ThienNhien.Net – Đây là nội dung được nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến sơ kết sản xuất vụ Đông Xuân 2012- 2013, triển khai kế hoạch vụ Hè Thu tại các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên diễn ra ngày 26/2.
Tổng diện tích gieo cấy vụ Đông Xuân năm nay của các tỉnh Bắc Trung Bộ đạt 224.000 ha, giảm 700 ha so với vụ trước. Các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đã xuống giống trên diện tích 302.244 ha, giảm 3.426 ha so với vụ trước.
Chủ động giảm thiệt hại
Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp các tỉnh, sở dĩ giảm diện tích trồng lúa vụ Đông Xuân là do các địa phương nắm bắt được tình hình hạn hán diễn ra trên diện rộng để chủ động giảm thiệt hại. Ngoài ra, các tỉnh trong khu vực còn chuyển dịch khoảng 4.500 ha lúa ở vùng có nguy cơ thiếu nước sang trồng các loại cây ngắn ngày có khả năng chịu hạn như ngô, đậu các loại, lạc, mía, sắn… Trong đó, Bình Định và Đắk Lắk có diện tích chuyển đổi nhiều nhất lần lượt là 2.300 ha và 2.000 ha.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), mặc dù các tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt công tác sản xuất vụ Đông Xuân nhằm rút ngắn thời gian gieo sạ để tiết kiệm nước tưới, tuy nhiên do lượng mưa thấp nên không tránh khỏi nguy cơ thiếu nước từ nay cho đến đầu vụ Hè Thu, đặc biệt là ở khu vực các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Thông kê cho thấy, hiện nay, lượng nước trung bình ở nhiều hồ đập ở khu vực chỉ đạt 30 – 50% dung tích thiết kế; nhiều hồ thủy điện ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk chỉ đạt 20-40% dung tích.
Tình hình hạn hán cũng đã khiến hàng nghìn ha lúa tại một số địa phương bị mất trắng. Ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở NNPTNT Quảng Ngãi cho biết, thiếu nước cục bộ thời gian qua khiến nhiều diện tích lúa bị khô héo. Nếu thời gian tới không có mưa, nguy cơ hạn hán sẽ diễn ra trên diện rộng.
Theo cơ quan chức năng, thiếu nước tưới tiêu không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất vụ Đông Xuân, mà có nguy cơ lan rộng với đỉnh điểm vào vụ Hè Thu 2013.
Diện tích lúa Hè Thu 2013 các tỉnh miền Trung – Tây Nguyên dự kiến gần 400.000 ha. Đối với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, Hè Thu là vụ chính kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9, lại là mùa nắng nóng liên tục, do vậy nguy cơ thiếu nước để làm đất, gieo sạ rất cao.
Hiện mực nước ở hồ thủy điện Tân Giang (Ninh Thuận) chỉ còn 20% dung tích, khiến hàng nghìn ha lúa không gieo sạ được nếu thời tiết tiếp tục diễn biến không tốt; 4 trạm bơm ở thượng nguồn sông Ba Hạ ở Phú Yên cạn dòng chảy; các hồ ở Bình Định chỉ còn 20-30% dung tích; các trạm bơm ở hạ lưu sông Vu Gia- Thu Bồn có khả năng dừng hoạt động nếu nắng hạn kéo dài và nước mặn xâm nhập….
Tương tự, tại các tỉnh Tây Nguyên, hạn hán cũng khiến nhiều hồ đập, sông suối trơ đáy. Hàng nghìn giếng khoang, giếng đào bị thiếu nước, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng, đặc biệt đối với lúa Hè Thu và cây cà phê. Ông Trang Quang Thành, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đắk Lắk cho biết, nếu thời tiết tiếp tục diễn biến bất lợi sẽ có 20 – 30% diện tích cà phê trên toàn tỉnh thiếu nước tưới.
Đồng bộ các giải pháp chống hạn
Lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết, để đối phó với hạn hán, tỉnh đã vận động toàn dân tận dụng nước ở tất cả các nguồn để tưới cho cây trồng, đồng thời giảm 5.000 ha diện tích trồng lúa, tăng cường trồng cây ngắn ngày chịu hạn tốt.
Không chỉ Đắk Lắk, các địa phương khác ở miền Trung – Tây Nguyên cũng chủ động triển khai các giải pháp chống hạn nhưng khả năng thiếu nước cho cây trồng thời gian tới là khó tránh khỏi.
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Bùi Bá Bổng, việc chống hạn là vấn đề hết sức hết sức khó khăn, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Thứ trưởng Bùi Bá Bổng đề nghị các địa phương tiếp tục chống hạn thông qua các giải pháp mà Tổng cục Thủy lợi đã đề ra nhằm giảm diện tích mất trắng, chủ động áp dụng các chính sách của Chính phủ và địa phương để hỗ trợ các hộ dân có diện tích lúa bị mất trắng do thiếu nước.
Do tình hình sản xuất vụ Hè Thu được dự báo là rất khó khăn, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng nhấn mạnh cần nắm rõ số diện tích gieo sạ nhằm đảm bảo khả năng cân đối với nguồn nước, đồng thời chuyển đổi diện tích lúa năng suất bấp bênh sang trồng ngô, đậu tương….
Đồng thời, tập trung sử dụng các loại giống ngắn ngày có năng suất, chất lượng, đối với lúa vào khoảng 90 ngày, còn hoa màu khoảng 70 ngày; cần có cơ cấu thời vụ cho phù hợp. Đối với vụ Hè Thu cần trồng sớm để thu hoạch trước tháng 8 nhằm tận dụng độ ẩm trong đất và tiết kiệm nước tưới.
Bên cạnh đó cần vận động bà con nạo vét kênh mương nội đồng, tu bổ các công trình thủy lợi; quan trọng là thực hiện tưới tiết kiệm nước đảm bảo gieo cấy, và sinh trưởng phát triển ổn định, kể cả tưới tiết kiệm nước cho cây cà phê.