ThienNhien.Net – Cả nước hiện có 58/63 tỉnh, thành phố có tổng số 283 khu công nghiệp (KCN), tổng diện tích hơn 70 nghìn ha (chưa kể các dự án phát triển đô thị khác). Tuy nhiên, tỷ lệ lấp đầy diện tích của các KCN mới đạt khoảng 50%, nghĩa là còn tới hơn 30 nghìn ha đất bỏ hoang, gây lãng phí nghiêm trọng. Nơi có diện tích đất bỏ hoang nhiều nhất là các tỉnh, thành phố Nam Bộ, mà nổi cộm là khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Từ thực tế này, các địa phương cần nhanh chóng rà soát các quy hoạch và kiên quyết xử lý các dự án treo, có giải pháp thu hồi, chuyển mục đích sử dụng nhằm tăng hiệu quả đồng thời giữ vững diện tích đất trồng lúa theo quy hoạch của Chính phủ…
Kỳ 1: Ðua nhau quy hoạch, rồi “treo”
Cần khẳng định, việc thành lập các KCN, khu đô thị tại nhiều địa phương đã đem lại thay đổi không nhỏ trong việc công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, góp phần nâng cao đời sống người dân. Tuy nhiên, trong thời gian qua, các địa phương “đua nhau” quy hoạch đất nông nghiệp để làm các khu, cụm công nghiệp (CCN), khu đô thị… nhưng lại sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực tài nguyên rất lớn.
Theo Viện Phát triển bền vững Ðông Nam Bộ thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam, trong hơn mười năm qua, diện tích đất nông nghiệp Ðông Nam Bộ giảm 90 nghìn ha, từ 1,45 triệu ha (năm 2000) xuống còn 1,36 triệu ha (tính đến cuối 2011) để dành chỗ cho các KCN và khu đô thị.
Tại Ðồng Nai hiện có hàng trăm dự án lớn, nhỏ được quy hoạch để phát triển kinh tế – xã hội. Ðây cũng là một trong những địa phương có tỷ lệ các KCN thuê đất đạt khoảng 70%, cao hơn trung bình cả nước đến 20%. Tuy nhiên, trong hơn 9.200 ha đất KCN, vẫn còn 2.700 ha chưa được sử dụng…
Trong số này còn rất nhiều dự án chưa được triển khai, kéo dài nhiều năm. Ðơn cử, xã Long An có quy hoạch dự án nhiều nhất huyện Nhơn Trạch với hơn 32 dự án, tổng diện tích 1.500 ha (chiếm gần 50% diện tích toàn xã, hiện còn đến 16 dự án chưa triển khai), nhiều nông dân ở đây đang khổ sở vì quy hoạch kéo dài, nông dân có thể thế chấp vay ngân hàng bằng quyền sử dụng đất để đầu tư sản xuất nông nghiệp như nuôi thủy sản, trồng lúa…, một năm cũng cho thu nhập gần 100 triệu đồng/ha.
Không chỉ ở xã Long An, ông Trần Văn Thành, xã Long Tân (huyện Nhơn Trạch) dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng lúa đang dần vàng đi vì thiếu nước thủy lợi, ngao ngán lắc đầu: Gia đình tôi đã sống khá lâu trên mảnh đất này, tuy không khá giả nhưng làm nông nghiệp với hai ha ruộng, cuộc sống gia đình cũng tạm ổn định.
Cách đây khoảng mười năm, huyện công bố quy hoạch khu dân cư nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai. Từ đó, gia đình tôi rơi vào hoàn cảnh khó khăn do không thể thế chấp vay vốn ngân hàng đầu tư cho sản xuất. Con cái lớn lên, muốn xây nhà cho chúng cũng không được.
