Kỳ 2: Rà soát, loại bỏ những dự án “treo”
ThienNhien.Net – Việc quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (KCN) ồ ạt, chạy theo phong trào ở các tỉnh, thành phía nam, rồi bỏ hoang hàng chục nghìn ha đất nông nghiệp nhiều năm đã gây lãng phí rất lớn về tài nguyên đất đai, làm xáo trộn đời sống một bộ phận nông dân. Ðã đến lúc, các địa phương cần thực hiện nghiêm chủ trương của Chính phủ trong việc ổn định 3,8 triệu ha đất lúa, nhanh chóng rà soát lại quy hoạch và kiên quyết xử lý các dự án treo, nhất là trên đất lúa.
Nông dân phấn khởi
Thời gian qua, nhiều tỉnh phía nam bắt đầu triển khai rà soát, thu hồi các dự án “treo” để trả lại đất lúa cho nông dân. Thông tin này khiến hàng triệu nông dân vui mừng phấn khởi, vì nhiều người đang trong tình trạng mất đất vì quy hoạch “treo” sẽ có đất sản xuất, ổn định chỗ ở phát triển sản xuất lâu dài. Nông dân không có đất nằm trong dự án “treo” thì an tâm, tập trung phát triển kinh tế.
Có thể nói, địa phương đi đầu trong việc rà soát, mạnh dạn thu hồi các dự án “treo” giao lại đất cho nông dân sản xuất là tỉnh Long An. Sự mạnh dạn này đã tạo bầu không khí vui vẻ, phấn khởi cho hàng nghìn hộ dân mất đất, hoặc “vướng” quy hoạch ở Long An.
Ðến xã Mỹ Phú, huyện Thủ Thừa (Long An), chúng tôi thấy người dân đang đầu tư cho sản xuất lúa đông xuân 2013 với tâm trạng thật phấn khởi. Ðó là, dự án sân gôn với diện tích 280 ha nằm trên địa bàn ấp 4 và ấp 1 của xã đã được thu hồi và xóa hẳn quy hoạch.
Ông Lê Công Tắt ở ấp 4, xã Mỹ Phú nhớ lại: “Mấy năm qua, dù vẫn còn sản xuất trên mảnh đất của mình nhưng tôi luôn lo lắng vì không biết khi nào dự án được thực hiện. Nhà hư hỏng nhiều nhưng gia đình không thể sửa chữa. Nhiều gia đình muốn mua bán đất hay chuyển nhượng cho con cái đều không được, bây giờ thì nỗi lo ấy đã không còn, bà con trong xã an tâm phát triển sản xuất, cùng Nhà nước đầu tư mở rộng đường sá, tạo thuận lợi trong việc vận chuyển hàng hóa, học sinh thuận tiện đến trường”.
Cùng chung tâm trạng với người dân Mỹ Phú, hơn 400 hộ dân ở hai xã Long Cang, Long Ðịnh (Cần Ðước, Long An) đã từng có thời gian dài sống trong cảnh phập phồng khi biết nhà mình nằm trong vùng quy hoạch xây dựng cụm công nghiệp (CCN) với diện tích 400 ha, do Công ty cổ phần Ðồng Tâm làm chủ đầu tư. Một số nông dân đã bỏ ruộng hoang đi nơi khác làm ăn. Những hộ ở lại thì tiếp tục sản xuất nhưng không dám cải tạo ruộng vườn hay sửa chữa nhà cửa.
Anh Nguyễn Văn Cheo ở ấp 1, xã Long Ðịnh kể lại: “Nhớ năm ngoái, nhà cửa xuống cấp, vợ chồng tôi không dám bỏ tiền ra sửa chữa. Vẫn làm ruộng nhà, nhưng ngày nào ra đồng cũng lo lắng vì không biết CCN bao giờ mới thực hiện. Nếu bỏ tiền ra cải tạo ruộng đất thì khi dự án triển khai, công sức sẽ đổ xuống sông, xuống biển. Nhưng không làm thì lấy gì mà sống”.
