ThienNhien.Net – Trong khi một số điểm tái định cư thủy điện Na Hang đang gặp khó khăn trong việc giúp bà con ổn định cuộc sống thì 70 hộ dân tái định cư ở thôn An Quỳnh, An Thịnh của xã Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) đã bước sang mùa xuân thứ bảy ấm no, ổn định trên vùng đất mới. Gương mặt của người dân ở đây, từ cụ già đến trẻ nhỏ đều rạng ngời, sáng lên trong niềm hân hoan, phấn khởi, tin tưởng vào cuộc sống ấm no, đủ đầy.
Vùng đất này đã thực sự “thay da đổi thịt”. Những dãy nhà được lợp tôn, proximăng khang trang vững chãi chạy san sát nhau theo lối kiến trúc dân tộc Tày đặc trưng, được quy hoạch như một thị trấn nhỏ làm chúng tôi dễ dàng nhận ra ngay đây chính một trong điểm tái định cư của đồng bào từ vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang chuyển về. Trong không khí còn se lạnh của những ngày đầu xuân, chúng tôi cảm nhận được sự ấm áp đang bao trùm lên vùng đất này. Để phục vụ cho việc xây dựng công trình thủy điện Tuyên Quang, hơn 300 người dân ở đây đã chuyển từ nơi “chôn rau cắt rốn” của mình để về vùng đất mới. Những ngày đầu khó khăn chồng chất khó khăn, tất cả đều mới, tất cả đều lạ.
Anh Mùng Văn Điệp, thôn An Thịnh nhớ lại những ngày trước đây khi gia đình anh mới chuyển về vùng đất mới này. Gia đình anh sống ở thôn Bản Vàng, xã Đà Vị, huyện Nà Hang, ở đó ngoài làm nương rẫy, gia đình anh chủ yếu sống dựa vào rừng, ruộng rất ít, đời sống tuy gặp khó khăn nhưng lâu cũng quen. Để phục vụ cho việc xây dựng công trình thủy điện, từ năm 2007 gia đình anh đã được chính quyền di dời về đây. Những ngày đầu, mọi sinh hoạt đều bị đảo lộn. Nhưng rồi được cán bộ xã , huyện hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi, được Nhà nước hỗ trợ tiền phát triển sản xuất, sau 1- 2 năm, cuộc sống gia đình anh bắt đầu ổn định.
Không giấu niềm vui, anh Điệp chia sẻ: Ở vùng đất cũ, khổ nhất là mấy đứa trẻ con, nhà xa trường học nên đi học rất vất vả. Chúng phải dậy sớm, băng qua đoạn đường rừng dài 3 đến 4km và phải băng qua suối mới tới trường học. Vì vậy, trẻ em ở đó thường đi học muộn so với tuổi đến trường. Những ngày nắng, trẻ phải đi bộ mấy cây số; đến ngày mưa lại còn khổ gấp chục lần, nhiều hôm mưa to quá đành nghỉ học, có khi lúc đã đến lớp học nhưng khi về thì nước suối lên cao quá không về được đành ở nhờ nhà người quen hoặc ở luôn ở lớp học. Một phần vì gia đình khó khăn, một phần vì đi học vất vả quá mà nhiều em phải bỏ học giữa chừng. Bây giờ thì mọi chuyện đã thay đổi rồi, trường học được xây dựng ngay gần nhà, trẻ con đi học chỉ cách vài bước chân, không phải qua sông qua suối, em nào đến tuổi đều được đến trường, không phải bỏ học giữa chừng nữa. Con trai út của anh năm nay đã lên lớn 3, nhờ có điều kiện học tập mà em đã liên tục 3 năm liền đạt học bổng Tân Trào.
Chia tay gia đình anh Điệp chúng tôi đến thăm gia đình bà Hứa Thị Thân (dân tộc Tày) thôn An Quỳnh, xã Phúc Thịnh cho biết: Năm nay bà đã 60 tuổi, gần cả cuộc đời ở trên mảnh đất của tổ tiên ở thôn Ao Bốn, xã Yên Hoa, Na Hang nên lúc mới chuyển về vùng đất mới bà rất lo. Nhờ sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, cuộc sống của gia đình bà dần dần ổn định. Về đây, bà con đã được cấp mỗi khẩu 400 đến 500m2 đất sản xuất, có điểm trường, có bể nước sạch, nhà vệ sinh tự hủy, hầu hết các gia đình đều có ti vi và xe máy. Chỉ cách trung tâm huyện hơn 5km đường nhựa nên khi ốm đau bệnh tật muốn đi khám chữa bệnh thì chỉ cần đi xe máy chưa đầy 15 phút là đến huyện chứ không phải trèo đèo, lội suối mất cả ngày như ở trên kia nữa. Đặc biệt, các thôn đã được quy hoạch khu nghĩa địa để di dời phần mộ ông bà, tổ tiên nên con cháu cũng rất yên tâm làm ăn. Nguyện vọng của bà bây giờ là mong muốn được chính quyền nhanh chóng giao đất rừng để bà con sản xuất.
Trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Quang Hải, Chủ tịch UBND xã Phúc Thịnh cho biết: Trên địa bàn xã hiện có khoảng 73 hộ với 344 khẩu được bố trí tại 3 điểm tái định cư thuộc 2 thôn An Thịnh và An Quỳnh. Để giúp các hộ nhanh chóng ổn định cuộc sống, ngay từ khi các bà con vừa chuyển về Ban Quản lý Dự án di dân tái định cư huyện Chiêm Hóa và chính quyền xã đã triển khai và thực hiện ngay các chính sách nhằm giúp đỡ bà con. Xã cũng cử ngay cán bộ trực tiếp phụ trách xuống giúp đỡ, hướng dẫn bà con kinh nghiệm trồng lúa nước. Công tác tuyên truyền cho bà con tích cực khai hoang đất sản xuất, tận dụng vùng đất trũng làm lúa nước, đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng được xã đẩy mạnh.
Hiện nay, xã đang phối hợp với Ban Quản lý Dự án di dân tái định cư huyện thực hiện tiếp giai đoạn 2 của dự án ổn định đời sống cho đồng bào tái định cư thủy điện Tuyên Quang; nhiều công trình hạ tầng như đường bêtông nội khu, nhà văn hóa thôn..sẽ được xây dựng. Trong tháng 3 tới đây chính quyền xã sẽ tổ chức hỗ trợ lợn giống cho 61 hộ, đồng thời, tổ chức các lớp bồi dưỡng thường xuyên về kỹ thuật chăn nuôi cho bà con.. Riêng “Đề án giao đất rừng cho đồng bào tái định cư” cũng sẽ được triển khai trong thời gian tới đây, đáp ứng niềm mong mỏi của bà con .