ThienNhien.Net – Nhiều năm nay, người dân thôn Tân Quý, xã Cam Thành Bắc (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) phải sống chung với khói, bụi, tiếng ồn, mùi hôi thối phát ra từ Nhà máy đường Khánh Hòa.
Sống chung với bụi
Để xác minh đơn thư của hơn 30 hộ dân thôn Tân Quý phản ánh về tình trạng khói, bụi, tiếng ồn và mùi hôi thối do Nhà máy đường gây ra làm ảnh hưởng đến đời sống người dân trong khu vực, chúng tôi đã đến nơi đây.
Mới đến đầu thôn, chúng tôi đã hít phải mùi hôi thối xông lên giữa nắng buổi trưa. Đi sâu vào thôn theo hướng cột khói của Nhà máy đường, mùi hôi càng nồng nặc và xuất hiện những hạt bụi màu trắng bay trong không trung.
Chỉ các vật dụng trong gia đình, cây cảnh, hồ nước phong thủy trước sân… bị bám đầy bụi li ti, ông Nguyễn Xuân Vinh cho biết: “Mùi hôi thối và bụi này phát ra từ Nhà máy đường Khánh Hòa. Chúng tôi đã phải sống chung với nó 20 năm nay. Hiện nay, nhà máy đã sử dụng biện pháp che chắn nên có phần đỡ bụi hơn trước. Tuy nhiên, môi trường sống ở đây vẫn còn quá ô nhiễm”.
Theo ông Lê Văn Bê – Phó trưởng thôn Tân Quý, từ khi Nhà máy đường đi vào hoạt động, người dân trong thôn phải sống chung với môi trường ô nhiễm do khói, bụi, tiếng ồn và mùi hôi thối của nhà máy.
Đưa chúng tôi đến nhiều nhà dân trong thôn, ông Bê nói: “Ở đây, nhà nào cũng phải đóng bít cửa gần như 24/24 giờ để chống bụi và mùi hôi. Như nhà tôi, tuy ở cách xa nhà máy so với các hộ khác, nhưng các lỗ thông gió cũng phải bịt kín để bụi khỏi bay vào”.
Bà Nguyễn Thị Ngọc, nhà cạnh nhà máy than thở: “Sống ở đây, bên cạnh phải chịu đựng bụi và mùi hôi, mỗi lần nhà máy xả nồi hơi, tôi lại giật thót tim vì tiếng ồn như máy bay đậu trên nhà mình”.
Ông Lê Văn Bê cho biết, ngoài cuộc sống người dân bị ảnh hưởng bởi môi trường ô nhiễm, từ năm 2010 đến nay, toàn bộ khu đìa nuôi trồng thủy sản tiếp giáp Nhà máy đường về phía Bắc cũng bị bỏ hoang do nguồn nước bị ô nhiễm.
Nhà máy cần tăng cường khắc phục
Ông Lê Quang Hùng – Chủ tịch UBND xã Cam Thành Bắc cho biết: “Trước đây, người dân liên tục gửi đơn phản ánh đến UBND xã và chính quyền cấp trên, nhưng tình hình vẫn không thay đổi. Từ năm 2010, người dân không gửi đơn đến xã nữa mà gửi trực tiếp lên các cơ quan chức năng cấp tỉnh. Theo tôi, để giải quyết vấn đề bụi phát tán ra môi trường, nhà máy cần sử dụng các biện pháp che chắn để hạn chế tối đa”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Công Tiễn – Giám đốc Nhà máy đường Khánh Hòa cho biết: “Năm ngoái, van tự động lò hơi của nhà máy bị lỗi nên dây chuyền sản xuất bị tổn thất năng lượng, đồng thời phát ra những tiếng ồn. Tuy nhiên, chỉ trong thời gian ngắn, chúng tôi đã khắc phục sự cố này. Với cột khói của nhà máy cao 45m cùng với việc sử dụng công nghệ thu hồi tro hiện đại, hiện nay, vấn đề bụi phát tán ra môi trường qua ống khói đã được triệt tiêu. Chúng tôi đã sử dụng biện pháp che chắn bằng 2 lớp lưới ở toàn bộ khu vực sản xuất và bao quanh bãi chứa bã mía cũng bằng 2 lớp lưới cao gần chục mét; vì thế, bụi phát tán ra bên ngoài được hạn chế rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, do nhà máy ở khu vực trống trải, mùa này lại xuất hiện nhiều đợt gió mạnh nên bụi ở trong khu vực nhà máy vẫn bị thốc lên và bay ra ngoài, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân. Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng rào chắn bằng lưới theo các hướng gió để hạn chế tối đa bụi phát tán ra môi trường. Hiện nay, nhà máy vẫn chưa tìm ra biện pháp nào để hạn chế mùi hôi thối phát tán ra môi trường”.
Qua khảo sát của chúng tôi, hiện nay, khu vực chứa bã mía của Nhà máy đường đã được vây quanh bằng hàng rào 2 lớp lưới cao gần chục mét. Tuy nhiên, bụi phán tán ra bên ngoài vẫn chủ yếu xuất phát từ khu vực này. Chính vì thế, nhà máy cần tăng cường các giải pháp để hạn chế ô nhiễm môi trường do bụi phát tán và sớm có giải pháp hạn chế mùi hôi thối ảnh hưởng đến đời sống của người dân.