Còn thủy lợi, do bị quy hoạch cũng chẳng được nâng cấp, đầu tư. Huyện Nhơn Trạch (Ðồng Nai) có khoảng ba trăm dự án lớn, nhỏ với tổng diện tích gần 9.000 ha được quy hoạch để phát triển thành phố mới Nhơn Trạch. Nhưng đến nay, diện mạo thành phố mới vẫn chưa được hình thành bởi còn nhiều dự án “treo” không biết đến bao giờ.
Ông Nguyễn Văn Chín ở xã Phước Thiền than phiền, gần 2 ha ruộng của tôi nằm trong dự án xây dựng trường đại học nhưng đến nay vẫn chưa thu hồi khiến gia đình tôi không dám đầu tư để sản xuất lớn. Ngập ngừng giây lát, ông buồn rầu nói tiếp, nếu không bị quy hoạch, gia đình tôi sẽ vay ngân hàng để đào ao thả cá, nuôi tôm thì thu nhập cũng khá. Nếu chỉ làm lúa, năng suất ngày càng thấp, sâu bệnh ngày càng nhiều do người làm người bỏ hoang, thu nhập bấp bênh, không ổn định.
Còn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), vựa lúa lớn nhất cả nước cũng từng bước bị các KCN, CCN lấn dần. Toàn khu vực được quy hoạch và hình thành 111 KCN với tổng diện tích hơn 24 nghìn ha, tập trung nhiều nhất và với quy mô lớn là tỉnh Long An, Kiên Giang, Cà Mau, Cần Thơ, Hậu Giang…, nhưng con số thu hút đầu tư vào các KCN cũng chưa tới 50%.
Chuyện đua nhau quy hoạch phát triển công nghiệp, chạy theo phong trào, tỉnh bạn có, tỉnh mình cũng phải có đã gây lãng phí rất lớn về đất đai, nhất là trên đất lúa. Sở dĩ có tình trạng này là do các địa phương khi thành lập các KCN đã thiếu nghiên cứu, tính toán bài bản, từ đó mạnh ai nấy làm, dẫn đến tự cạnh tranh nhau.
Ngay cả giải pháp về cơ sở hạ tầng kỹ thuật… mỗi tỉnh làm một cách, có lúc không thực hiện được và lãnh đạo các địa phương ở khu vực ÐBSCL cũng chưa cùng nhau bàn bạc cụ thể. Khảo sát của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại Cần Thơ cho thấy, các KCN mới chỉ cho thuê hơn 800 ha, đạt tỷ lệ hơn 22%. Các tỉnh, thành ÐBSCL còn thành lập gần 180 CCN, tổng diện tích hơn 15,5 nghìn ha. Trong số này, có chưa đến 20 cụm được các doanh nghiệp thuê với hơn 700 ha đất, đạt tỷ lệ gần 5%.
Như vậy, ÐBSCL đang lãng phí đất rất lớn trong các KCN với diện tích lên đến gần 18 nghìn ha (khoảng hơn 90% diện tích quy hoạch). Theo Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, các tỉnh ÐBSCL có phần nôn nóng phát triển công nghiệp nên nhiều tỉnh thuần nông, điều kiện cơ sở hạ tầng thấp kém cũng ào ào phá lúa, vườn cây ăn trái để quy hoạch KCN.
Trong nhiều cuộc hội thảo về phát triển KCN được tổ chức ở ÐBSCL, các nhà khoa học đã cảnh báo: vựa nông thủy sản lớn nhất nước sẽ nguy ngập vì phong trào xây dựng KCN, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội. Nhưng bất chấp các lời cảnh báo, nhiều tỉnh ÐBSCL vẫn phát triển KCN bằng mọi giá. Tại Ðồng Tháp, trong lúc KCN Trần Quốc Toản (thành phố Cao Lãnh) còn nhiều đất bỏ hoang thì tỉnh này tiếp tục đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ mở rộng diện tích KCN lên 2.730 ha.
