ThienNhien.Net – Sau hơn 6 năm hoạt động, các ban quản lý rừng phòng hộ ở tỉnh Quảng Bình đã nỗ lực vượt qua khó khăn, quản lý và bảo vệ tốt vốn rừng, góp phần đưa Quảng Bình trở thành địa phương có độ che phủ rừng đứng đầu cả nước (70%). Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được đã có những hạn chế bộc lộ cần sớm tháo gỡ.
Tỉnh Quảng Bình có tổng diện tích tự nhiên 806.527ha, trong đó diện tích rừng và đất lâm nghiệp 648.214ha.
Tổng diện tích quy hoạch rừng phòng hộ năm 2007 là 174.482ha, sau khi rà soát, bóc tách đến nay diện tích rừng phòng hộ được quản lý, bảo vệ là 149.564ha, chiếm 23% đất lâm nghiệp toàn tỉnh.
Thực hiện Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 26/12/2005 của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở quy hoạch 3 loại rừng được phê duyệt, đến nay toàn tỉnh có 8 Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) được thành lập; trong đó có 7 BQLRPH trực thuộc các huyện, thành phố gồm các BQLRPH: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Long Đại, Ba Rền, Động Châu, Đồng Hới và 1 BQLRPH trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (BQLRPH ven biển Nam Quảng Bình).
Ngoài ra có 1 BQL rừng đặc dụng là BQL Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Riêng rừng đặc dụng khu vực núi Thần Đinh do không đủ điều kiện thành lập BQL nên giao UBND huyện Quảng Ninh quản lý.
Trước đây, rừng phòng hộ do các lâm trường quản lý, thiếu sự phối hợp của chính quyền địa phương nên để xảy ra nhiều vụ phá rừng, khai thác rừng phòng hộ trái phép, làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Từ khi chuyển mô hình quản lý, việc quản lý bảo vệ rừng phòng hộ với sự tham gia của cả hệ thống chính trị mà trong đó nòng cốt là BQLRPH nên công tác bảo vệ rừng ngày càng được củng cố, tăng cường theo hướng bảo vệ rừng tại gốc.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuy còn thiếu về lực lượng, cơ sở vật chất, trang thiết bị và kinh phí hoạt động, song các BQLRPH đã hoạt động có hiệu quả, tổ chức quản lý, bảo vệ khá tốt vốn rừng, góp phần nâng cao độ che phủ rừng trên địa bàn qua hàng năm.
Bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ, hoạt động của các BQLRPH ở tỉnh Quảng Bình còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Rừng tự nhiên một số nơi tiếp tục bị suy giảm cả về diện tích, chất lượng và tính đa dạng sinh học; có nơi bị suy giảm nghiêm trọng như: khu vực Khe Nét thuộc BQLRPH Tuyên Hóa; khu vực đường nối Cảng Vũng Áng đến biên giới Việt – Lào, đoạn qua xã Thuận Hóa, huyện Tuyên Hóa; khu vực đèo Đá Đẽo, đoạn giáp ranh giữa huyện Minh Hóa và Bố Trạch…
Nhiều vụ khai thác gỗ trái phép với quy mô lớn diễn ra trong một thời gian khá dài nhưng chậm được phát hiện, ngăn chặn, xử lý. Vụ khai thác gỗ trái phép diễn ra tại tiểu khu 37, 39 xã Trọng Hóa (Minh Hóa) và tiểu khu 38 xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa), với hàng trăm mét khối gỗ thu giữ được tại hiện trường; vụ khai thác gỗ trái phép tại tiểu khu 218 khu vực đèo Đá Đẽo, giáp ranh giữa huyện Minh Hóa và huyện Bố Trạch; gần đây là vụ khai thác trái phép 3 cây gỗ Huê có giá trị lớn tại Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng…
Đến nay, toàn bộ diện tích rừng phòng hộ ven biển Nam Quảng Bình và phần mở rộng của rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng chưa được cắm mốc phân định ranh giới 3 loại rừng trên thực địa, làm cho công tác quản lý, bảo vệ rừng ở các khu rừng nói trên gặp phải những khó khăn nhất định. Kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đạt chất lượng chưa cao.
Theo báo cáo của UBND các huyện, xã được giám sát, việc phân định 3 loại rừng một số nơi chưa hợp lý, chưa sát với hiện trạng rừng và chưa phù hợp với các tiêu chí phân loại rừng theo quy định.
