ThienNhien.Net – Từ 26/2 đến 28/2/2013 tại Hà Nội diễn ra Hội nghị thực hiện Dự án nước ngầm pha II do Hội đồng các chương trình khoa học địa chất Đông và Đông Nam Á (CCOP) phối hợp với Trung tâm Quy hoạch & Điều tra tài nguyên nước tổ chức.
Hội nghị nhằm tăng cường năng lực, chuyển giao công nghệ, trao đổi thông tin và liên kết tổ chức để phát triển tài nguyên nước bền vững, quản lý thông tin địa chất, giảm thiểu tai biến địa chất và bảo vệ môi trường.
13 quốc gia thành viên gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Nhật Bản, Indonesia, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Papua New Guinea, Singapore, Philipin, Thái Lan và Đông Timor tham dự.
Dự án nước ngầm là một trong các hoạt động của CCOP. Pha 1 của Dự án được xây dựng, tiến hành từ năm 2005 đến 2008 nhằm đánh giá các nguồn nước dưới đất và môi trường qua các hệ thống quan trắc. Pha II tiến hành từ năm 2010 đến năm 2013 nhằm xuất bản một số bản đồ địa chất thuỷ văn để gửi thông điệp của vùng CCOP đến các nước trên thế giới.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Trần Thị Minh Hà, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế , Bộ TN&MT khẳng định: Hội nghị về nước ngầm có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang phải đối mặt với sự suy thoái nguồn nước cả về số lượng và chất lượng trên quy mô toàn cầu và trong từng quốc gia. Tài nguyên nước vốn đã phân bố không đồng đều nay đang có nguy cơ cạn kiệt. Vì vậy, cần có sự hợp tác cho việc sử dụng bền vững và chia sẻ hợp lý nguồn tài nguyên này.
Đại biểu các nước tham dự Hội nghị đã đề cập các vấn đề thời sự như: Sụt lún đất tại khu vực Angkor Wat (Campuchia); Sụt lún đất và cách phòng tránh ở Thượng Hải và các khu vực ngoại ô (Trung Quốc; Xâm nhập mặn đối với nước ngầm ở đồng bằng Jakarta (Indonesia); Khảo sát môi trường thuỷ văn tại đồng bằng Kanto (Nhật Bản); Khảo sát nước ngầm tại Hàn Quốc; khai thác nước ngầm ở Myanmar; tài nguyên nước ngầm đồng bằng Bắc Bộ (Việt Nam)…
Các báo cáo trình bày tại Hội nghị không chỉ giúp chúng ta nhận biết diễn biến tài nguyên nước ngầm của các nước trong khu vực mà còn có ý nghĩa lớn đối với các nước đang phát triển khi phải đồng thời hướng tới hai mục tiêu phát triển kinh tế và phát triển thiên niên kỷ.