ThienNhien.Net – Ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành (Hậu Giang), cho biết huyện đã chỉ đạo ngành chức năng nhiều lần khuyến cáo nông dân không nên ồ ạt trồng khoai mì để bán lá. Tuy nhiên tình trạng này vẫn diễn ra, nhiều nhất là xã Đông Phước A.
Theo một cán bộ phụ trách bảo vệ thực vật xã Đông Phước A, việc nông dân trồng khoai mì để bán lá, ngọn đã xuất hiện tại đây gần 2 năm. Lúc đầu chỉ có vài hộ trồng xen canh trong vườn cây ăn trái. Do bán có giá, ít tốn công chăm sóc, cây không bị sâu bệnh, chi phí không nhiều nên đến nay, xã đã có vài chục hộ trồng khoai mì bán lá với diện tích khoảng 7 ha, tập trung ở 3 ấp Phước Long, Phước Hưng và Hưng Thạnh. Trung bình khoai mì trồng khoảng 2 tháng là thu hoạch được từ 1 – 1,5 tấn lá và ngọn/công, lợi nhuận thu về từ 1 – 1,5 triệu đồng/công. Một thương lái tên L. cho biết trước đây lá và ngọn khoai mì được thu mua chủ yếu để bán lại cho Công ty Phú Thành ở Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh (H.Châu Thành A, Hậu Giang).
Nay tiếp tục có thêm một công ty khác từ TP.HCM xuống tận nơi thu mua nên giá nhích lên. Từ đầu năm đến nay, một số hộ dân nghe theo khuyến cáo của chính quyền không tiếp tục trồng khoai mì nữa. Vì vậy, thương lái đã tăng giá thu mua từ 1.200 đồng/kg lá và ngọn lên 1.500 đồng/kg. Tuy nhiên L. và cả một số thương lái thu mua lá khoai mì đều không biết các công ty mua lá và ngọn khoai mì để làm gì.
Theo Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, cây khoai mì trồng lâu năm xen canh với vườn cây ăn trái, nếu đất không được bổ sung chất dinh dưỡng sẽ bị bạc màu. Do vậy, ngành nông nghiệp đã khuyến cáo nông dân không nên trồng thêm khoai mì. Những người có nhu cầu chuyển đổi từ khoai mì qua các loại cây khác sẽ được ngành nông nghiệp hướng dẫn.