ThienNhien.Net – Chiều 28/2, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nói rằng đối với dự án khai thác bô-xít Tây Nguyên phải tính cả hiệu quả kinh tế và xã hội trong toàn bộ vòng đời dự án; nguyên tắc là đầu tư có lợi mới làm.
Tính cả vòng đời dự án
Lao Động: Vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng có đề cập đến hiệu quả của dự án khai thác bô-xít tại Tây Nguyên. Trong phiên họp vừa qua, Chính phủ có xem xét đến hiệu quả của dự án này hay không?
Ông Vũ Đức Đam: Mỗi kỳ họp, Chính phủ đều bàn một số vấn đề. Vấn đề cụ thể này Chính phủ không bàn tại phiên họp này. Trữ lượng bô-xít tại Tây Nguyên có quy mô lớn hàng đầu thế giới. Do vậy, từ một số nhiệm kỳ qua, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước là phải thăm dò, khai thác để phục vụ sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung và vùng Tây Nguyên nói riêng.
Tài nguyên hữu hạn nên tinh thần là việc sử dụng, khai thác phải tiết kiệm, sử dụng công nghệ tiên tiến để bảo vệ môi trường. Do là dự án phát triển kinh tế – xã hội nên đương nhiên phải có hiệu quả kinh tế – xã hội tổng thể trên cả vòng đời dự án.
Trữ lượng bô-xít rất lớn nên đương nhiên không thể ngay một lúc khai thác hết, bởi còn phụ thuộc thị trường thế giới. Làm ra bao nhiêu, bán cho ai, bán lúc nào phải tính toán.
Từ năm 2007, chúng ta đã có quy hoạch và căn cứ vào quy hoạch này thì triển khai một số dự án mang tính chất thử nghiệm, trên tinh thần vừa làm vừa nghiên cứu để xem xét lại từng dự án và cả quy hoạch. Từ đó, có lộ trình phù hợp đảm bảo hiệu quả kinh tế – xã hội tổng hợp.
Người Lao Động: Trong quá trình khai thác thí điểm bô-xít tại Tây Nguyên có nhiều ý kiến khác nhau, nếu bài toán hiệu quả kinh tế không đạt được, Chính phủ có tính tới tạm dừng dự án để chờ thời điểm thuận lợi hơn hay không?
Ông Vũ Đức Đam: Như tôi đã nói, khi xét hiệu quả thì phải tính tới hiệu quả kinh tế – xã hội tổng thể. Nếu tính thuần túy kinh tế thì cũng phải tính cả vòng đời của dự án. Có dự án 10 năm, 20 năm, 50 năm, trong khi đó thị trường biến động. Chủ đầu tư phải tính toán hiệu quả kinh tế cho cả vòng đời dự án.
Đối với một số dự án, Nhà nước có thể có một số cơ chế phù hợp nhưng tổng hòa lại thì dự án phải đảm bảo hiệu quả kinh tế – xã hội, dự án có lợi thì mới làm.
Các dự án khai thác cụ thể nằm trong quy hoạch phát triển của một ngành công nghiệp. Do vậy, phải vừa làm vừa xem xét cẩn trọng tất cả các mặt để có sự điều chỉnh nếu thấy cần thiết và phù hợp. Chính phủ sẵn sàng cung cấp thông tin cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nếu các cơ quan nhà nước có yêu cầu.
Dừng dự án cảng Kê Gà là hợp lý
Gia Đình & Xã Hội: Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam Vinacomin đã báo cáo Chính phủ về thiệt hại khi dừng dự án cảng Kê Gà chưa? Chính phủ có chỉ đạo gì liên quan dự án này?
Ông Vũ Đức Đam: Khi thực hiện thí điểm các dự án chế biến, vận chuyển bô-xít tại Tây Nguyên, Vinacomin được giao chuẩn bị đầu tư cảng Kê Gà.
Từ quặng bô-xít để tạo ra nhôm có nhiều bước, trong đó, những bước sau đặc biệt tiêu tốn điện. Bước ban đầu dừng ở mức sản xuất alumin thì khối lượng vận chuyển rất lớn. Do đó, việc quy hoạch, đầu tư cảng, hệ thống vận tải đường bộ từ chỗ khai thác, chế biến đến cảng cũng là thành phần quan trọng khi thực hiện đầu tư.
Ban đầu, khi triển khai 2 dự án thí điểm này, Vinacomin đã khảo sát năng lực hiện có, khả năng đầu tư mở rộng cũng như nhu cầu nguồn hàng tổng hợp của các cảng ở khu vực này sao cho khoảng cách vận chuyển từ nơi khai thác, chế biến bô-xít ra cảng là gần nhất. Từ đó thấy rằng, cần đầu tư cảng Kê Gà.
