ThienNhien.Net – Chi trả dịch vụ rừng đầu nguồn những năm gần đây được nhận định là một thị trường đang nổi trên thế giới với sự gia tăng đáng kể về cả quy mô, số lượng chương trình và mức độ thực hiện. Ngoài mục tiêu bảo vệ nguồn nước, các chương trình chi trả dịch vụ rừng đầu nguồn còn hỗ trợ đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời giúp cải thiện đời sống của các cộng đồng nghèo vùng nông thôn.
Chi trả dịch vụ rừng đầu nguồn – một thị trường đang nổi
Theo báo cáo mới mang tên State of Watershed Payments 2012 (Tạm dịch: Tình trạng Chi trả Rừng đầu nguồn năm 2012) từ dự án Thị trường Hệ sinh thái (Ecosystem Marketplace) của Tổ chức quốc tế Forest Trends, số sáng kiến bảo vệ, phục hồi rừng, đất ngập nước và các hệ sinh thái giàu nước khác đã tăng gần gấp đôi chỉ trong vòng 4 năm.
“Dù chúng ta muốn giải vây cho một Trung Quốc đang trong cơn khát do hậu quả của nền kinh tế hay bảo vệ nguồn nước uống cho thành phố New York thì việc đầu tư vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên vẫn đang là hướng đi hiệu quả và tối ưu nhất về chi phí để có thể bảo đảm nguồn nước sạch cũng như khôi phục các dòng chảy mặt và các tầng nước ngầm sắp sửa cạn kiệt” – ông Michael Jenkins, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Forest Trends, nhận định.
Ông cũng cho biết, 80% dân số thế giới đang đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ an ninh nguồn nước. Rõ ràng, loài người đang chứng kiến giai đoạn đầu của một phản ứng toàn cầu có khả năng thay đổi cách chúng ta định giá và quản lý tài nguyên nước.
Báo cáo State of Watershed Payments 2012 là phần thứ hai của bản tóm tắt toàn diện State of Watershed Payments (Tạm dịch: Tình trạng Chi trả Rừng đầu nguồn) nhằm xác định những sáng kiến chi trả cho các cá nhân và cộng đồng tham gia phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái đất ngập nước, khu vực suối và rừng có khả năng thu giữ, lọc và lưu trữ nước ngọt.
Trong thời gian theo sát những chương trình chi trả dịch vụ môi trường (PES), các chuyên gia dự án Thị trường Hệ sinh thái của Forest Trends đã phát hiện ra rằng đầu tư cho các dịch vụ rừng đầu nguồn đang nổi lên ở cả các nước phát triển và đang phát triển như một nguồn đầu tư mới, vững mạnh cho bảo tồn và cũng là nơi cung cấp nhiều cơ hội thu nhập “xanh” cho các cộng đồng nông thôn.
Báo cáo trên tính toán năm 2011 có ít nhất 205 chương trình với tổng vốn đầu tư 8,17 tỷ USD, tăng 102 chương trình và gần 2 tỷ USD so với năm 2008; đồng thời xác định một số lượng lớn chương trình mới đang rục rịch triển khai trong năm tới.
