ThienNhien.Net – Những ngày gần đây, dư luận râm ran bàn luận về việc Chính phủ quyết định dừng Dự án cảng Kê Gà sau đề xuất của Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Nhiều chuyên gia kinh tế cũng như dư luận xã hội đã bày tỏ sự đồng tình với quyết định này của Chính phủ. Tuy nhiên, phía sau câu chuyện về dự án cảng Kê Gà, câu hỏi được đặt ra là còn bao nhiêu dự án tương tự đã và đang gây ra lãng phí cho Nhà nước và người dân?
Lãng phí
Còn nhớ, khi đề xuất xây dựng cảng Kê Gà để phục vụ cho vận chuyển, xuất khẩu alumin, phục vụ cho các dự án bauxit Tây Nguyên… nhiều phương án đã được Vinacomin đưa ra nhằm thuyết phục để có thể làm bằng được dự án này tại Bình Thuận. Hệ lụy của nó là nhiều nhà đầu tư du lịch phải hy sinh những công trình đang dang dở để nhường chỗ cho dự án quốc gia.
Vậy nhưng, sau khi gây ra khá nhiều tổn thất cho các chủ đầu tư các dự án du lịch ở địa phương, Vinacomin mới đây đã đề xuất lên Chính phủ cho dừng xây dựng dự án cảng Kê Gà. Lý do mà Tập đoàn này đưa ra cũng rất… thuyết phục: Dự án xây dựng cảng Kê Gà được lập trong bối cảnh không có cảng nào phục vụ cho việc xuất nhập hàng hóa tại khu vực Bình Thuận. Đến thời điểm hiện nay, Bình Thuận có cảng Vĩnh Tân và đang chuẩn bị lập dự án xây dựng cảng trung chuyển than cho khu vực phía Nam thì việc dừng xây dựng cảng Kê Gà là hợp lý và phù hợp với quy hoạch của Chính phủ.
Bên cạnh đó, trên thực tế, đến năm 2020 lượng hàng hóa thông qua cảng Kê Gà chỉ khoảng 2,5 triệu tấn/năm thấp hơn rất nhiều so với lượng hàng hóa theo dự án Cảng đã được phê duyệt. Với lượng hàng hạn chế như vậy, việc sử dụng các cảng hiện có hiệu quả hơn so với đầu tư xây dựng cảng mới. Và thuyết phục hơn nữa, Vinacomin nhấn mạnh việc dừng dự án cảng Kê Gà là hợp lý và phù hợp với quy hoạch của Chính phủ.
Trả lời câu hỏi dừng đầu tư xây dựng cảng Kê Gà gây ảnh hưởng gì cho các doanh nghiệp du lịch và người dân vùng dự án? Vinacomin đã trả lời việc dừng dự án đầu tư xây dựng cảng Kê Gà sẽ có tác động tích cực hơn cho doanh nghiệp du lịch và người dân vùng dự án. Các doanh nghiệp du lịch sẽ lại tiếp tục được thực hiện dự án du lịch của mình.
Điều này tất nhiên là đúng, song, những tổn thất mà dự án gây ra trước đó thì không hề nhỏ. Bởi, chính quyết định xây cảng Kê Gà đã khiến 12 dự án du lịch tại địa phương bị đổ bể trong khi đã lên kế hoạch, gây tổn thất lớn cho các chủ đầu tư. Mặt khác, tin tưởng vào sự khả thi của dự án, không ít doanh nghiệp đã đổ tiền vào đó để đầu tư đón đầu. Có những doanh nghiệp đã bỏ số vốn lên tới hơn 260 tỷ đồng để xây dựng những con đường dự kiến vận chuyển bauxit. Bản thân tỉnh Bình Thuận cũng bị tổn thất không nhỏ khi phải gấp rút quy hoạch Khu công nghiệp Kê Gà gần dự án xây dựng cảng để trình Chính phủ…
Như vậy, có thể thấy rõ việc đề xuất xây dựng dự án này để rồi sau đó lại đề xuất ngừng của Vinacomin đã gây ra nhiều tổn thất cho Nhà nước và cả các doanh nghiệp.
Không chỉ … Kê Gà
Cũng cần phải nhắc lại rằng, trước khi dự án này được đề xuất lên Chính phủ, rất nhiều ý kiến của giới chuyên gia đã bày tỏ sự không đồng tình. Không chỉ đối với riêng dự án cảng Kê Gà mà trước đó, hàng loạt những bức xúc khi Vinacomin có ý định triển khai các dự án bauxite ở Tây Nguyên đã được bày tỏ.
Không ít ý kiến cho rằng, việc xây dựng các dự án bauxite sẽ gây ra những hệ lụy khôn lường về kinh tế cũng như môi trường sống cho đất nước. Thế nhưng, Vinacomin vẫn cam kết rằng, đã tính toán rất kỹ mọi mặt, rằng, đây sẽ là tương lai của nền kinh tế, đảm bảo nhất định có lãi và lãi lớn, hoàn toàn bảo đảm về môi trường.
Thế nhưng, kết quả của những “cam kết” ấy là gì? Là một Nhà máy Tân Rai hoạt động chỉ chạy được từ 20 đến 40% công suất, do sản phẩm chưa có đầu ra, khiến chi phí khấu hao tăng cao và lỗ cũng tương ứng. Nếu chạy 100% công suất thì giá xấp xỉ 375USD/tấn. Trong khi đó, giá xuất khẩu theo đàm phán với Trung Quốc và Malaysia chỉ đạt 340USD/tấn. Điều này cũng có nghĩa, càng cố gắng xuất khẩu, càng lỗ.
Bởi vậy, nhiều chuyên gia không những đồng tình với việc dừng dự án cảng Kê Gà mà còn cho rằng, chỉ nên thí điểm dự án Tân Rai vì đã hoàn thành đầu tư, còn dự án Nhân Cơ (ở Đắc Nông) thì cũng nên xem xét do những rủi ro hiệu quả kinh tế và môi trường là không nhỏ.