Lo ngại rau, củ, quả nhiễm vi sinh vật

ThienNhien.Net – Kết quả giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các loại thực phẩm, rau, củ, quả thời gian qua khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng cho bữa cơm gia đình.

Ảnh minh họa: antoanthucpham.net
Ảnh minh họa: antoanthucpham.net

Tại cuộc họp bàn triển khai các biện pháp kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm đối với nông sản diễn ra chiều qua 4/3, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết từ đầu năm 2013 đến nay, qua kiểm tra 172 cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản đã phát hiện và xử lý 24 cơ sở không đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo ông Tiệp, cơ quan quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm đã phát hiện cơ sở giết mổ Hòa Phước (Đà Nẵng) sử dụng nhựa thông để làm sạch lông gia cầm. “Đây là chất cấm, không được sử dụng trong giết mổ. Tuy nhiên, ở một vài địa phương, người dân vẫn đang lạm dụng nhựa thông để vặt lông gà, vịt”, ông Tiệp nói.

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng, cho biết kết quả giám sát năm 2012 cho thấy có 6,8% mẫu rau, củ, quả tươi có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức dư lượng tối đa cho phép.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát lưu ý, cần phải quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm nông sản theo chuỗi, trong đó tập trung phân tích nguy cơ, xác định lại thực phẩm, các khâu sản xuất – kinh doanh có nguy cơ cao để tập trung xử lý.

“Chúng ta phải đẩy mạnh triển khai đánh giá nguy cơ rủi ro để quản lý theo chuỗi. Trên cơ sở đánh giá nguy cơ phân loại và lập bảng cảnh báo với các màu chỉ dẫn như xanh, vàng, đỏ. Các sản phẩm được đưa vào nhóm màu xanh là an toàn, vàng là có vấn đề ở mức độ nhẹ và đỏ là mất an toàn vệ sinh thực phẩm nghiêm trọng. Bảng chỉ dẫn này được lập đối với cả nông sản sản xuất trong nước và rau, củ, quả, thực phẩm nhập khẩu. Các bảng này được cập nhật và phổ biến rộng rãi tới các địa phương để tổ chức giám sát, khắc phục và xử lý kịp thời; thông tin đầy đủ để người tiêu dùng biết và lựa khi xách làn đi chợ”, ông Phát chỉ đạo.

Chất tăng trọng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe Ông Lâm Quốc Hùng, Trưởng phòng Giám sát ngộ độc, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cho biết: Mọi chất hóa học nếu quá giới hạn cho phép sẽ gây nên hiện tượng ngộ độc cấp tính hoặc trường diễn. Sau khi nhiễm vào cơ thể các chất này sẽ tích tụ trong nội tạng, lâu dài gây bệnh như ung thư, ảnh hưởng hệ thần kinh.Sử dụng lâu dài chất tăng trọng trong thực phẩm tác dụng xấu đến sức khỏe như gây béo, tăng cân do bị ứ nước trong tế bào; một số chất cấm dùng trong chăn nuôi dùng quá mức sẽ tồn dư trong thịt, ảnh hưởng đến người ăn phải, gây giãn phế quản, tác động xấu đến tim mạch. Có chất lại gây dậy thì sớm, gây ung thư. Tùy loại hóa chất tồn dư, tùy loại tế bào đích mà các tác nhân này tấn công có thể tác hại khác nhau: ung thư, độc gan thận, rối loạn chuyển hóa, rối loạn nội tiết trong cơ thể.

Theo TS Trần Nhân Thắng, Phó trưởng khoa Dược Bệnh viện Bạch Mai, thực phẩm tồn dư lượng kháng sinh giúp vi khuẩn làm quen với kháng sinh, tạo ra các vi khuẩn kháng kháng sinh, sẽ rất khó khăn cho điều trị gây nên bệnh cảnh nặng, nguy cơ tử vong cao. Còn một số chất chuyển hóa tạo nạc ở gia súc tồn dư trong thịt nguy hiểm cho người ăn phải bởi về lâu dài làm rối loạn nội tiết tố, gia tăng bệnh tim mạch, tác động xấu đến não.

Liên Châu/Thanh Niên