Các chương trình đầu tư cho rừng đầu nguồn được liệt kê trong báo cáo bao gồm cả những giao dịch tương đối giản đơn nhưng hiệu quả đầu tư lại lớn. Ví dụ, ở Trung Quốc, chính quyền địa phương đang triển khai khoản trợ cấp bảo hiểm sức khỏe mới cho 108.000 cư dân thuộc các cộng đồng khó khăn ở thượng nguồn Chu Hải – thành phố biển sầm uất phía nam tỉnh Quảng Đông, đổi lại họ phải tuân theo các hoạt động quản lý đất đai để cải tạo nguồn nước uống cho vùng này. Đây chỉ là một trong số rất nhiều nỗ lực đang được thực hiện tại Trung Quốc – quốc gia được báo cáo đánh giá là đi đầu trong việc đầu tư vào dịch vụ rừng đầu nguồn nhằm giải quyết những thách thức về nước.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), Trung Quốc hiện có tổng lượng nước ngọt trên đầu người thấp nhất trong số các nước lớn. Bên cạnh đó, mức độ khan hiếm và ô nhiễm nguồn nước đang khiến nước này phải tiêu tốn 2,3% GDP mỗi năm. Để đẩy lùi thách thức ấy, Trung Quốc quyết tâm tập trung đầu tư vào các dịch vụ hệ sinh thái, trong đó đầu tư cho rừng đầu nguồn là một hướng đi mũi nhọn nhằm cải thiện tình trạng khan hiếm và ô nhiễm nguồn nước. Chỉ tính riêng năm 2011, đầu tư cho rừng đầu nguồn của Trung Quốc đã chiếm tới 91% thế giới.
Còn ở New York (Mỹ), các nhà chức trách thành phố từng phải đối mặt với rủi ro của việc chi hàng tỷ USD vào cơ sở hạ tầng xử lý nước mới đã chọn lựa một chương trình rẻ hơn nhiều là trả tiền cho nông dân Catskills để giảm ô nhiễm khu vực sông, suối cung cấp nước uống cho thành phố. Nỗ lực này cùng với nhiều nỗ lực khác đã giúp bảo vệ nguồn nước uống an toàn cho New York trong suốt thời gian siêu bão Sandy đổ bộ vào nước Mỹ. Thêm một lợi ích nữa là nếu các nhà máy lọc và cơ sở hạ tầng nguồn nước cần điện để hoạt động thì các hệ sinh thái tự nhiên vẫn vận hành bình thường ngay cả trong thời kỳ thiếu điện trường kỳ.
Trên thực tế, không chỉ riêng Trung Quốc và New York mới phải chật vật ứng phó với những thách thức liên quan đến nước. Theo báo cáo của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), trong 5 năm qua, hầu hết các khu vực ở Mỹ đều trải qua tình trạng thiếu nước và năm 2013 sẽ có 36 bang phải đối mặt với tình trạng này. Trong khi đó, ở các nước đang phát triển, 700 triệu người ở 40 quốc gia cũng đang phải đương đầu với tình trạng trên.
Hiện tại, 1/3 danh mục cho vay của WB đều là các dự án liên quan đến nước. Nhưng cho dù tổng đầu tư vào các dịch vụ rừng đầu nguồn đang gia tăng nhanh chóng thì xét ra, chúng vẫn còn quá nhỏ so với khoản đầu tư cần thiết để đáp ứng nhu cầu cung cấp nước và cải thiện điều kiện vệ sinh đến năm 2025: ước tính vào khoảng 1 nghìn tỷ USD mỗi năm.
Tuy nhiên, các chuyên gia dự án Thị trường Hệ sinh thái lưu ý, việc dành một phần các khoản đầu tư này cho những giải pháp “xanh” nhằm bảo vệ khu vực đầu nguồn – thay vì cho các giải pháp “xám” như xây các cơ sở xử lý nước chẳng hạn – có thể vừa đảm bảo an ninh nguồn nước, vừa thu được những lợi ích nhất định về môi trường và xã hội.
Kết hợp đầu tư chi trả các dịch vụ hệ sinh thái
Ngoài mục tiêu bảo vệ nguồn nước, Genevieve Bennelt, tác giả chính của báo cáo State of Watershed Payments 2012, đồng thời là chuyên gia nghiên cứu của dự án Thị trường Hệ sinh thái, cho hay các chương trình rừng đầu nguồn còn hỗ trợ đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính và tạo thu nhập cho các cộng đồng nghèo vùng nông thôn.
