ThienNhien.Net – Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn tỉnh An Giang mùa khô 2013, tỉnh An Giang có khả năng khô hạn sẽ xuất hiện từ tháng 3 sớm hơn 1 tháng so cùng kỳ, làm ảnh hưởng đến cuối vụ đông xuân 2012 – 2013 và đầu vụ hè thu 2013, tập trung ở 100% huyện, thị, thành trong tỉnh. Đặc biệt là nguy cơ nước mặn xâm nhập sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến 6.000 ha lúa, hoa màu và nước sinh hoạt của trên 7.000 hộ dân 2 huyện Thoại Sơn, Tri Tôn giáp với tỉnh Kiên Giang. Tỉnh An Giang đang triển khai khẩn trương các giải pháp và thi công 165 công trình chống hạn, mặn.
Vụ đông xuân 2012 – 2013 tỉnh An Giang xuống giống trên 257.600 ha lúa, đang vào thời điểm trổ, thu hoạch nên rất cần được bảo vệ an toàn. Từ thực tế mùa khô năm nay tỉnh có nhu cầu nạo vét trên 600 công trình kênh mương nội đồng với tổng kinh phí 320 tỷ đồng. Tuy nhiên do tình hình cấp bách, hiện các địa phương đã tuyển chọn triển khai khẩn trương 150 công trình kênh nội đồng, khu vực nông thôn sâu bị cạn kiện nhất, với tổng kinh phí 164 tỷ đồng từ nguồn cấp bù thủy lợi phí, tập trung nhiều nhất là huyện miền núi Tri Tôn 32 công trình và 25 tiểu vùng mở mới; các huyện Châu Thành, Châu Phú, Thoại Sơn mỗi huyện gần 20 công trình…
Tỉnh chỉ đạo các công trình nạo vét không được triển khai, các địa phương phải chủ động vận hành các cống bọng điều hòa nước hợp lý và khai thác tốt các trạm bơm điện để chủ động nước tưới; tranh thủ triều cường tổ chức bơm chuyền cấp 2. Đối với hai huyện miền núi Tri Tôn, Tịnh Biên ưu tiên nạo vét kênh để đảm bảo nguồn nước cho các trạm bơm vùng cao.
Theo ông Vương Hữu Tiếng – Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang, hiện nay nước biển đã xâm nhập vào đầu bờ kênh Rạch Giá – Long Xuyên, nguy cơ nước biển xâm nhập vào tỉnh An Giang là rất cao. Vì vậy, tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn kinh phí xây dựng 15 đập tạm tại khu vực đầu bờ kênh xã Vĩnh Phước, Lương An Trà (huyện Tri Tôn) và xã Bình Thành (Thoại Sơn), đồng thời sẽ vận chuyển nước ngọt từ các xã lân cận để cung cấp đủ nước sạch sinh hoạt cho nhân dân khi xảy ra xâm nhập mặn.