ThienNhien.Net – Khô hạn và xâm mặn đang diễn ra gay gắt ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, đầu tháng 3, độ mặn trên các cửa sông Tiền và sông Hậu đang tăng cao và đã xâm nhập vào nội đồng 40-50 km, có nơi đến 60 km. Dự báo năm nay, tình hình hạn mặn sẽ gay gắt hơn năm trước.Khô hạn và xâm mặn đang diễn ra gay gắt tại các tỉnh ĐBSCL.
Hạn, mặn bủa vây các tỉnh ven biển
Hiện nay, độ mặn đo được trên sông Hàm Luông (Bến Tre), có nơi lên đến 7,9‰, trên sông Cổ Chiên tại Trà Vinh là 6,4‰ và trên sông Vàm Cỏ Đông, tại huyện Bến Lức (Long An) độ mặn cũng đã tới gần 3%o.
Tại Bến Tre, nước mặn đã lấn sâu vào đến huyện Chợ Lách, cách cửa biển hơn 50km gây ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái và sản xuất lúa của bà con nông dân. Tại Trà Vinh, nước mặn xâm nhập sâu hơn 60km.
Tại Tiền Giang, nước mặn đã lấn vào đất liền 55km (sâu hơn so với năm ngoái hơn 7km).
Tại Sóc Trăng, hạn và mặn đang ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng của hàng chục ngàn hecta lúa Đông Xuân (Đông Xuân) ở các tuyến giáp ranh huyện Ngã Năm với tỉnh Bạc Liêu. Đã có trên 20.000ha lúa ở một số xã dọc theo tuyến kênh Long Phú – Tiếp Nhật ở các huyện Trần Đề, Long Phú, Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) có nguy cơ giảm năng suất do bị ảnh hưởng của mặn xâm nhập và khô hạn.
Tại Hậu Giang, nước mặn theo sông Cái Lớn qua khỏi địa bàn tỉnh Kiên Giang xâm nhập theo kênh xáng Xà No tới TP. Vị Thanh. Hiện ranh mặn gần 4‰ xâm nhập sâu vào kênh mương nội đồng các địa phương thuộc huyện Long Mỹ, Vị Thủy.
Theo dự báo của Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, đến trung tuần tháng 3/2013, nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng gây ảnh hưởng cho 6.000ha đất sản xuất của huyện Long Mỹ. Nhiều diện tích lúa Đông Xuân 2012 – 2013 ở các tỉnh trong vùng ĐBSCL đang bị mặn đe dọa nghiêm trọng, nguy cơ giảm năng suất, chất lượng là rất lớn.
Huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) có khoảng 12.400ha lúa Đông Xuân đang trong giai đoạn đẻ nhánh và làm đòng bị ảnh hưởng mặn. Do mặn xâm nhập xuất hiện sớm hơn so với các năm trước nên chính quyền địa phương đã đóng tất cả các cống đầu mối như La Bang, Trà Kha, Hàm Giang, Trà Cú, Mù U, Vàm Buôn, Bắc Trang để trữ nước ngọt phục vụ sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Kệ, cán bộ Phòng Quản lý khai thác thủy lợi (Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý Khai thác Công trình Thủy lợi tỉnh Trà Vinh) cho biết: “Từ tháng 12/2012, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thônT tỉnh Trà Vinh chỉ đạo đóng toàn bộ các cống”. Độ mặn hiện nay ở Trà Vinh dao động từ 5-12‰, nặng nhất là cống Bến Chùa (huyện Cầu Ngang), cống Vàm Trà Vinh (TP. Trà Vinh), cống Vàm Cầu Quang (huyện Cầu Quang) và cống Cần Chông (huyện Tiểu Cần).
Tỉnh Bến Tre cũng có khoảng 21.000ha lúa Đông Xuân ở các huyện Thạnh Phú, Bình Đại, Ba Tri đang bị mặn đe dọa. Lo ngại lớn nhất là hệ thống cống đập, công trình thủy lợi ở các địa phương này chưa được đầu tư khép kín khiến nước mặn có điều kiện xâm nhập vào vùng ngọt hóa. Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và đề nghị UBND các huyện bám sát diễn biến của nước mặn xâm nhập để kịp thời vận hành các công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt hợp lý; đảm bảo cung cấp nước tưới cho lúa và hoa màu. Các cống ngăn mặn ở các huyện đã được đóng lại từ tháng 1-2013, để trữ nước ngọt đảm bảo phục vụ sản xuất…”.