Hiện các quốc gia vẫn đang nỗ lực để làm cho bảo tồn trở nên hiệu quả hơn bằng cách kết nối các khoản đầu tư vào các dịch vụ rừng đầu nguồn với việc chi trả cho các loại hình dịch vụ hệ sinh thái khác. Chẳng hạn, ở Việt Nam, các nhà điều hành du lịch đã tiến hành đầu tư bảo tồn rừng đầu nguồn, một phần có tính đến lợi ích của việc bảo vệ cảnh quan nguyên sơ phục vụ cho ngành du lịch. Hoặc ở bang Georgia (Mỹ), chính quyền hạt Carroll đã tạo ra các tín chỉ giảm thiểu tác động vùng bờ cốt để bảo vệ các khu vực có dòng chảy chính. Hay ở Indonesia, các khoản đầu tư cho rừng đầu nguồn đã được kết hợp với tín chỉ bảo tồn các-bon được lưu giữ trong các khu vực có rừng.
Điều đáng buồn là các dự án chi trả dịch vụ rừng đầu nguồn chưa lôi kéo được sự tham gia đầy đủ của khối tư nhân mặc dù đa phần trong số 500 doanh nghiệp toàn cầu đều thừa nhận họ đã và đang phải trải qua những thách thức liên quan đến nước. Theo thống kê của Forest Trends, chỉ có 53 chương trình có sự tham gia của khối tư nhân, trong đó phần nhiều là các công ty đồ uống; còn hầu hết các chương trình báo cáo theo dõi đều do các tổ chức phi chính phủ hoặc chính phủ vận hành.
Một số dự án đầu tư bảo vệ tài nguyên nước– Ở Nam Phi có dự án đầu tư 109 triệu USD để loại bỏ những loài thực vật xâm lấn tiêu tốn nước với sự tham gia của khoảng 30.000 người và đem lại những lợi ích liên quan đến nước trị giá ước tính 50 tỷ USD.
– Ở Thụy Điển, một cơ quan quản lý nước địa phương đã triển khai chi trả cho một chương trình sử dụng trai xanh để lọc ô nhiễm nitrat ở Gullmar Fjord thay vì áp dụng giải pháp tốn kém hơn là xây cơ sở xử lý mới trên bờ biển. – Ở Mỹ Latin, xu hướng trong các chương trình bảo vệ tài nguyên nước là trao đổi, bồi hoàn nhưng không phải bằng tiền và cũng không phải bỏ tiền ra để bảo vệ nguồn nước. Ví dụ, tại châu thổ Santa Cruz (Bolivia), hơn 500 hộ gia đình nhận tổ ong, cây ăn quả và các sợi dây làm rào chắn, đổi lại là những nỗ lực bảo vệ nguồn nước của họ. – Ở thành phố Fukuoka (Nhật Bản) có quỹ bảo tồn nguồn nước để chi trả cho việc quản lý rừng và thu hồi đất gần rừng đầu nguồn – nơi cung cấp nước uống cho thành phố. – Ở Uganda, một người nấu bia chi trả cho việc bảo vệ đất ngập nước để tiếp tục được cung cấp nước sạch từ các vùng đất này. Một dự án tương tự cũng đang được tiến hành ở Zambia, một phần tài chính cho dự án đến từ công ty bia Zambian Breweies PLC, một chi nhánh của Tập đoàn SABMiller. – Ở lưu vực hồ Naivasha (Kenya), một liên minh các chủ hội làm vườn, trại gia súc và các chủ khách sạn gần hồ Naivasha đang cung cấp cho các nông hộ nhỏ phiếu trả tiền giống, cây trồng, vật tư nông nghiệp để đổi lại việc họ sẽ thực hiện các hoạt động giúp giảm nước thải từ trồng trọt, chặn nuôi có khả năng phá hủy hệ thống tưới tiêu và gây hại cho đa dạng sinh học và mỹ quan chung. Các nông hộ đang dùng những tấm phiếu này để mua các loại cây trồng cho năng suất cao nhằm gia tăng lợi nhuận và cải thiện đời sống gia đình. |