ThienNhien.Net – Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) vừa phát hành một phim mới kêu gọi công đồng không sử dụng sừng tê giác và cùng lên án những người sử dụng sừng tê giác.
Đây là phim đầu tiên trong chuỗi các phim tuyên truyền nhắm tới đối tượng người tiêu thụ sừng tê giác sẽ được sản xuất và phát hành trong năm nay và là một phần trong chiến dịch thay đổi nhận thức về bảo vệ tê giác của ENV.
Phim phác họa “chân dung” những người tiêu thụ sừng tê giác qua những tính từ mạnh như “kém khôn ngoan, thiếu hiểu biết, lạc hậu, tàn nhẫn, xấu xa” và nhấn mạnh rằng sừng tê giác không giúp thể hiện đẳng cấp xã hội, cũng không phải là thần dược. Tiếp đó, người xem được khuyến nghị không tiêu thụ sừng tê giác và báo cho cơ quan chức năng hoặc Đường dây nóng miễn phí Bảo vệ Động vật Hoang dã (ĐVHD) 1800 1522 về những vi phạm liên quan đến sừng tê giác. Phim sẽ được phát sóng trên các kênh truyền hình trung ương và địa phương trong tháng Ba này, đồng thời được đăng tải rộng rãi trên các website, diễn đàn và mạng xã hội.
Nhu cầu sử dụng sừng tê giác đã khiến cho loài tê giác Java chính thức tuyệt chủng tại Việt Nam khi cá thể cuối cùng bị giết hại năm 2010, và cũng được coi là nguyên nhân quan trọng dẫn đến cái chết của 668 cá thể tê giác tại Nam Phi trong năm 2012.
Kinh tế phát triển nhanh chóng và mức sống được nâng cao từ cuối những năm 1990 đã khiến nhu cầu sử dụng các loại thuốc Đông y có nguồn gốc từ ĐVHD tăng mạnh. Những người sử dụng sừng tê giác tin rằng sừng tê giác có thể chữa được bách bệnh, và rằng sự quý hiếm cũng như đắt đỏ của sừng tê giác chính là biểu hiện của thành công hay đẳng cấp của mình.
“Việt Nam cần phải chia sẻ trách nhiệm với thế giới trong việc bảo vệ loài tê giác, bằng cách xóa bỏ niềm tin vô căn cứ vào giá trị của sừng tê giác” – ông Trần Việt Hưng – Phó Giám đốc của ENV phát biểu. “Chúng ta cần phải gửi một thông điệp mạnh mẽ đến những người sử dụng sừng tê giác rằng, đây là hành động không thể chấp nhận được trong xã hội hiện đại, và việc tiêu thụ sừng tê giác đang làm ảnh hưởng đến toàn thế giới”.
“Nhu cầu sử dụng sừng tê giác chỉ tồn tại trong một bộ phận nhỏ của xã hội, thực chất không phản ánh toàn bộ thái độ hay sở thích của người dân Việt Nam”, ông Hưng cho biết thêm. “Chúng tôi cũng rất vui mừng khi thấy chính phủ Việt Nam ngày càng có thêm nhiều động thái nhằm ngăn chặn nạn buôn bán sừng tê giác tại Việt Nam, cụ thể là với Quyết định cấm nhập khẩu tê giác dưới dạng chiến lợi phẩm, hay tăng cường bắt giữ, tịch thu các vụ buôn bán, vận chuyển sừng tê giác”.
Đây là phim tuyên truyền thứ 15 do ENV sản xuất, và là một phần trong chiến dịch tổng thể hướng tới giảm nhu cầu tiêu thụ ĐVHD và tăng cường thực thi pháp luật chống các loại tội phạm liên quan đến ĐVHD tại Việt Nam.