ThienNhien.Net – Từ sau Tết Nguyên đán Quý Tỵ đến nay, tình trạng khai thác vàng trái phép nổi lên rầm rộ ở vùng Bồng Miêu (Tam Lãnh, Phú Ninh, Quảng Nam) khiến cho khu di tích, thắng cảnh ở đây bị băm nát, nước các sông, suối ô nhiễm nghiêm trọng.
Náo động một vùng
Những ngày cuối tháng 2.2013, phóng viên NTNN đã trèo đèo, lội suối vào núi Kẽm và Khu di tích danh lam thắng cảnh Thác Trắng – Hầm Hô. Trên đường, chúng tôi chứng kiến từng đoàn xe máy đổ về khu vực núi Kẽm, Thác Trắng. Người điều khiển xe máy bịt kín mặt, chở theo những dụng cụ khai thác vàng.
Bên bờ sông Bồng Miêu, dưới chân đồi AD1, thuộc khu vực núi Kẽm, có hơn 50 chiếc xe máy của “vàng tặc” vứt lăn lóc trong bụi cây. Ngước nhìn lên đồi núi dựng đứng ở độ cao chừng 300m có hàng trăm chiếc lều do “vàng tặc” dựng lên. Tại đây, tiếng máy cưa gầm rú, cây rừng liên tục ngã đổ. Chúng tôi hỏi và biết “vàng tặc” đang phá rừng để lấy gỗ chống hầm vàng. Tiếng máy khoan đất, cối xay đá và tiếng cười nói của “vàng tặc” làm náo động cả một khu rừng.
Sau khi cất hết máy ảnh, máy quay, chúng tôi giả dạng phu vàng đi tìm nơi khai thác. Lúc ban đầu, vàng tặc tưởng chúng tôi là lực lượng chức năng nên ào ào bỏ lều chạy. Đến gần khu khai thác, chúng tôi thấy hàng chục hầm chứa quặng vàng. Những quặng này sau khi được xay nhuyễn sẽ được chuyển vào các thùng chứa bằng các đường ống dẫn nước. Tại đây, “vàng tặc” sẽ sử dụng hóa chất (chủ yếu là cyanua) để lọc ra vàng.
Lo sợ bị lộ, chúng tôi đành quay lại bên bờ sông Bồng Miêu. Lúc này, trời đã về chiều, có hơn 10 phu vàng chở lương thực, thực phẩm vào cung cấp cho các bãi vàng trên núi Kẽm. Thấy người lạ, cả đoàn “hậu cần” này rú ga lao thật nhanh qua sông Bồng Miêu.
Sau đó, chúng tôi trở về khu vực di tích danh thắng Thác Trắng – Hầm Hô. Tại đây, con suối đưa nước từ thượng nguồn đổ về Thác Trắng đã bị bồi lấp gần như hoàn toàn. Cả một đoạn suối dài hàng trăm mét từ đường mòn vào đập tràn số 1 lầy lội bùn đất đặc quánh “nham thạch” vàng sa khoáng. Hồ nước dưới chân Thác Trắng- Hầm Hô giờ chỉ còn lại vũng bùn, còn trên đỉnh thác dòng nước ít ỏi chảy xuống đục ngầu đất cát…
Dẹp “vàng tặc” không xuể
Ông Bùi Quang Minh – Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, cho biết: “Khu vực núi Kẽm hơn 100ha đã được giao cho Công ty Khai thác vàng Bồng Miêu quản lý, còn khu vực Thác Trắng – Hầm Hô hiện Công ty Vàng Bồng Miêu đang khảo sát, xã vẫn còn quản lý chỗ này. Nhưng do đồi núi cao, lực lượng công an xã mỏng nên không xua đuổi xuể “vàng tặc”. Phải đến 200 phu vàng đang khai thác trái phép tại khu vực núi Kẽm và Thác Trắng – Hầm Hô.
Ông Minh cho biết thêm, điều đáng lo ngại nhất là số lượng “vàng tặc” tăng nhanh, nhất là từ khi giá vàng tăng cao trong mấy năm trở lại đây. Thậm chí, lao động từ các nơi khác đổ về làm thuê cho các “vàng tặc” cũng rất nhiều.
“Để giữ an ninh trật tự tại địa phương, Bộ Công an đã có quyết định thành lập đồn công an tại xã Tam Lãnh. Trong thời gian sớm nhất, đồn Công an Tam Lãnh sẽ được xây dựng tại đây” – ông Minh nói |
Thời gian gần đây, xã liên tục kết hợp với Công an huyện Phú Ninh và hàng trăm bảo vệ của Công ty Vàng Bồng Miêu tổ chức truy quét “vàng tặc” tại các khu vực nói trên. Khi truy quét thì “vàng tặc” bỏ chạy. Chúng tôi tổ chức đốt, tiêu hủy dụng cụ. Nhưng khi lực lượng rút lui thì “vàng tặc” lại nổi lên rầm rộ hơn. Trong năm 2012, xã đã tịch thu hơn 200 chiếc xe máy, đốt hàng trăm lều trại, máy móc của “vàng tặc”. Cũng năm này, xảy ra một vụ sập hầm vàng làm chết 1 phu vàng.
Ông Đặng Bá Dự – Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết: “Thác Trắng – Hầm Hô đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận di tích danh thắng cấp tỉnh năm 2007 và được khoanh vùng bảo vệ. Huyện Phú Ninh đang xây dựng đề án phát triển du lịch tại đây. Nhưng thời gian qua, “vàng tặc” đã đến khai thác vàng và làm biến dạng danh thắng, nhiều lần cơ quan chức năng tổ chức đẩy đuổi, nhưng vẫn không đẩy đuổi được hết.