ThienNhien.Net – Đã đầu tư rất lớn cho dự án bauxite nên bỏ đi là không dễ dàng nhưng nếu mổ xẻ làm rõ thì không còn cách nào khác là phải cương quyết hạn chế thiệt hại
Tiến sĩ Cao Sỹ Kiêm, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho biết không phải bây giờ mà ngay lúc dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên được hình thành, lập tức có nhiều câu hỏi về tính khả thi khi hàng loạt vấn đề như phương án – chi phí vận chuyển, giá thành, quản lý tài nguyên không được tính đúng, tính đủ.
Sẽ còn tiêu tốn nhiều tỉ đồng
“Vô cùng đáng tiếc là sau đó, Vinacomin (Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam) vẫn quyết làm dự án. Đến nay thì thực tế cho thấy năng suất quá thấp, chi phí tăng, đường vận chuyển huyết mạch để tăng hiệu quả kinh tế của cả dự án lại không rõ ràng và hệ quả là lỗ lớn. Cảng Kê Gà phải dừng lại là đúng nhưng đây là dừng hẳn và giải pháp thay thế là gì và có quyết định sự thành bại của 2 nhà máy alumin Tân Rai và Nhân Cơ?” – ông Kiêm băn khoăn.
Theo ông, việc alumin được vận chuyển qua cảng Gò Dầu (Đồng Nai) và sẽ xây dựng cảng Vĩnh Tân (Bình Thuận) để lấp chỗ trống không phải là phương án cơ bản, lâu dài.
“Dự án đã tiêu tốn nhiều tỉ đồng và tới đây còn tiêu tốn nhiều tỉ đồng khác để làm đường, cảng, chưa kể những hệ lụy khác. Đây không chỉ là vấn đề của dự án mà là vấn đề kinh tế chung của đất nước. Chúng ta phải tỏ thái độ dứt khoát với dự án để hạn chế được rủi ro và không gây thêm hậu quả” – ông Kiêm nhấn mạnh.
Trong khi đó, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc khẳng định: “Quan điểm của tôi về dự án bauxite ngay từ khi lập dự án là không tán thành vì không chỉ là mối nguy cơ đối với môi trường mà còn là bài toán kinh tế, tiếp đó là vấn đề an ninh quốc phòng, xã hội, nhất là quan điểm về tài nguyên”.
Theo ông Quốc, vấn đề cần làm hiện nay là phải đánh giá hiệu quả dự án một cách chi tiết, chi ly, không để sót bất cứ chi phí đầu vào nào của sản phẩm để có được lời giải chính xác nhất về hiệu quả kinh tế. “Ngay cả người của Vinacomin cũng phản đối dự án vì thiếu khả thi. Vinacomin cần trả lời sòng phẳng và minh bạch. Nếu kết luận dự án vẫn thua lỗ thì không chỉ riêng tôi có ý kiến mà Quốc hội chắc chắn sẽ phải quan tâm” – ông Quốc nói.
Ông Quốc nhìn nhận việc dự án này đã đầu tư rất lớn nên bỏ đi là không dễ dàng nhưng nếu mổ xẻ làm rõ khó có hiệu quả thì không còn cách nào khác là phải cương quyết để hạn chế thiệt hại. Bên cạnh đó, qua dự án này, phải rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc và làm rõ trách nhiệm khi để dẫn đến thiệt hại… “Nếu dự án tính đúng, tính đủ ngay từ đầu thì Quốc hội đã có quyết định khác” – ông Quốc nhình nhận.
Trái nguyên tắc tư duy kinh tế
Ông Kiêm dẫn lại lời của Chủ tịch hội đồng thành viên Vinacomin Trần Xuân Hòa: “Đây là dự án bauxite đầu tiên mà chúng tôi làm nên phải làm đã mới biết đến năm nào thì có lãi” là cần phải xem lại về tư duy làm kinh tế. Đúng là không phải dự án nào nhất thiết cũng có lãi ngay nhưng nguyên tắc số 1 là từ khi lập dự án phải đưa ra được thời điểm nào hòa vốn? Từ đó mới lập quy hoạch tổng thể tuổi thọ của cả dự án.
“Nếu tù mù, mò mẫm không biết khi nào có lãi thì rõ ràng phải xem lại. Có ai đi đầu tư, làm ăn mà chẳng nghĩ đến lãi? Đúng là do kinh tế khó khăn, giá nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển tăng lên hay việc dự báo cũng có xác suất nhưng phải nghe được, sát thực tế. Còn nếu ngụy biện cho hành động quyết làm sai, làm trái, đầy rủi ro là không được! Chắc chắn kỳ họp Quốc hội tới đây, vấn đề này sẽ được đưa ra và tôi là người lên tiếng” – ông Kiêm quả quyết.
Ông Dương Trung Quốc cho biết dù dự án không đủ quy mô giá trị đầu tư để Quốc hội xem xét, quyết định nhưng lại có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. “Tôi rất lo ngại cho Quốc lộ 20 và chi phí vận tải của sản phẩm. Nay lại bỏ cảng Kê Gà thì có đổ dồn về đây không? phương án vận tải thế nào, chi phí ra sao… là những câu hỏi mà Quốc hội muốn Vinacomin phải trả lời. Không chỉ Quốc hội yêu cầu xem xét hay phải đưa ra Quốc hội mà dự án này còn cần phải có sự vào cuộc của các nhà kinh tế, giới chuyên môn, các nhà khoa học để làm rõ bản chất” – ông Quốc nhìn nhận.
Theo ông Quốc, có một tình trạng rất không hay đang diễn ra nhiều năm qua là nhiều vấn đề nhận được sự phản đối, góp ý của người dân, giới khoa học, các tổ chức nghề nghiệp, xã hội… nhưng lại không được lắng nghe, tiếp thu. “Đến lúc người chủ trì xây dựng dự án này và người bảo vệ dự án phải chịu trách nhiệm. Tài nguyên không chỉ dành cho thế hệ này để được quyền vô tư khai thác, chúng ta còn có trách nhiệm để dành cho con cháu trong tương lai” – ông Quốc bức xúc.
Dư luận, đại biểu Quốc hội rất quan tâm
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Võ Tuấn Nhân cho biết, việc có đưa vấn đề bauxite ra Quốc hội hay không thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về dự án bauxite, vấn đề môi trường sẽ do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thẩm tra, giám sát và xem xét đề xuất lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, còn hiệu quả kinh tế dự án sẽ thuộc thẩm quyền của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Theo ông Nhân, trước tình hình dư luận đặt câu hỏi về dự án bauxite thì có lẽ Ủy ban Kinh tế của Quốc hội sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội để quyết định có đưa vấn đề này ra Quốc hội xem xét hay không. Dù đây không phải là dự án trọng điểm quốc gia thuộc Quốc hội quyết định đầu tư nhưng dư luận và đại biểu Quốc hội lại rất quan tâm. |