Phó Bí thư Huyện ủy Cần Ðước Nguyễn Việt Cường cho biết: “Vùng đất trước đây quy hoạch CCN Long Cang- Long Ðịnh là vùng sản xuất lúa hai vụ, chất lượng cao. Vì thế, khi UBND tỉnh có quyết định thu hồi và xóa hẳn dự án này, lãnh đạo huyện Cần Ðước đã tiếp tục đầu tư xây dựng đường sá, điện, nước nhằm tạo điều kiện cho người dân sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả hơn, đồng thời gắn với xây dựng nông thôn mới”.
Theo Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Long An, từ năm 2009 đến hết tháng 11/2012, tỉnh Long An đã thu hồi 79 dự án, với diện tích là 4.596 ha. Riêng năm 2012, tỉnh đã thu hồi 44 dự án với diện tích 2.630 ha. Trong đó, tỉnh đã trả lại đất sản xuất lúa cho nông dân thông qua việc thu hồi các dự án CCN 168 ha tại xã Bình Lãng và Lạc Tấn (huyện Tân Trụ), sân gôn 280 ha tại xã Mỹ Phú (huyện Thủ Thừa), nhà máy sản xuất ván ép nhân tạo rộng 40 ha tại xã Tân Ðông (huyện Thạnh Hóa), và 400 ha đất CCN Long Cang, Long Ðịnh (huyện Cần Ðước). Trong quý I năm 2013, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát và thu hồi một số dự án chậm triển khai.
Ngoài Long An, tỉnh Tây Ninh cũng bước đầu điều chỉnh giảm và xóa quy hoạch 11 CCN trên địa bàn toàn tỉnh với tổng diện tích gần 650 ha, khiến hàng trăm hộ gia đình an tâm phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống lâu dài.
Kiên quyết xóa dự án “treo”
Theo quy định của Nhà nước, với những dự án “treo” sẽ cho dừng dự án và thu hồi đất. Thực tế, nhiều dự án quy hoạch kéo dài nhiều năm không thể xóa là vì được gia hạn nhiều lần và vướng quy hoạch của các ngành nên không thể xếp vào dự án treo để thu hồi.
Theo các chuyên gia, để tránh những dự án kéo dài gây khiếu kiện, bức xúc cho người dân, chính quyền địa phương nên chú trọng công tác kiểm tra, rà soát. Bên cạnh đó, chu kỳ quy hoạch phải phân kỳ và công khai rõ cho dân biết.
Ngoài ra, quy định về thời gian, số lần gia hạn, tránh trường hợp dự án xin gia hạn nhiều lần, kéo dài gây thiệt thòi cho người dân, dự án chưa triển khai không được khống chế các quyền lợi của người dân.
Tuy nhiên, vấn đề này nhiều địa phương trong khu vực chưa mấy lưu tâm. Công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch đúng hướng, hiệu quả và mạnh dạn thu hồi, xóa quy hoạch, dự án treo còn hững hờ, tránh né.
Thực tế là hàng nghìn héc-ta đất cặp sông Tiền, sông Hậu từ thượng nguồn đến hạ nguồn thuộc khu vực ÐBSCL được các chuyên gia nông nghiệp, nhà khoa học đánh giá là rất tốt, cần được bảo vệ phục vụ sản xuất nông nghiệp (lúa, cây ăn quả đặc sản, rau màu) đã khoác chiếc áo KCN nhưng đến nay, sau nhiều năm hoang tàn thì các địa phương vẫn chưa chủ động điều chỉnh.
Tại tỉnh Tiền Giang, gần 20 năm phát triển các dự án công nghiệp nhưng tỷ lệ lấp đầy ở các khu chiếm chưa đến 30%. Hàng nghìn ha đất quy hoạch các dự án công nghiệp tại vùng chuyên canh cây khóm thuộc huyện Tân Phước và đặc biệt là khu vực ven biển Gò Công bị các đại gia “xí phần” rồi bỏ hoang nhiều năm nay nhưng tỉnh vẫn chưa có quyết định thu hồi, điều chỉnh, giảm, xóa cho phù hợp tình hình phát triển kinh tế và thế mạnh của địa phương.
Theo Ban Quản lý các KCN Tiền Giang, tỉnh đã thu hồi được một dự án là KCN Bình Ðông (thị xã Gò Công) diện tích 200 ha do Công ty cổ phần Tập đoàn thương mại dịch vụ Khang Thông thực hiện dự án Ðầu tư xây dựng hạ tầng KCN, nhưng không xây dựng. Thế nhưng, việc thu hồi này nhằm mục đích để tiếp tục kêu gọi nhà đầu tư khác chứ không xóa quy hoạch.
