ThienNhien.Net – Trong giai đoạn 2012 -2016, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã hỗ trợ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý Dự án giúp Việt Nam thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại 8 tỉnh thí điểm: Hà Giang, Điện Biên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Kon Tum và Trà Vinh.
Năm 2012, hơn 50% người dân tộc thiểu số (DTTS) ở Việt Nam vẫn sống dưới chuẩn nghèo chung, trong đó có tới 31% còn nghèo về lương thực. Tiến độ giảm nghèo ở vùng DTTS trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, nước sạch, vệ sinh và nhà ở, chưa kể lĩnh vực thu nhập, còn chậm so với mức bình quân cả nước.
Năm 2011, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 80/NQ-CP, đưa ra những định hướng mới về giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2011- 2020, đặt mục tiêu giảm nghèo 4% hàng năm, tập trung huy động nguồn lực cho các huyện, xã, thôn bản nghèo nhất trong cả nước, để thúc đẩy giảm nghèo nhanh tại các vùng khó khăn, vùng DTTS và bãi ngang ven biển.
Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững 2012 – 2015 (CTMTQG-GNBV), được phê duyệt vào tháng 10/2012, nhằm đẩy mạnh tốc độ giảm nghèo ở những địa bàn này; cải thiện chất lượng cuộc sống và sinh kế của người nghèo, người DTTS.
Dự án ra đời nhằm hỗ trợ thực hiện hiệu quả Nghị quyết 80/NQ-CP và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững thông qua việc tăng cường sự tham gia của người nghèo và tăng cường năng lực xây dựng, thực hiện, quản lý, giám sát các chương trình và chính sách giảm nghèo, góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo ở những vùng nghèo nhất và vùng dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
Khi Dự án kết thúc, các chính sách giảm nghèo theo trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan sẽ được sắp xếp hợp lý và lồng ghép vào kế hoạch, khung chính sách thường xuyên của các bộ, ngành, trong đó tập trung các hoạt động và nguồn lực ưu tiên đầu tư cho các huyện nghèo, xã nghèo để đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo ở các địa bàn này.
Chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững được thiết kế và thực hiện hiệu quả, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững tại các huyện, xã, thôn, bản nghèo nhất và các nhóm DTTS thông qua áp dụng các phương pháp tiếp cận sáng tạo, tăng cường trao quyền và sự tham gia của các cấp cơ sở và người dân trong xây dựng, thực hiện, quản lý chương trình tại địa phương.
Dự án góp phần tăng cường tiếp cận, liên kết với thị trường, thực hiện bình đẳng giới, bảo vệ môi trường bền vững… ở 8 tỉnh thí điểm.