ThienNhien.Net – Trong khi các hồ thủy điện ngày càng cạn nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lại hầu như không có thêm nguồn phát mới khiến áp lực bảo đảm đủ điện cho sản xuất, sinh hoạt năm nay sẽ rất căng thẳng. Năm nay, nguy cơ thiếu điện sẽ rất cao, đặc biệt là ở miền Nam.
Thiếu 1,43 tỉ KWh từ thủy điện
Các nhà máy thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên đã phải đối mặt với thiếu hụt lũ ngay từ cuối năm trước khiến mực nước tại hầu hết các hồ thủy điện thấp hơn mức bình thường. Đến đầu năm nay, khô hạn lại trầm trọng hơn.
Ông Tạ Văn Luận, Giám đốc Công ty Thủy điện Ialy – Gia Lai, cho biết tình hình thủy văn tại các hồ thủy điện trên dòng Sêsan đang hết sức căng thẳng. Lưu lượng nước về các hồ chỉ đạt 45 m3/giây, chỉ bằng 50% so với những năm thủy văn ổn định. Mức nước hiện nay tại 2 hồ Ialy và Pleikrong chỉ đạt 800 triệu m3, trong khi tổng dung tích 2 hồ lên đến 1,7 tỉ m3. Do thiếu nước, tính chung 2 tháng đầu năm, sản lượng điện của công ty chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Luận cho biết hiện nay, công suất phát điện của các tổ máy vẫn bảo đảm nhưng phải giảm thời gian chạy máy để giữ nước cho sản xuất trong vài tháng tới. Đến nay, chưa có tín hiệu khả quan, hứa hẹn tình hình thủy văn sẽ được cải thiện. Như vậy, thủy điện sẽ tiếp tục khó khăn.
Nghiêm trọng hơn, lưu lượng nước về Nhà máy Thủy điện Sông Ba Hạ – Phú Yên hiện chỉ đạt bình quân 23-25 m3/giây khiến mực nước trong hồ chỉ cách mực nước chết 0,5 m. Nếu khu vực này tiếp tục không có mưa, dự báo đến gần cuối tháng 3, nước hồ thủy điện Sông Ba Hạ sẽ đến mực nước chết và nhà máy sẽ phải ngừng hoạt động. Trong khi đó, tại hồ thủy điện Đồng Nai, lưu lượng nước về chưa đến 20 m3/giây, dẫn đến mực nước dâng giảm đến 5 m so với bình thường.
Hiện nay, hầu hết các hồ thủy điện ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên đều mong lũ tiểu mãn sẽ về trong tháng 6. Tuy nhiên, nếu lặp lại tình trạng không có lũ như năm 2012, chắc chắn thủy điện – nguồn cung cấp điện lớn nhất trong cơ cấu hiện nay – sẽ khó hoàn thành kế hoạch phát điện.
Theo tính toán của EVN, việc các hồ thủy điện không tích đủ nước từ cuối năm 2012 sẽ làm sản lượng điện thiếu hụt 1,43 tỉ KWh.
Nhu cầu tăng cao
EVN cho biết trong khi đó, năng lực truyền tải điện qua các đường dây 500 KV, 220 KV lại bị giới hạn, ở miền Nam còn không có nguồn phát điện mới trong năm nay. Dự kiến, dự án Vĩnh Tân 2 sớm nhất cũng phải đến năm 2014 mới phát điện, còn những dự án khác như Duyên Hải 1 và 3, Ô Môn… có khả năng đến năm 2015 mới đưa vào vận hành.
Hiện tại, tổng nguồn điện của miền Nam đạt gần 56 tỉ KWh, riêng mùa khô là hơn 29 tỉ KWh. Trong khi đó, nhu cầu ở khu vực này ước cả năm lên đến khoảng 65 tỉ KWh, mùa khô gần 32 tỉ KWh. Như vậy, miền Nam bị thiếu hụt khoảng 9 tỉ KWh, mùa khô thiếu gần 3 tỉ KWh so với nhu cầu.
Mới đầu mùa khô nhưng nhu cầu điện năng của cả nước đã tăng rất cao. Phó Tổng Giám đốc EVN, ông Dương Quang Thành, cho biết chỉ trong những ngày đầu tháng 3, do nắng nóng nên lượng điện tiêu thụ đã lên đến 365 triệu KWh/ngày, cao hơn bình quân dự kiến đến 10 triệu KWh/ngày.
Tại cuộc họp báo mới đây của Bộ Công Thương, ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, cho rằng nếu nhu cầu sử dụng điện tăng đột biến, hạn hán tiếp tục thì tình hình sản xuất và cung ứng điện sẽ gặp khó khăn. Trước tình hình này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo EVN bằng mọi giá phải cân đối đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng, không để thiếu điện trong mùa khô.
Dự kiến, trong năm 2013, EVN phải huy động 1,57 tỉ KWh điện chạy dầu FO và DO, trong đó mùa khô là 1,113 tỉ KWh. Đại diện tập đoàn này cho biết để có thể cung cấp đủ điện trong mùa khô thì cần huy động thêm các nguồn điện chạy than và dầu thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia.
“Không quá căng thẳng”
Trao đổi với phóng viên Người Lao Động, ông Phạm Minh Lương, Giám đốc Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Nam, từ chối trả lời về nguy cơ thiếu điện dẫn đến phải tiết giảm phụ tải ở miền Nam trong năm nay vì theo ông, tất cả thông tin cung ứng điện đã được EVN giải trình cho các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, ông Lương cũng cho rằng cung ứng điện cho miền Nam năm nay tuy có khó khăn nhất định nhưng “không đến nỗi quá căng thẳng”. |