ThienNhien.Net – Nước mặn xâm nhập sớm và sâu vào nội đồng nhiều địa phương ở ĐBSCL, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sản xuất của người dân. Nhiều nơi, người dân đổi nước ngọt sinh hoạt với giá 60.000 đồng/m³ hoặc xài nước máy nhiễm mặn giá 10.000 đồng/m³.
Bến Tre là một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi mặn xâm nhập. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng – Thủy văn tỉnh Bến Tre, đến ngày 28/2, ranh mặn 1‰ trên 3 sông lớn là Hàm Luông, Cửa Đại và Cổ Chiên vào sâu trong đất liền từ 57 – 68km. Như vậy, gần như toàn bộ “đảo dừa” chìm trong nước mặn. Hiện tại, ranh mặn 4‰ trên sông Hàm Luông đã và sâu 50km; đặc biệt ranh mặn 1 – 3‰ trên sông Hàm Luông đã tấn công đến vương quốc trái cây đặc sản, hoa kiểng, cây giống Chợ Lách. Trong khi đó, trên sông Cửa Đại mặn 4‰ đã vào sâu gần 50km, đến xã Quới Sơn, Tân Thạch thuộc huyện Châu Thành; trên sông Cổ Chiên mặn 4‰ lên đến xã Nhuận Phú Tân, Hưng Khánh Trung (khoảng 55 – 60km).
Vì nước mặn phủ trên diện rộng, người dân nhiều địa phương ở Bến Tre đang phải dùng nước máy nhiễm mặn. Một số nơi còn nước ngọt thì giá cả vô cùng đắt đỏ. Ông Nguyễn Văn Phong, chủ một cây nước tại thị trấn Ba Tri (huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) cho biết: Tùy quãng đường vận chuyển, giá nước ngọt dao động từ 30.000 – 60.000 đồng/m³. Còn nếu đổi nguyên xe bồn 3m³ thì giá từ 120.000 – 160.000 đồng. Người dân sinh sống ở các xã: Vĩnh Hòa, An Hiệp, Tân Xuân, An Đức, Bảo Thạnh, Bảo Thuận… không có giếng nước ngọt thì phải đến thị trấn Ba Tri đổi nước về xài.
Trong khi đó, người dân các xã Thạnh Trị, Đại Hòa Lộc, Thạnh Phước… thuộc huyện Bình Đại “khát” nước ngọt trên diện rộng. Tại “rốn” nước ngọt giồng Bà Nhiên tấp nập xe đổi nước túc trực suốt ngày đêm để chở phục vụ người dân nhưng không kịp. Nhà máy nước thô ở xã Thạnh Trị lấy nước từ sông Ba Lai về phục vụ cho hơn 1.000 hộ dân các xã Thạnh Trị, Đại Hòa Lộc, Thạnh Phước… nhưng vẫn không đảm bảo vì sông Ba Lai đã bị nước mặn tấn công. Nhà máy nước tư nhân Trung Thành công suất 150 m³/giờ, phục vụ hơn 4.400 hộ dân thị trấn Bình Đại và một số hộ xã lân cận với giá 10.000 đồng/m³ nhưng không đáp ứng nổi nhu cầu của người dân.
Mặn xâm nhập cũng khiến người dân vùng sâu vùng xa thuộc các huyện Gò Công Đông, Tân Phú Tây thiếu nước ngọt sinh hoạt. Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tiền Giang, cho biết: Bắt đầu từ ngày 1/3, hệ thống trạm cấp nước 2 huyện nói trên sẽ mở 60 vòi cấp nước phục vụ miễn phí cho người dân suốt 24/24 giờ; kéo dài đến hết tháng 5/2013.
Tại Hậu Giang, nước mặn theo sông Cái Lớn qua khỏi địa bàn tỉnh Kiên Giang đã xâm nhập tới Hậu Giang. Hiện ranh mặn gần 4‰ xâm nhập sâu vào kênh mương nội đồng các địa phương thuộc huyện Long Mỹ (Hậu Giang). Còn tại xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh đã bị mặn tấn công (3‰). Theo dự báo của Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, đến trung tuần tháng 3/2013, nước mặn sẽ xâm nhập sâu vào nội đồng, có 6.000ha đất sản xuất của các xã Lương Tâm, Lương Nghĩa, Xà Phiên, Vĩnh Viễn, Vĩnh Viễn A (huyện Long Mỹ) bị ảnh hưởng bởi nước mặn từ 5 – 6‰. Ranh mặn 3,5‰ sẽ lên đến thành phố Vị Thanh.
Hiện hệ thống 27 cống ngăn mặn vùng tứ giác Long Xuyên đã được đóng lại để bảo vệ diện tích lúa đông xuân hàng trăm ngàn hécta ở vùng ngọt hóa này. Tuy nhiên nhiều diện tích lúa ở đây vận vị đe dọa vì nước mặn biển Tây theo kênh Long Xuyên – Rạch Giá (chưa thể xây dựng cống) đổ vào huyện Thoại Sơn (An Giang). Trong khi đó, kênh Vĩnh Tế cũng bị đe dọa nhiễm mặn từ sông Đông Hồ (Hà Tiên, Kiên Giang) và lấn sâu vào sông Hậu ảnh hưởng đến vùng sản xuất lúa huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, tỉnh An Giang… Tại Sóc Trăng, độ mặn trên các cửa sông có lúc lên đến 7‰, khu vực phà Đại Ngãi lên đến 12‰. Dự báo, trong thời gian tới, tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ lúa xuân hè sẽ diễn ra gay gắt hơn.