Một số khu rừng và đất lâm nghiệp gần với khu dân cư, có địa hình tương đối bằng phẳng, tính chất phòng hộ không cao lại được quy hoạch là rừng phòng hộ, trong khi đó một số diện tích rừng xung quanh các lòng hồ, đập dâng, lưu vực sông, suối hoặc nơi có độ dốc cao, rừng đầu nguồn lại được quy hoạch là rừng sản xuất nên khi triển khai trồng rừng hoặc khai thác gỗ rừng trồng đã dẫn đến tình trạng xói lở, bồi lấp vào mùa mưa lũ, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến nguồn nước sản xuất, sinh hoạt của người dân trong khu vực.
Điển hình như một số khu rừng trên cát ven biển ở các xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh), Sen Thủy, Ngư Thủy Bắc, Ngư Thủy Nam (huyện Lệ Thủy) hoặc ở các xã Quảng Tiến, Quảng Hợp (huyện Quảng Trạch)…
Có nơi, do lo ngại những tác động bất lợi đến cuộc sống của mình và để bảo đảm tác dụng phòng hộ của rừng, người dân đã ngăn cản không cho chủ rừng khai thác gỗ khi đến kỳ thu hoạch như ở khu vực Ngọn Rào xã Xuân Trạch, khu vực thôn Mỹ Sơn xã Cự Nẫm (huyện Bố Trạch)…
Diện tích rừng và đất lâm nghiệp quy hoạch cho phòng hộ còn lớn, chưa chuyển mạnh sang rừng kinh tế nên cần một lực lượng lớn cán bộ, nhân viên hưởng lương từ ngân sách để làm công tác bảo vệ rừng.
Mặt khác, khi cần sử dụng một phần diện tích rừng và đất lâm nghiệp này để phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế ngành lâm nghiệp hoặc sử dụng vào các mục đích thiết yếu khác thì phải điều chỉnh quy hoạch mất nhiều thời gian và công sức.
Trong đó đáng chú ý là chế độ, chính sách cho nhân viên bảo vệ rừng không bảo đảm mức sống tối thiểu nên chưa làm cho người bảo vệ rừng yên tâm với công việc giữ gìn tài nguyên quốc gia.
Theo quy định đối với rừng phòng hộ thì cứ 1.000ha rừng có một nhân viên bảo vệ, quản lý; ngoài ra bộ máy của BQLRPH có từ 7 – 9 người nữa. Nhưng thực tế, biên chế lực lượng của các BQLRPH tại tỉnh Quảng Bình đều thiếu so với quy định của Nhà nước.
Giám đốc BQLRPH Long Đại, huyện Quảng Ninh – nơi có diện tích rừng phòng hộ lớn nhất tỉnh (41.426ha) Nguyễn Văn Trị cho biết, khi mới thành lập đơn vị có 4 người là lãnh đạo và nhân viên hành chính, 9 người còn lại căng sức để bảo vệ gần 41.500ha rừng, nên rất khó đạt hiệu quả.
Đến nay, Ban có 42 cán bộ và nhân viên, trong đó có 32 biên chế, so với quy định còn thiếu hơn 15 viên chức quản lý bảo vệ rừng. Tương tự, tại BQLRPH Động Châu, huyện Lệ Thủy, đơn vị hiện có 22 biên chế, trừ số cán bộ thuộc bộ máy quản lý, còn thiếu 6 viên chức để bảo đảm định mức. Thiếu người nên đơn vị phải hợp đồng thêm 23 hợp đồng ngắn hạn bảo vệ rừng.
Nếu viên chức bảo vệ rừng phòng hộ hưởng lương từ ngân sách Nhà nước theo ngạch bậc, thì số nhân viên hợp đồng ngắn hạn bảo vệ rừng hưởng lương từ nguồn kinh phí của Dự án bảo vệ và phát triển rừng bền vững (trước là Dự án 661) đầu tư cho hạng mục hợp đồng bảo vệ rừng vừa thấp, lại cấp chậm.
Định mức khoán bảo vệ đối với một héc-ta rừng quá thấp (trước năm 2007 là 50.000 đồng/ha/năm, từ năm 2007 đến nay 100.000 đồng/ha/năm) không bảo đảm mức sống tối thiểu cho người nhận khoán bảo vệ rừng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trung bình một năm, mỗi BQLRPH được cấp khoảng 1 tỷ đồng để đầu tư cho công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ở một số hạng mục như hợp đồng bảo vệ rừng, trồng rừng phòng hộ và khoanh nuôi phục hồi rừng.
Giai đoạn từ năm 2011 đến 2015, nguồn kinh phí đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ rừng bị cắt giảm. Ngân sách địa phương chủ yếu chi cho các hoạt động trả lương cán bộ viên chức, xây dựng cơ bản và tài sản cố định.
Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương và địa phương mới chỉ đáp ứng 25% diện tích rừng phòng hộ được giao bảo vệ. Từ đó ảnh hưởng đến hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng phòng hộ, ảnh hưởng đến đời sống của người giữ rừng.