Trong quá trình xem xét quy mô dự án, cũng như sự phát triển của các cảng, sự phát triển kinh tế – xã hội của khu vực để tính khối lượng hàng hóa ra vào cảng, Vinacomin đã báo cáo Bộ Công Thương, cho thấy ở thời điểm hiện nay, chưa cần thiết đầu tư cảng Kê Gà. Với quy mô dự án bô-xít, lộ trình phát triển cảng, đường ở khu vực đó, trước mắt, có thể sử dụng các cảng khác ở vùng lân cận như cảng Gò Dầu, Phú Mỹ.
Vì vậy, Vinacomin đề nghị dừng đầu tư cảng Kê Gà. Theo tôi, đây là quyết định hợp lý. Khi trình đề xuất này với Bộ Công Thương, Vinacomin cũng nói rõ các lý do về mặt kinh tế, xã hội của quyết định này. Mọi dự án khi bước vào khâu chuẩn bị đầu tư đều phải mất một phần chi phí, nhưng nếu việc dừng lại có lợi hơn là tiếp tục đầu tư thì phải dừng. Việc này nằm trong quyền tự chủ sản xuất, kinh doanh của Vinacomin.
Đồng thời, khi cân đối khả năng vận chuyển của các cảng khu vực, các cơ quan quản lý nhà nước thấy rằng, việc dừng đầu tư cảng Kê Gà không ảnh hưởng lớn đến quy hoạch vận tải cảng biển nên đồng ý dừng đầu tư cảng này.
Bình tĩnh trước tin đồn
Tiền Phong: Vừa qua, thị trường chứng khoán lại biến động mạnh liên quan tin đồn bắt một lãnh đạo ngân hàng. Chính phủ có chỉ đạo gì đối với các cơ quan liên quan để xử lý những hiện tượng như vậy?
Ông Vũ Đức Đam: Có những tin đồn gây thiệt hại lớn. Cách duy nhất để loại bỏ tin đồn là các cơ quan có trách nhiệm của Chính phủ phải kịp thời cung cấp ngay những thông tin chính thức, đúng sự thật.
Tôi cũng muốn nhắn với cộng đồng là trước những thông tin chưa phải do các cơ quan chính thống phát ra mà ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của riêng mình thì xin mọi người hãy thật bình tĩnh.
Bởi chắc chắn sẽ ngày càng nhiều những thông tin kiểu như vậy. Nếu chúng ta không cảnh giác, vội tin ngay thì không chỉ gây thiệt hại cho bản thân mình mà còn gián tiếp gây thiệt hại cho người khác.
Chính phủ đã yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, khi có bất kỳ thông tin gì dù là thông tin trên báo hay mới chỉ là ngoài vỉa hè thì cũng cần chủ động cung cấp ngay thông tin chính thức, trung thực.
Nếu làm tốt việc này thì những thông tin thất thiệt dù có dụng ý tung ra cũng không gây ảnh hưởng được.
Tại phiên họp này, Chính phủ cũng đề cập đến những thông tin không phải tin đồn mà là ý kiến của một số cá nhân, nhất là về lĩnh vực kinh tế.
Nếu những phân tích cá nhân ảnh hưởng đến kinh tế của xã hội thì phải rất thận trọng, bởi lẽ các chủ trương, quyết sách trước khi được ban hành bao giờ cũng được lấy ý kiến các chuyên gia.
Mỗi chuyên gia đều đưa ra những nhận xét, bình luận, khuyến nghị của riêng mình. Các quyết sách được đưa ra với cái nhìn tổng thể. Chứ không phải một chuyên gia nêu ý kiến cá nhân là nhân dân nhìn vấn đề theo hướng đó.
Có thể giảm phí trước bạ ô tô từ 15/3/2013
Về Nghị định hướng dẫn đối với phí trước bạ ô tô, xe máy, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, ngày 26-2, Bộ đã trình Chính phủ dự thảo nghị định. Theo đó, dự kiến mức phí đối với ôtô đăng ký lần đầu là 10%. Các địa phương có quyền điều chỉnh nhưng mức tối đa không quá 15%. Ngoài ra, mức phí áp dụng đối với xe cũ là 2%. Theo dự thảo, Nghị định này có hiệu lực từ ngày 15-3. “Thông thường Nghị định có hiệu lực trong vòng 45 ngày sau khi ký. Tuy nhiên, cũng có trường hợp có thể áp dụng ngay, hoặc vào một thời điểm được ấn định, tùy thuộc mức độ cần thiết của quy định”, bà Mai nói. Liên quan thông tin xử lý nợ xấu, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, số liệu của Thanh tra Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống các tổ chức tín dụng hiện ở mức 6% tổng dư nợ. |