ThienNhien.Net – Trong chuyến công tác đầu xuân về làng Groi, thuộc thị trấn K’Bang (huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai), chúng tôi đã chứng kiến biết bao đổi thay đáng mừng của buôn làng. Vui nhất là ý thức bảo vệ rừng của người dân nơi đây đã được nâng cao rõ rệt.
Chúng tôi theo chân Trưởng thôn Đinh Lộc – dân tộc Bahnar, tới khu rừng tự nhiên, nằm cách xa làng hơn 5 km. Tại đây, hàng chục thanh niên đang tập trung phát quang, chặt bỏ những loại dây leo chằng chịt nhằm tạo môi trường thoáng đãng cho các loại cây rừng sinh trưởng và phát triển. Xa hơn là những tốp lao động của làng đang tuần tra, kiểm soát tại các khu rừng, nhằm kịp thời ngăn chặn các trường hợp vi phạm về lâm luật như khai thác gỗ trái phép, phòng chống cháy rừng, săn bắt động vật rừng hoang dã. Tiếng nói, tiếng cười rộn ràng của những người tham gia bảo vệ rừng như xua tan đi bao nỗi nhọc nhằn và tạo nên một không khí ấm áp, tươi vui của mùa xuân.
Trưởng thôn Đinh Lộc giới thiệu với chúng tôi cây Xoay, cỡ chừng hơn trăm tuổi, có đường kính hơn 1 m và chiều cao tầm 15 m. Ông kể rằng cây Xoay quý này suýt nữa bị bọn lâm tặc chặt hạ. “Cây Xoay đã bị mở miệng (cưa đứt) 1/4 thân cây, song nhờ sự tuần tra, kiểm soát của dân làng, nên đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn việc làm xấu của bọn lâm tặc. Không chỉ có cây Xoay này mà trong khu rừng còn có một số loại cây khác cũng có dấu vết đốn hạ như vậy nhưng dân làng đã giữ lại được”, Trưởng thôn Đinh Lộc cho biết.
Làng Groi chỉ có 61 hộ với 374 khẩu đều là đồng bào dân tộc Bahnar, đã được định canh định cư từ lâu. Cuộc sống của bà con đã cơ bản ổn định trên cơ sở gắn bó với nghề rừng, cộng với việc trồng trọt và phát triển chăn nuôi. Cộng đồng làng được Công ty TNHH MTV lâm nghiệp KaNat giao quản lý và bảo vệ 650 ha rừng tự nhiên và được hưởng lợi tiền công chăm sóc 250.000 đồng/ha, tăng gấp 3 lần so với trước đây. Ngoài ra, bà con còn được quyền chủ động khai thác và sử dụng các loại lâm sản phụ thu được dưới tán rừng như quả xoay, song mây…
Khác với việc giao khoán quản lý bảo vệ rừng của nhiều năm trước, giờ đây toàn bộ diện tích rừng đều được giao cho cộng đồng làng quản lý dưới sự điều hành của Hội đồng già làng. Căn cứ thực tế về số lao động và khả năng của từng hộ trong làng, Hội đồng già làng sẽ giao mức khoán hợp lý, bình quân mỗi hộ nhận khoán 10 ha rừng.
“Công việc tổ chức quản lý, bảo vệ rừng cũng do Hội đồng già làng trực tiếp điều hành, phương án hoạt động được xác lập cụ thể theo từng giai đoạn trong năm trên cơ sở có sự hướng dẫn về kỹ thuật của chủ rừng. Mức thu nhập từ việc giao khoán rừng do Hội đồng già làng quyết định, phân phối theo bình bầu công khai đối với từng hộ, các loại lâm sản phụ ai thu hoạch được bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu, riêng sản phẩm cây mây thì làng giữ lại để làm của chung cho làng như dùng để gia cố lại nhà ở, đan lát gùi…”, Trưởng thôn Đinh Lộc chia sẻ.
Làng chia thành 13 nhóm lao động và mỗi nhóm có từ 4 đến 5 người. Vào thời vụ chăm sóc, vệ sinh rừng thì huy động tất cả lao động ở các nhóm cùng tham gia, còn trái vụ thì ngày nào cũng phân công từ 1 đến 2 nhóm vào rừng để tuần tra, canh gác. Khi phát hiện có lâm tặc vào chặt gỗ trộm thì liên hệ với nhau bằng điện thoại di động, tập trung lại để ngăn chặn hoặc ứng cứu với các đơn vị chức năng.
Anh Đinh H’Lem, tổ trưởng của 13 nhóm quản lý bảo vệ rừng, cho biết: “Dân làng Groi rất nhiệt tình và tự giác trong việc giữ rừng, bởi rừng đã mang lại nguồn thu để góp phần nâng cao đời sống của người dân. Tất cả anh em lao động trong các nhóm đều có ý thức cao trong công tác, mỗi khi phân công nhiệm vụ là anh em sẵn sàng lên đường và làm rất tốt các phần việc được giao. Nếu hộ nào không chấp hành công việc được phân công và còn để những vi phạm xảy ra, cụ thể là để mất gỗ thì Hội đồng già làng xử lý bằng cách chủ động cắt hợp đồng và giao rừng cho hộ khác quản lý”.
Không chỉ riêng ở làng Groi, mà tất cả 11 làng thuộc các xã, thị trấn K’Bang, Đăk Sơ Ma, xã Đông và Nghĩa An nằm trong vùng rừng thuộc Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ka Nat quản lý, đều thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng. Công ty đang quản lý 8.000 ha rừng tự nhiên, bước đầu đã giao được 2.900 ha cho cộng đồng ở các buôn làng tự chủ quản lý với 524 hộ tham gia theo Thông tư liên tịch của Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính về thực hiện cơ chế quản lý sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Diện tích rừng còn lại hơn 5.000 ha do công ty phối hợp với lực lượng kiểm lâm trên địa bàn quản lý.
Ông Nông Văn Tưởng, Chủ tịch kiêm Giám đốc công ty cho biết: Nhờ thực hiện cơ chế khoán mới, mức hưởng lợi của người dân từ rừng cao hơn nhiều so với trước đây nên bà con rất phấn phởi và tự nguyện tham gia bảo vệ rừng; kết hợp với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn thực hiện cơ chế rõ ràng, công khai và minh bạch nên dân làng lại càng phấn khởi và tin tưởng hơn.