Theo đó, ngoài các KCN hiện có là Trần Quốc Toản, Sa Ðéc và Sông Hậu sẽ mở rộng thêm khoảng 730 ha và sẽ bổ sung thêm bốn KCN với tổng diện tích khoảng 1.750 ha (gồm KCN Tân Kiều 600 ha, KCN Ba Sao 500 ha, KCN Trường Xuân – Hưng Thạnh 400 ha và KCN Công nghệ cao 250 ha). Trong khi đó tại Bến Tre, sau khi cầu Rạch Miễu hoàn thành đưa vào sử dụng, UBND tỉnh đã hào hứng xây KCN, bất chấp mọi cảnh báo của giới khoa học.
Ngoài KCN Giao Long (huyện Châu Thành), hiện nay tỉnh Bến Tre đang quy hoạch xây dựng thêm KCN Phú Thuận rộng 230 ha ở huyện Bình Ðại; mở rộng KCN An Hiệp (Châu Thành) thêm 150 ha; bổ sung thành lập thêm năm KCN mới gồm: Giao Hòa rộng 270 ha ở huyện Châu Thành, KCN Phước Long rộng 200 ha ở Giồng Trôm, KCN An Phước rộng 230 ha ở Châu Thành, KCN Thanh Tân rộng 200 ha Mỏ Cày Bắc, KCN Thành Thới rộng 150 ha huyện Mỏ Cày Nam.
Tại Tiền Giang, ngoài KCN Mỹ Tho (80 ha) sau gần 20 năm được lấp đầy, KCN Tân Hương (240 ha) lấp đầy khoảng 60%, còn các khu còn lại như Tân Phước I, Tân Phước II (huyện Tân Phước) hơn 700 ha được các đại gia “xí phần” rồi bỏ hoang nhiều năm. Ðáng chú ý là các KCN ở các huyện ven biển Gò Công hơn 1.000 ha được tỉnh Tiền Giang quy hoạch và mạnh dạn phá hàng trăm ha đất rừng phòng hộ để đầu tư, kêu gọi thu hút vào các KCN nhưng đến nay vẫn “án binh bất động”, không một dự án nào được đưa vào hoạt động.
Trong khi đó, người dân ở khu vực này hoang mang, người được giải tỏa, đền bù xong thì khiếu kiện mức bồi thường chưa hợp lý, người dân còn trong diện quy hoạch thì không an tâm sản xuất.
Tại KCN Trần Ðề (huyện Trần Ðề, Sóc Trăng) có tổng diện tích 120 ha, với 175 hộ dân bị ảnh hưởng. Sau khi quy hoạch, thu hồi đất trồng lúa, màu, vườn cây ăn trái của nông dân, tỉnh chưa tiến hành hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, kêu gọi đầu tư; đồng thời chưa xây dựng được khu tái định cư cho những hộ bị giải tỏa thu hồi đất thì lại có “sáng kiến” cho nông dân thuê lại đất vừa bị thu hồi để canh tác với điều kiện phải đóng trước 500 nghìn đồng/1.000 m2…
Trước thực trạng chưa đến 50% đất trong các KCN ở ÐBSCL được cho thuê, Tiến sĩ Võ Hùng Dũng cảnh báo: Ðất đai tại các KCN đang bị lãng phí vì bỏ hoang hoặc bị nhà đầu tư, các đại gia “xí phần” rồi để đó.
Thực tế cho thấy, hiệu quả thu hút đầu tư cũng rất thấp, hầu hết các KCN đều thu hút các doanh nghiệp nhỏ, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực thủy sản, chế biến tôm, cá, may mặc, giày da… ít dự án đầu tư nước ngoài và thiếu các dự án chiều sâu về chế biến lương thực, thực phẩm, một lĩnh vực mà ÐBSCL đang rất cần.
Ðã đến lúc các tỉnh ÐBSCL cần rà soát ngay quy hoạch các CCN, cân nhắc nhu cầu thu hút đầu tư một cách hiệu quả để tránh lãng phí đất nông nghiệp.