Giải pháp hài hòa để tránh xung đột giữa cây lúa, con tôm
Trước tình hình mặn xâm nhập sâu vào nội đồng, tại Bạc Liêu, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Quản lý và Khai thác các công trình thủy lợi Bạc Liêu nhận định: Từ tháng 3 đến 5/2013, Bạc Liêu sẽ bị ảnh hưởng mặn nghiêm trọng với nồng độ nước mặn lên đến từ 9‰-12‰. Sẽ có sự xung đột giữa cây lúa và con tôm. Nếu đóng cống để giữ ngọt cứu lúa thì sẽ thiếu nước mặn cho con tôm. Do vậy cần có sự điều tiết hợp lý. Tới đây, tỉnh sẽ qui hoạch lại vùng nuôi tôm và sản xuất lúa để bảo đảm hài hòa lợi ích cho nông dân.
Tại hội nghị triển khai công tác phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất vụ Đông Xuân 2012 – 2013, nhiều đại biểu các tỉnh vùng ĐBSCL đã đề xuất các giải pháp như thay đổi thời vụ, kỹ thuật canh tác và cây trồng cũng như sản xuất những giống cây trồng đặc biệt là giống lúa có khả năng kháng mặn cao… Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng được xem là giải pháp thích nghi lâu dài và cũng là một trong những biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tỉnh Sóc Trăng triển khai, sử dụng các giống lúa chịu mặn trong mô hình luân canh tôm – lúa. Ngành Nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đang tìm cách nhân rộng 2 giống lúa siêu chịu mặn do các nhà khoa học của trường đại học Cần Thơ nghiên cứu và chuyển giao tại huyện Hồng Dân với độ chịu mặn lên đến 10‰.
Do ảnh hưởng bởi hạn gay gắt, bên cạnh việc nguồn nước bị mặn hóa là tình trạng thiếu nước ngọt cho sinh họat của người dân và nước phục vụ sản xuất. Nhiều nơi, người dân đổi nước ngọt sinh hoạt với giá 60.000 đồng/m³ hoặc phải dùng nước máy nhiễm mặn giá 10.000 đồng/m³. Bà con ở các xã ven biển hiện nay đang phải đi mua nước sâu trong đất liền với giá cao. Tại Bến Tre, do sông Ba Lai bị nhiễm mặn nên hàng ngàn hộ dân của huyện Bình Đại đang “khát” nước.
Tại Tiền Giang, các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Tây, thị xã Gò Công cũng đang thiếu nước ngọt sinh hoạt. Tỉnh chỉ đạo Chi cục Thủy lợi Tiền Giang mở 60 vòi cấp nước phục vụ miễn phí cho người dân từ đầu tháng 3 cho đến 5-2013.
Nơi đầu nguồn lũ, hệ thống 27 cống ngăn mặn vùng tứ giác Long Xuyên đã được đóng lại để bảo vệ hàng trăm ngàn ha lúa Đông Xuân đến thời điểm thu họach. Tuy nhiên nhiều diện tích lúa ở đây vẫn bị đe dọa vì nước mặn biển Tây theo kênh Long Xuyên – Rạch Giá (chưa thể xây dựng cống) đổ vào huyện Thoại Sơn (An Giang), Hòn Đất (Kiên Giang). Kênh Vĩnh Tế cũng bị đe dọa thấm mặn qua cửa Hà Tiên, lấn sâu đến huyện Tri Tôn, Tịnh Biên (tỉnh An Giang).
Mùa khô ở miền Tây Nam bộ còn kéo dài hơn 2 tháng nữa. Phòng chống hạn, mặn, phòng chống cháy rừng, sử dụng tiết kiệm nước, tiết kiệm điện đang là nhiệm vụ thường trực của cả hệ thống chính trị và mọi người dân.