Cũng theo một cán bộ Ban Quản lý các KCN Tiền Giang thì KCN này có thể xóa được vì chưa tiến hành kê biên, giải tỏa. Và như thế, người dân xã Bình Ðông cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh nằm trong diện quy hoạch công nghiệp “treo” như thế này vẫn tiếp tục lo lắng, không an tâm đầu tư phát triển sản xuất.
Riêng tỉnh Bến Tre thì cho rằng, hiện tại các KCN nằm trong quy hoạch được duyệt đều phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, cũng như phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của tỉnh đến năm 2020. Các KCN này đang được tỉnh tiến hành lập quy hoạch chi tiết 1/2000, để làm cơ sở cho việc kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư hạ tầng.
Không dừng lại, trong quá trình lập quy hoạch chi tiết 1/2000 một số KCN có giảm quy mô diện tích do xác định ranh giới cho phù hợp cụ thể ở địa phương, như KCN Giao Hòa giảm 21,5 ha; KCN Phước Long giảm 17,68 ha; KCN Thanh Tân giảm 16 ha; KCN An Hiệp mở rộng giảm 12,18 ha. Diện tích giảm nêu trên là hợp lý, nằm trong giới hạn cho phép của Chính phủ…
Cần thẳng thắn nhìn nhận, việc quy hoạch đất nông nghiệp làm KCN, các dự án phát triển đô thị dàn trải, thiếu định hướng dẫn đến đất đai bỏ hoang, gây lãng phí rất lớn cho nguồn lực xã hội. Trái lại, trong khi nhiều hộ nông dân cả đời gắn bó với sản xuất nông nghiệp lại phải chấp nhận rời nơi chôn nhau, cắt rốn để nhường đất cho các dự án phát triển kinh tế, nhưng sự chấp nhận của họ không được đáp lại.
Ðiều đáng mừng là, hiện nay một số địa phương đã nhận thức được sự lãng phí này, chủ động điều chỉnh quy hoạch công nghiệp một cách đúng hướng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Thanh Nguyên cho biết, trong tình hình khó khăn như hiện nay, tỉnh sẽ rà soát lại tất cả dự án, quy hoạch trên địa bàn tỉnh, kể cả với những dự án lớn như Happy land, cảng Tân Tập,…
Những dự án không còn mang tính khả thi hay do nhà đầu tư kém năng lực tài chính sẽ bị thu hồi, chuyển đổi công năng nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí tài nguyên đất. Ngay cả quy hoạch phát triển công nghiệp ở các huyện cũng cần phải xem xét quy hoạch lại sao cho phù hợp điều kiện mới.
Chủ trương của tỉnh là, hạn chế đến mức tối đa việc chuyển mục đích đất trồng lúa năng suất cao vào các mục đích sử dụng khác, đồng thời xóa quy hoạch đối với những dự án sử dụng đất lúa hai vụ.
Cùng quan điểm trên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường Ðồng Nai, từ năm 2010 đến nay, Sở đã phối hợp với các địa phương rà soát lại các dự án và kiến nghị tỉnh thu hồi gần 220 dự án với tổng diện tích hơn 480 ha. Riêng trong năm 2012, Ðồng Nai đã có quyết định thu hồi 33 dự án kéo dài tại các huyện, thị xã Long Khánh và TP Biên Hòa. Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp các địa phương trong tỉnh rà soát lại các dự án và những dự án kéo dài không có lý do chính đáng sẽ tham mưu cho tỉnh thu hồi.
Mọi việc đã rõ, đua nhau phát triển các dự án công nghiệp, đô thị để rồi “treo” đó, gây lãng phí lớn về đất đai, bất ổn, xáo trộn trong một bộ phận đời sống xã hội. Vấn đề này cần được nhanh chóng chấn chỉnh một cách đồng bộ trong quá trình thực hiện một trong các giải pháp phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ năm 2013: Tập trung rà soát các quy hoạch và kiên quyết xử lý các dự án treo, nhất là trên đất lúa.