ThienNhien.Net – “Nên tìm một vị trí khác cách xa đường Đinh Tiên Hoàng vài trăm mét để xây ga tầu điện ngầm thì tốt hơn. Theo tôi nên xây ga tầu điện ngầm C9 ở đường Nguyễn Hữu Huân” – PGS. Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội trao đổi với VnMedia.
– PV: Thưa PGS, Hà Nội vừa đồng ý với phương án đặt ga C9 tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo trên phố Đinh Tiên Hoàng. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
PGS. Nguyễn Văn Hùng: Theo tôi, không nên đặt ga tầu điện ngầm gần quần thể di tích khu vực Bờ Hồ và càng không nên cản trở lưu thông của dòng phương tiện đang lưu thông ngược chiều. Ngay ở Quảng trường Maxcova, ga tàu điện ngầm cũng không gần đầu đường.
Địa điểm định đặt ga tàu điện ngầm hiện nay không phải là nơi phân tán người nhanh, trái lại người xuống nhiều, cộng thêm ảnh hưởng đến cảnh quan bên trên nên cần cân nhắc kỹ việc đặt ga C9 ở đó sao cho hài hoà, phù hợp với cảnh quan ở xung quanh.
– PV: Vậy theo quan điểm của ông, nên đặt ga C9 ở đâu trong khu vực gần Bờ Hồ thì hợp lý?
PGS. Nguyễn Văn Hùng: Bây giờ nếu không tìm được vị trí khác cách xa vị trí đã định vài trăm mét thì đành phải chấp nhận. Tuy nhiên, nếu có thể xây dựng ga tầu điện ngầm ở chỗ không cản trở lưu thông trên mặt đất, việc đi lại giúp giải toả hành khách nhanh và bảo đảm an toàn thì rất tốt.
Theo tôi, Hà Nội nên chọn xây dựng ga tàu điện gầm C9 ở đường Nguyễn Hữu Huân sẽ hay hơn. Khi xây dựng trên đường Nguyễn Hữu Huân sẽ thông qua hồ Hoàn Kiếm bằng hai con đường nhỏ phía dưới Điện lực Hà Nội, sau đó gắn kết với các vườn hoa lớn.
– PV: Tại sao ông cho rằng, khi xây dựng ga tầu điện ngầm trên đường Nguyễn Hữu Huân sẽ tốt hơn phía đường Đinh Tiên Hoàng?
PGS. Nguyễn Văn Hùng: Lý do là vì tuyến đường này cách xa khu vực trung tâm và di tích lịch sử, vì thế đỡ ảnh hưởng đến quần thể kiến trúc của khu vực này cũng như UBND Hà Nội, tháp rùa Hồ Gươm, vườn hoa…
Tôi cho rằng, tất cả các công trình công sở hiện nay không nên đưa ra mặt phố mà nên làm sâu vào bên trong vì giá trị của mặt phố rất lớn, có thể dùng kinh doanh sẽ mang lại lợi nhuận hơn.
– PV: Theo ông nên xây dựng ga tàu điện ngầm C9 xa khu vực bờ Hồ nhưng có một thực tế là tại các nước phát triển như: Singapore hay Hồng Kông người ta thường xây dựng các ga tàu điện ngầm tại các khu vực đông người qua lại. Ông giải thích sao về việc này?
PGS. Nguyễn Văn Hùng: Đúng là việc xây dựng ga tàu điện dù ngầm hay nổi nên đặt ở những vị trí đông người qua lại, nhưng không nên gắn với các di tích lịch sử và nơi có UBND TP Hà Nội. Hơn nữa, vị trí chọn để xây dựng ga tàu điện ngầm ở chỗ đó cũng rất chật hẹp. Vì thế, thay bằng xây dựng trên phố Đinh Tiên Hoàng, ta có thể chọn xây dựng trên phố Nguyễn Hữu Huân vì đây cũng là tuyến phố đông người, việc xây dựng ga tàu điện ngầm ở đây sẽ giúp việc lên – xuống được nhanh và dễ dàng hơn.
– PV: Thưa PGS, Hà Nội đang xây dựng một số tuyến tàu điện ngầm; trong đó có rất nhiều ga được đặt ngầm dưới lòng đất. Tuy nhiên, có một vấn đề, Hà Nội mới xây dựng một hầm Kim Liên qua lòng đất đã xảy ra rất nhiều sự cố về rò rỉ nước trong hầm. Vậy, khi xây dựng các ga tàu điện ngầm, ông có quan ngại, Hà Nội sẽ lặp lại “kịch bản” trên không?
PGS. Nguyễn Văn Hùng: Việc này phụ thuộc vào năng lực cụ thể của từng đơn vị thi công, cụ thể là vấn đề chất lượng và kỹ thuật thi công. Ngay thời điểm 1930, khi Liên Xô xây ga tàu điện ngầm dưới sông NeVa tại Quảng trường Le- Nin- Grat từ đó đến giờ vẫn tốt. Tôi cho rằng, với kỹ thuật hiện đại như hiện nay, nếu làm đúng kỹ thuật thì sẽ không có chuyện gì phải e ngại. Với Hà Nội nếu làm một lần mà biết rút kinh nghiệm để chỉnh sửa sai sót cũng như tăng cường giám sát chất lượng và kỹ thuật thì chắc sẽ không có vấn đề gì xảy ra.
Với Hà Nội, tôi chỉ lưu ý, việc xây dựng đường sắt hiện nay nơi làm một ray, nơi hai ray thì cần phải xem xét tính nhất quán và tính liên thông của modun (loại này có thể điều phối cho tuyến khác thế nào? một ray thì như thế nào? Hai ray thì như thế nào?) cho nên phải tính toán sao cho thống nhất với toàn bộ hệ thống về sự kết nối cũng như hiệu quả và sự an toàn khi sử dụng.
Xin trân trọng cảm ơn PGS về cuộc trao đổi!