ThienNhien.Net – Nhắc đến cây trôm, người dân Bình Thuận sẽ nghĩ ngay đến vùng đất nắng và gió Tuy Phong, vì nơi đây cây trôm đã trở thành “cần câu” giúp người dân từng bước thoát nghèo. Từ một vùng đất cằn cỗi, giờ đây cây trôm mở ra cho người dân hướng đi mới nhiều hy vọng… Ngoài giá trị lấy nhựa (mủ), trôm còn là loại cây góp phần phủ xanh một vùng rộng lớn đất trống, đồi núi trọc.
Là loại cây có thể mọc và phát triển bình thường trên nền đất khô cằn sỏi đá, nên trôm có mặt khá nhiều ở vùng rừng núi huyện Tuy Phong, nơi có lượng mưa trung bình thấp nhất cả nước. Năm 2006, cây trôm được đánh dấu bước phát triển mới khi chương trình khuyến lâm (trồng rừng) của Trung tâm khuyến nông quốc gia chuyển giao cho huyện Tuy Phong trồng 11 ha trôm với mục đích khai thác nhựa kết hợp với trồng rừng. Từ đây cây trôm có điều kiện phát triển mạnh trên vùng đất nắng gió này.
Trước đó, một số hộ nông dân ở xã Vĩnh Hảo (Tuy Phong) đã trồng cây trôm vì người dân nơi đây nhận thấy giá trị của sản phẩm nhựa trôm và thực tế du khách nhiều nơi đã đến Tuy Phong tìm mua về sử dụng. Một trong những hộ tiên phong đầu tư trồng trôm ở Vĩnh Hảo là gia đình anh Trịnh Toàn (xã Vĩnh Hảo). Năm 1995, gia đình anh bắt đầu trồng 2 ha trôm với vốn đầu tư ban đầu khoảng 20 triệu đồng/ha. Với nền đất ở khu vực đầy sỏi đá, không phải chăm sóc nhiều, nhưng trôm vẫn phát triển tốt. Ðến năm thứ tư, trôm đã bắt đầu cho thu hoạch nhựa. Tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích, đến nay gia đình anh Toàn đã có gần 50 ha trôm, trong đó có gần 40 ha đã cho nhựa.
Quy trình khai thác nhựa trôm khá đơn giản, đến độ tuổi khai thác, người trồng đục những lỗ vuông nhỏ ở phần vỏ cây cho đến khi tiếp giáp với phần gỗ, rồi bóc bỏ hẳn ô vỏ này. Từ những lỗ vuông này, nhựa trôm tiết ra và đặc quánh lại, khoảng 8 ngày sau nhà vườn bắt đầu thu gom nhựa. Người dân chủ yếu khai thác vào mùa nắng (từ tháng 11 năm trước đến tháng tư năm sau), năng suất bình quân nhựa trôm trên cây trưởng thành (khoảng 7 năm tuổi) khoảng 1 kg/cây/năm.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Phong, tổng diện tích cây trôm toàn huyện đã hơn 400 ha, trong đó gần 200 ha cho thu hoạch, tập trung chủ yếu ở 3 xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân và Phong Phú. Năng suất bình quân nhựa trôm hiện nay đạt khoảng 400 kg/ha/năm, cho thu nhập từ 40 – 60 triệu đồng/ha/năm. Hiện tại, Tuy Phong có 1 cơ sở thu mua và chế biến sản phẩm nhựa trôm khô, đóng gói thành phẩm dùng làm nước giải khát. Ngoài ra còn có trên 30 hộ chuyên thu mua sản phẩm nhựa trôm để tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Đến nay, bên cạnh sản phẩm từ cây thanh long, cao su… cây trôm đã trở thành một trong những loại cây lợi thế của tỉnh. Nhờ nhựa trôm có giá cao, thị trường tiêu thụ mạnh, nên nhiều hộ nông dân Tuy Phong có thêm nguồn thu nhập ổn định. Cây trôm cũng góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho những lao động nông thôn. Ngoài ra, nhờ trồng cây trôm, địa phương đã tận dụng được những diện tích đất trước đây bị bỏ hoang, những diện tích không chủ động nước tưới, đất đồi…
Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông khuyến ngư: Bình Thuận với khí hậu khô hạn quanh năm nên cây trôm là loại cây trồng thích hợp, lượng mưa thấp nên mủ trôm đặc và chất lượng hơn so với những vùng nhiều mưa. Cây trôm đã mở ra cho Bình Thuận triển vọng mới, thích hợp với những vùng đất bạc màu và vùng sa mạc hóa. Với ưu thế này, cây trôm đang dần thay thế những cây trồng kinh tế khác. Hiện nay giống cây trôm đang được cung cấp đại trà để người dân mở rộng diện tích trồng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp.
Ông Hồ Trung Phước, Bí thư huyện Tuy Phong cho biết: Với những ưu thế về giá trị kinh tế, trong tương lai cây trôm có thể sẽ là cây trồng hiệu quả, mở ra hướng phát triển kinh tế mới. Khi đó, việc canh tác nông nghiệp của địa phương cũng có thêm bước đột phá trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng ngày càng hiệu quả. Hiện Tuy Phong cũng đã thành lập mô hình kinh tế “Tổ nông dân phát triển cây trôm Vĩnh Tân” gồm 20 hội viên, để hỗ trợ nhau phát triển nhân rộng cây trồng này.
Việc phát triển cây trôm tại huyện Tuy Phong đang có xu hướng mở rộng quy mô, diện tích trồng. Tuy nhiên, phong trào trồng trôm của địa phương chủ yếu vẫn là tự phát, và chưa có định hướng. Do đó, nếu được quan tâm nghiên cứu, đầu tư đúng mức thì cây trôm sẽ là cây trồng triển vọng ở vùng đất thừa nắng thiếu mưa này. Cây trôm không chỉ những trở thành cây trồng lợi thế của địa phương, mà còn là cây thế mạnh trong phát triển kinh tế của tỉnh.