ThienNhien.Net – Bảo đảm Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) có cơ cấu hợp lý, tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh giấy, bột giấy, trồng và khai thác rừng nguyên liệu giấy; nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh gắn với bảo vệ môi trường sinh thái; giữ vai trò nòng cốt trong ngành giấy Việt Nam.nĐó là mục tiêu của Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Giấy Việt Nam giai đoạn 2013 – 2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Đề án tái cơ cầu, ngành, nghề kinh doanh chính của Vinapaco gồm: Sản xuất, kinh doanh giấy, bột giấy, các sản phẩm từ giấy; trồng và khai thác rừng nguyên liệu giấy.
Vốn điều lệ của Vinapaco do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định sau khi có ý kiến thoả thuận của Bộ Tài chính.
Về phân loại, sắp xếp các đơn vị thành viên hiện có của Tổng công ty Giấy Việt Nam giai đoạn 2012 – 2015, duy trì Công ty mẹ – Vinapaco là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và 20 đơn vị phụ thuộc Công ty mẹ.
Đồng thời, duy trì doanh nghiệp do Công ty mẹ – Vinapaco giữ 100% vốn điều lệ là Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) một thành viên Nguyên liệu giấy miền Nam.
Công ty mẹ – Vinapaco nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ đối với 9 doanh nghiệp; thực hiện cổ phần hóa, Công ty mẹ – Vinapaco giữ dưới 50% vốn điều lệ đối với 4 doanh nghiệp.
Thực hiện sáp nhập 4 công ty lâm nghiệp: Sáp nhập Công ty lâm nghiệp Mộc Sơn vào Công ty lâm nghiệp Tam Sơn; sáp nhập Công ty lâm nghiệp A Mai vào Công ty lâm nghiệp Yên Lập.
Ngoài ra, chuyển sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ đối với: Viện Công nghệ Giấy và Xenluylô và Viện Nghiên cứu cây nguyên liệu giấy. Còn Trường Cao đẳng Công nghệ giấy và Cơ điện sẽ được chuyển về Bộ Công Thương quản lý.
Về tái cơ cấu tài chính, thực hiện thoái 100% vốn của Công ty mẹ – Vinapaco tại 9 doanh nghiệp: Công ty cổ phần May – Diêm Sài Gòn; Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất, xuất nhập khẩu, dịch vụ và đầu tư Việt Thái; Công ty cổ phần Bia Sài Gòn – Phú Thọ; Công ty cổ phần Chứng khoán Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Công ty cổ phần Giấy Thanh Hóa; Công ty cổ phần Tân Mai Miền Đông; Công ty cổ phần Tân Mai Miền Trung; Công ty cổ phần Tân Mai Tây Nguyên; Công ty cổ phần Tân Mai Lâm Đồng.
Về xử lý tồn tại tài chính, đối với Dự án mở rộng Bãi Bằng giai đoạn II, Tổng công ty Giấy Việt Nam tiếp tục thực hiện quyết toán và xử lý tài chính của Dự án, báo cáo Bộ Công Thương theo từng nội dung xử lý cụ thể phù hợp với pháp luật hiện hành.
Còn đối với Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, Tổng công ty lập phương án tái cơ cấu báo cáo Bộ Công Thương giải quyết, trường hợp vượt thẩm quyền, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Thủ tướng yêu cầu Hội đồng thành viên Tổng công ty Giấy Việt Nam xây dựng phương án tổ chức lại sản xuất kinh doanh, phương án tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên phù hợp với nội dung Đề án này để thực hiện chuyên môn hoá, phân công, hợp tác, không dàn trải, phân tán nguồn lực, tránh cạnh tranh nội bộ, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt.
Bên cạnh đó, có lộ trình và phương án cụ thể đến hết năm 2015 hoàn thành việc thoái 100% vốn tại 9 doanh nghiệp nêu trên. Chỉ đạo hoàn thành sắp xếp, cổ phần hoá doanh nghiệp thành viên theo Kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp giai đoạn 2012 – 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.