ThienNhien.Net – Những năm gần đây, Hà Giang luôn xảy ra tình trạng phá rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu nguồn, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn cây gỗ nghiến, trai (nhóm IIA) cổ thụ đường kính từ 0,8m-1,5m đã bị những chiếc cưa chạy bằng xăng (còn gọi là cưa lốc) đốn hạ, cắt thành thớt, thành thanh… chỉ trong giây lát. Trong khi đó, các ngành chức năng vẫn “bó tay” với phương tiện phá rừng khủng khiếp này…
Không thể thống kê…
Trả lời câu hỏi Hà Giang có bao nhiêu chiếc cưa lốc và có cách nào quản lý những chiếc cưa này để nó không được dùng vào mục đích phá rừng, ông Hoàng Ngọc Tường, Chi cục trưởng Chi Cục kiểm lâm tỉnh Hà Giang cho biết: “Bây giờ tỉnh mới chuẩn bị cho cán bộ đi học tập, chúng tôi có đặc thù là tỉnh biên giới nên các chính sách về quản lý cưa xăng đưa ra rất khó hợp lòng dân, Kiểm lâm muốn làm quyết liệt lắm nhưng chưa có cách nào. Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh thì con số cưa xăng rất thấp, chỉ khoảng 1.000 chiếc, thống kê ở chỗ “nóng” nhất, là ở xã Minh Tân (huyện Vị Xuyên) nhưng chỉ được 326 chiếc, quá ít so với thực tế dân báo là 100% số hộ ở xã này đều có cưa xăng”.
“Nghe Biên phòng nói ở Hà Giang đã xuất hiện loại cưa máy có lưỡi cưa sắc lẹm bằng kim cương, chạy bằng ắc quy điện, khi cưa gỗ không hề phát ra tiếng kêu. Nếu có loại cưa đó thật thì khó cơ quan nào có thể quản lý được…”. – Ông Hoàng Ngọc Tường, Chi cục trưởng Chi Cục kiểm lâm tỉnh Hà Giang |
Ông Tường nói tiếp: Việc thống kê rất khó khăn vì người dân không khai, họ dấu kín trong rừng, hang đá… thỉnh thoảng lén lút vào cưa gỗ. Chúng tôi cũng đã tham khảo ở một số nơi trên cả nước, nhưng khi áp dụng thực tế ở Hà Giang mới thấy nó phiêu lưu quá, không thực tế. Bởi vì dân ở Hà Giang có những thôn sinh sống sâu trong rừng đặc dụng cách trung tâm xã đến 30 cây số, có đi bộ cả ngày cũng chưa tới, ai lại mất ngần đó thời gian mang cưa đi giao nộp rồi đến khi muốn dùng lại đi mượn lại rồi còn phải làm giấy tờ mới mượn được… Thêm nữa, đây là công cụ lao động bình thường của dân, Nhà nước chưa có quy định cấm”.
Tiếp tục câu chuyện về quản lý cưa lốc với ông Nguyễn Việt Hưng, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang, nơi thường xuyên xảy ra tình trạng người dân lén lút phá rừng nghiến cổ thụ, ông Hưng cũng cho biết: “Việc quản lý cưa xăng ở rừng đặc dụng Phong Quang chỉ dừng ở mức ký cam kết không phá rừng trái phép thôi, vì theo quy định của pháp luật không thể thu của người dân được. Hiện tại chúng tôi đang chờ ý kiến chỉ đạo từ phía Chi cục…”.
Minh Tân – nơi “hội tụ” cưa lốc
Điển hình về tình trạng dùng cưa lốc phá rừng nghiến ở Hà Giang hiện nay phải kể đến Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Quang, nằm trên địa bàn các xã Minh Tân, Thanh Thủy, Thuận Hòa, Phong Quang (huyện Vị Xuyên) và một phần nhỏ của phường Quang Trung, TP. Hà Giang, tỉnh Hà Giang.
Trong đó, rừng đặc dụng bị tàn phá nhiều nhất là xã Minh Tân, đây cũng là xã được đánh giá là có nhiều cưa xăng nhất tỉnh Hà Giang. “Toàn xã có gần 1.200 hộ, thì hầu hết các hộ dân đều có cưa xăng”, một cán bộ xã này cho biết. Còn người dân thì đưa ra số liệu “choáng” hơn: “Các anh không biết đâu, số cưa xăng còn nhiều hơn số hộ dân, vì giá mỗi chiếc cưa xăng rẻ bèo, chỉ bằng mấy cục gỗ nghiến, nên chẳng ai rỗi công đem về cho nặng vai”.
Với câu hỏi vì sao nhiều cưa xăng vậy? thì cán bộ Kiểm lâm rừng đặc dụng Phong Quang, hay người dân địa phương đều có câu trả lời khá giống nhau là, phần nhiều số cưa xăng được các “đầu nậu” thu gom gỗ nghiến cho người dân “mượn”, hoặc ứng tiền cho vay trước, trả gỗ sau, hay là dùng cưa đổi gỗ…
Cùng đứng dưới một gốc cây nghiến có đường kính khoảng 1,5m, cao tầm 40m, với một chiến sĩ biên phòng và mấy người dân thuộc xã Minh Tân, với câu hỏi cây nghiến này có từ bao giờ? Không ai biết chính xác. Nhưng khi hỏi mất bao nhiêu thời gian để dùng một cưa lốc đốn hạ, rồi “xẻ thịt phanh thây” cây nghiến này? Thì tất cả đều nói chắc như đinh đóng cột “chỉ mất 10 đến 15 phút”.
Đến thời điểm này chưa ai thống kê chính xác cưa lốc đã đốn hạ bao nhiêu cây nghiến, nhưng theo một người dân ở thôn Tân Sơn xã Minh Tân thì ngay ở khu làng người Mông thuộc thôn Tân Sơn, nơi đó là đầu nguồn, mà có tới cả trăm cây nghiến cổ thụ đã bị cưa lốc hạ gục bao gồm cả mới và cũ.
Rừng cây tự nhiên trên núi đá Hà Giang rộng lớn, gỗ quí hiếm như đinh, nghiến, trai thường ở những nơi treo leo, hiểm trở. Việc tiếp cận và quản lý từng cây nghiến trên các mỏm núi đá là vô cùng khó khăn. Trong khi, lực lượng Kiểm lâm nơi này vừa thiếu nhân lực và các phương tiện hiện đại hỗ trợ tác nghiệp hàng ngày. Do đó, rất khó khăn trong việc bảo vệ từng cây gỗ quí trước sự gia tăng của phương tiện khai thác hiện đại như cưa lốc.
Trong khi đó lâm tặc lại thông thuộc địa bàn hơn cả kiểm lâm, lại có mối quan hệ gia tộc hoặc làng bản với dân ở nơi cửa rừng. Vậy mà đang có hàng nghìn cưa lốc nằm trong tay các hộ dân…Nếu chính quyền Hà Giang không sớm có biện pháp hữu hiệu trong quản lý cưa lốc chạy bằng xăng thì chẳng bao lâu nữa những cây nghiến nghìn năm tuổi như một niềm kiêu hãnh của sự sống trên các ngọn núi đá vôi sẽ biến mất.