ThienNhien.Net – Liên quan đến vụ người dân vớt được lượng lớn gỗ huê, ngày 3/3, Hạt kiểm lâm huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình cho biết các cơ quan chức năng ở địa phương sẽ tiến hành kiểm tra đáy sông Son đoạn qua thôn Na và thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, thuộc vùng đệm Di sản Thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng để xác định còn gỗ hay không.
Theo ông Phạm Văn Tân, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Bố Trạch, việc kiểm tra là cần thiết và cấp bách vì nếu có, gỗ dưới đáy sông cũng là tài sản của Nhà nước cần được bảo vệ và thu hồi. Trong trường hợp kiểm tra có gỗ, các cơ quan chức năng ở huyện sẽ tiến hành trục vớt ngay nhằm không để xảy ra thất thoát. Bên cạnh đó, ông Tân cho biết thêm việc kiểm tra này cũng nhằm “hạ nhiệt” cơn sốt săn gỗ huê dưới đáy sông Son, gây mất an ninh trật tự trong những ngày qua.
Theo nhiều người dân sống lâu năm ở đây, nhiều đoạn sông có độ sâu trên 8m nên việc kiểm tra đáy sông cũng khá khó khăn và cần thời gian.
Được biết, hiện công an và các lực lượng chức năng huyện Bố Trạch đang đẩy mạnh việc điều tra để tìm ra các đối tượng vớt được gỗ trên sông Son nhằm thu hồi tài sản Nhà nước và làm rõ một số vấn đề liên quan đến vụ việc. Ngoài ra, các lực lượng chức năng ở huyện còn tăng cường đẩy mạnh việc kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền, giáo dục để người dân không lao vào cuộc chạy đua vô bổ và nguy hiểm săn lùng gỗ huê, nhất là chuyện lặn tìm dưới đáy sông Son.
Trước đó, ngày 28/2 đã xảy ra vụ hỗn loạn vì người dân vớt được gỗ huê trên sông Son đoạn qua thôn Na và thôn Phong Nha, xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch (nằm trong khu vực Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Quảng Bình).
Theo nhiều người dân kể lại, lưới của một đôi vợ chồng đánh cá trên sông Son liên tục bị dính vật nặng nên bị rách. Thấy tiếc tấm lưới của mình nên người chồng lặn xuống đáy sông để gỡ thì phát hiện có gỗ. Sau đó cặp vợ chồng người đánh cá này đã âm thầm vớt gỗ lên thuyền cho đến khi bị phát hiện. Cho rằng đấy là gỗ huê có giá trị cao nên hàng trăm người hai bên bờ sông đã tìm cách xông vào hôi của, một số khác thì thi nhau lặn tìm ở đáy sông gây nên cảnh náo loạn chưa từng thấy ở đây.