ThienNhien.Net – Theo giới khoa học Brazil, có khoảng 13 triệu loài động vật và thực vật trên Trái Đất và để tìm hiểu về tất cả những loài này, con người cần mất khoảng 2.000 năm.
Giáo sư Thomas Lewinsohn của trường Đại học Campinas ở bang Sao Paulo cho rằng: “Chúng tôi ước tính còn khoảng 13 triệu loài trên thế giới. Trong số này, có khoảng 1,75 triệu loài là những vi trùng, cây cối, vi sinh vật hay động vật, đã được biết đến”.
Giáo sư Lewinsohn công bố những thông tin trên tại một hội thảo được FAPESP, một hiệp hội nghiên cứu về đa dạng sinh học ở bang Sao Paulo, đứng ra tổ chức.
Giáo sư Lewinsohn cho rằng vấn đề lớn nhất hiện nay chính là thiếu dữ liệu ở nhiều nước về đa dạng sinh học như Brazil, Colombia, Mexico, Indonesia hay Nam Phi.
Giáo sư Lewinsohn cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cần phải hiểu được sự đa dạng sinh học của các loài nhỏ hơn trong khi sử dụng các loại vi khuẩn như một công cụ hữu hiệu trong việc duy trì các hệ sinh thái trên Trái Đất.
Theo giáo sư Lewinsohn, các quốc gia như Brazil cần sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế trong việc xây dựng và theo dõi thường xuyên cơ sở dữ liệu liên quan đến “quá trình biến đổi khí hậu trong đa dạng sinh học.”
Về việc có thể khám phá được tất cả các loài động vật hay thực vật, giáo sư Lewinsohn cho rằng con người cần phải mất từ 25 đến 50 tỷ USD.