Khô hạn ở Quảng Nam và Đà Nẵng – Sông nhiễm mặn, hồ trơ đáy
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Quảng Nam, đến thời điểm này nắng hạn đã làm gần 10 hồ chứa nước, hồ thủy điện trên địa bàn xuống dưới mực nước chết, thấp hơn trung bình nhiều năm 20% – 50%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nguồn nước dự trữ, phục vụ tưới cho 50.000ha lúa vụ đông xuân trên địa bàn tỉnh thiếu hụt nghiêm trọng. Hồ Phú Ninh lớn nhất tỉnh, đã xuống dưới mực nước chết hơn 1m, thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Hệ thống sông suối cũng đã khô cạn, nước mặn xâm nhập sâu vào sông Thu Bồn, các trạm bơm ở vùng hạ lưu huyện Điện Bàn, Duy Xuyên phải ngừng hoạt động. Hàng ngàn hécta lúa ở các vùng này đã thiếu nước tưới trong gần 1 tháng qua, nguy cơ mất trắng rất lớn. Tại Đà Nẵng, các hồ chứa thủy lợi cũng trong tình trạng trơ đáy. Theo Chi cục Thủy lợi TP Đà Nẵng, hồ chứa nước An Nhơn (xã Hòa Phú) và Hòa Khê (xã Hòa Sơn) hiện không có nước. Các hồ chứa khác đều ở mức rất thấp. Hồ Đồng Nghệ (xã Hòa Khương) có sức chứa lớn nhất khoảng 16 triệu m3 nhưng ở thời điểm này chỉ có 49% dung tích, hồ Hòa Trung (xã Hòa Liên) chỉ đạt gần 46%, các hồ nhỏ còn lại chỉ xấp xỉ hơn 50% dung tích. Mức nước ở các hồ thấp do năm 2012 lượng mưa chỉ đạt 1/3 so với các năm trước khiến hồ chứa không thể tích nước. Ngoài ra, do lượng nước trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn đổ về “nhỏ giọt” khiến tình trạng xâm nhập mặn vùng hạ lưu (thuộc TP Đà Nẵng) càng lấn sâu. Chính vì vậy, hơn 2.000ha lúa tại huyện Hòa Vang và quận Ngũ Hành Sơn đang khô cháy. Khô hạn cũng đã gây ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt của hàng vạn người dân TP Đà Nẵng. Công ty Cấp nước Đà Nẵng cho biết: Do thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng kéo dài nên hiện nay nước mặn đã xâm nhập sâu vào sông Hàn. Tại khu vực Nhà máy nước Cầu Đỏ, độ mặn tăng cao, không thể dùng xử lý thành nước sinh hoạt. Nguyên nhân khiến nước sông nhiễm mặn là do nguồn nước từ 2 sông Vu Gia, Thu Bồn phía thượng nguồn tỉnh Quảng Nam đổ về ít, khiến nước biển lấn sâu vào đất liền. Công ty Cấp nước Đà Nẵng đã bơm nước từ đập ngăn mặn An Trạch trên sông Yên cách Nhà máy nước Cầu Đỏ khoảng 8km về xử lý. Việc sử dụng nguồn nước thay thế này rất tốn kém, mỗi khối nước mất thêm 550 đồng. Không chỉ tốn kém về chi phí, điều đáng lo nhất, nếu hạn hán khắc nghiệt hơn trong mùa hè này, sẽ khiến nguồn nước ngọt tại đập An Trạch thiếu hụt. Vì vậy, đơn vị đang chủ động làm việc phối hợp với các đơn vị liên quan ở Quảng Nam để chia sẻ hợp lý nguồn nước sông Vu Gia. Được biết, hiện có gần 2/3 hộ dân ở Đà Nẵng sử dụng nước sinh hoạt từ Nhà máy nước Cầu Đỏ. Nếu tình hình khô hạn tiếp tục kéo dài, nguy cơ hàng chục ngàn hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt trong thời gian tới là rất lớn. Theo N.Hùng/Sài Gòn Giải Phóng, 06/03/2013 |