ThienNhien.Net – Hệ thống nông, lâm trường của nước ta lâu nay vẫn tồn tại nhiều vấn đề chưa cách nào tháo gỡ.
Bát nháo và bất cập
Kết quả báo cáo từ Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, tính đến hết năm 2012, cả nước có 235 nông trường, 167 lâm trường, 262 ban quản lý rừng, với tổng diện tích đất đang quản lý, sử dụng là 6.818.093ha. Hiệu quả sử dụng đất của nhiều nông, lâm trường đã tăng so với trước, các nông, lâm trường cũng chuyển đổi mô hình sang hình thức doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những bất cập nổi bật của hệ thống nông, lâm trường đã tồn tại lâu nay thì vẫn còn đó. Hầu hết các nông, lâm trường đều không có bản đồ, hồ sơ địa chính, thiếu quy hoạch sử dụng đất, không thực hiện đủ việc kiểm tra, rà soát hiện trạng đất hàng năm. Việc cấp sổ đỏ chậm chạp, mới chỉ có 29,92% tổng diện tích đã giao có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tiến độ thu hồi đất sau rà soát cũng chậm chạp, một số nông, lâm trường còn tình trạng “phát canh thu tô”. Đặc biệt, nhiều diện tích đất bị lấn chiếm, hoặc giao khoán sai đối tượng; chuyển mục đích thành đất ở còn dẫn tới những tranh chấp đất đai phức tạp và dai dẳng, nhất là những khiếu kiện phát sinh do phát triển nông, lâm trường trên đất có nguồn gốc trước đây đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng, tình trạng chủ quan, nóng vội trong việc công nhân hóa người dân tộc thiểu số trong quá trình đưa người dân tộc thiểu số vào các nông, lâm trường.
Lấy một ví dụ gần đây nhất, UBND TP. Hà Nội vừa công bố những con số thống kê chi tiết về thực trạng tình hình diện tích đất nông, lâm trường hiện nay trên địa bàn TP. Theo đó, toàn TP hiện có 56 công ty nông – lâm nghiệp, nông trường, lâm trường, quản lý tổng diện tích đất lên tới 16.462,7ha, bao gồm 11 đơn vị đã cổ phần hóa, được giao quản lý 2.284,98ha.
Song, đa số các nông, lâm trường này đều chung tình trạng kinh doanh kém hiệu quả. Lỗi vi phạm chủ yếu đều thuộc về việc chưa thực hiện thủ tục thuê đất, giao đất, chưa nộp tiền thuê đất, tiền sử dụng đất theo quy định, chưa làm thủ tục bàn giao đất cho địa phương quản lý theo phương án cổ phần hoá. Hệ quả tất yếu, có gần 111,4ha đất đang bị lấn chiếm hoặc bỏ hoang, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nguồn thu cho ngân sách. Đơn cử, huyện Ba Vì với 12 cơ sở nông, lâm trường cũng nổi lên với nhiều vi phạm nhất. Như việc Trạm Nghiên cứu và Sản xuất tinh đông lạnh Môncađa tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 20ha đất nông nghiệp cho các hộ dân làm nhà, vườn. Công ty cổ phần Giống gia cầm Ba Vì giao gần 21ha đất cho các hộ gia đình, Trạm Thực nghiệm giống cây rừng Ba Vì quản lý hơn 210ha nhưng không giao khoán, chỉ giao cho công nhân và hộ dân trông nom, bảo vệ rừng theo hình thức thỏa thuận, không ký hợp đồng.
Giải pháp?
Nguyên nhân vì đâu? Ông Trần Hùng Phi, Cục trưởng Cục Đăng ký và Thống kê, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, những bất cập trên là câu chuyện đã diễn ra trong nhiều năm, song việc giải quyết còn gặp nhiều khó khăn. Mà nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do công tác giao khoán đất trước đây thiếu cụ thể, chủ yếu trên giấy tờ, cùng với đó, sự thiếu liên kết giữa chính quyền địa phương và các cơ quan chủ quản trong công tác quản lý, kiểm tra làm gia tăng các trường hợp lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng không đúng mục đích, cho thuê, mượn, chuyển nhượng, xây dựng nhà ở sai luật, đặc biệt tại các tỉnh Tây Nguyên.
Cùng với đó, công tác rà soát, dù được triển khai nhưng quá nặng tính hình thức. Như việc 56 nông, lâm trường quốc doanh được rà soát năm 2011, chỉ có 16 đơn vị tiến hành trên thực tế, còn lại… là dừng trên giấy. Thiếu kinh phí phát triển, chồng chéo trong quản lý giữa các bộ ban ngành… cũng khiến tình hình hoạt động tại các nông, lâm trường tiếp tục gặp khó.
Nói như GS.TSKH Đặng Hùng Võ, tình trạng tiêu cực xảy ra như hiện nay là do chúng ta đã quá chậm trễ trong việc đổi mới các nông, lâm trường. Và tới nay, chúng ta cũng mới chỉ chủ yếu chuyển đổi tên gọi, trong khi đó, điều quan trọng là đánh giá hiệu quả hoạt động, tác dụng của các nông, lâm trường này.
Tại các tỉnh Tây Nguyên, dù các lâm trường quốc doanh đã được sắp xếp, chuyển đổi thành 56 công ty TNHH MTV lâm nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, song, phần lớn các công ty lâm nghiệp này sau khi chuyển đổi mô hình, đều hoạt động không hiệu quả, nhiều công ty không thể trả lương cho cán bộ, công nhân viên trong nhiều tháng liền. Những vấn đề của mô hình lâm trường quốc doanh cũ cũng chưa được cải thiện, và có lẽ… đơn giản chỉ là một cuộc đổi tên.
Tháo gỡ những bất cập đã tồn tại quá lâu không phải chuyện dễ. Bởi thế, làm thế nào để tạo dựng một cơ chế quản lý, mô hình hoạt động cho phù hợp trong thời gian tới, hướng đi trước mắt vẫn là phải tiếp tục rà soát, đánh giá thực trạng tình hình sử dụng đất để có những số liệu thống kê chuẩn xác nhất.