữ có độ dày khoảng 75 mét, nằm tập trung ở các nước như Libi, Angiêri, Tuynidi… Trữ lượng này không chỉ lớn về số lượng mà còn có chất lượng. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng nêu rõ, châu Phi vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn trong việc khai thác nguồn nước ngầm ở đây, như việc khoan để khai thác nguồn nước có thể làm tầng nước ngầm nhanh chóng bị cạn kiệt, nhất là các tầng nước ngầm đã không được bổ sung trong hơn 5.000 năm nên khả năng “lấp đầy” là rất khó.

Ảnh: africastories.org
Hợp tác về chia sẻ và cũng cấp nguồn nước phục vụ sinh hoạt và phát triển kinh tế, xã hội là một trong những ưu tiên của các quốc gia châu Phi hiện nay (Ảnh: africastories.org)

Hợp tác chia sẻ, sử dụng nguồn nước 

Hiện nay, châu Phi có 12 con sông lớn đang được nhiều quốc gia cùng khai thác. Tại đây có 34 Hiệp định về hợp tác phân phối, cung cấp nguồn nước. Đặc biệt, có hơn 10 Ủy ban hợp tác về sử dụng chung nguồn nước các con sông ở khu vực này. Nhiều vùng quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu lục Đen đã khai thác quá mức nguồn nước dự trữ nên khả năng tự tái tạo thấp và nguy cơ cạn kiệt nguồn nước, nhất là nguồn nước ngầm, là rất cao. Sự thiếu nước cũng tác động tiêu cực đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội tại khu vực này.

Phát biểu tại Hội nghị quốc tế về hợp tác nguồn nước vừa được tổ chức tại thủ đô Cairo, Ai Cập, ông Nelson Gomonda, một thành viên của Tổ chức quốc tế Water Aid, cho biết: “Hội nghị quốc tế về hợp tác nguồn nước lần này là một hội nghị quốc tế cao cấp nhất về sử dụng và vệ sinh nguồn nước, đặc biệt là sự có mặt của các đại diện đến từ các nước châu Phi. Trước đó, tổ chức này đã đề nghị các chính phủ châu Phi cam kết cung cấp nước sạch phục vụ dân sinh và đảm bảo vệ sinh môi trường nước cho thêm 100 triệu người vào năm 2015”.

Ông nêu rõ ràng, hầu hết các quốc gia châu Phi chưa có nhiều tiến bộ về những mục tiêu Phát triển thiên nhiên kỷ, trong đó có cải thiện môi trường sống mà thời hạn chót là vào năm 2015, do vậy cộng đồng thế giới, nhất là châu Phi, chỉ còn một vài năm nữa để đạt đến mục tiêu trên. Tổ chức Water Aid khuyến cáo các quốc gia châu Phi cần nỗ lực hơn nữa để ít nhất mang lại thêm nước sạch cho người dân địa phương trong thời gian tới. Đến nay, chỉ có 7 quốc gia đạt được mục tiêu vệ sinh nguồn nước, trong đó có 3 nước ở Tiểu vùng Sahara và 4 nước khu vực Bắc Phi.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu cung cấp nước sạch cho 100 triệu người ở châu lục này là rất khó khăn, vì hiện nay riêng các nước ở khu vực cận sa mạc Sahara của châu Phi cũng có gần 335 triệu người đang thiếu nước sạch và 600 triệu người không được cung cấp các nước nước đủ các điều kiện vệ sinh.

Theo dự báo của tổ chức Water Aid, mỗi năm gần 1 triệu trẻ em châu Phi bị tử vong do các dịch bệnh có liên quan đến mất vệ sinh nguồn nước. Thiếu nước sạch đang là một vấn đề nhức nhối, những tình hình sẽ trở nên tồi tệ hơn khi thế giới hết nước sạch, và điều đó rất có thể xảy ra vì dân số ngày càng tăng trong khi nước sạch ngày càng ít đi do tình trạng ô nhiễm và biến đổi khí hậu.

Nếu khi cách đây 2.000 năm, chỉ có khoảng 250 triệu người trên Trái đất sử dụng nước, thì đến năm 2010, riêng Bắc Phi đã có 200 triệu người sử dụng nguồn tài nguyên quý này để phục vụ đời sống và phát triển kinh tế xã hội. Trong khi đó, tình trạng sa mạc hóa, nhất là sa mạc Sahara đang ngày càng mở rộng và các nguồn nước đang dần cạn kiệt. Một báo cáo mới đây của Ngân hàng thế giới cho biết, đến năm 2050, nhu cầu sử dụng nước toàn cầu sẽ vượt quá mức cung cấp gần 40%.