ThienNhien.Net – “Tòa nhà phát triển bền vững” (hay “tòa nhà xanh”) có nhiều đặc điểm ưu việt hơn so với các tòa nhà truyền thống. Chúng được thiết kế, xây dựng sao cho thân thiện nhất với môi trường, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, hòa hợp với điều kiện khí hậu khu vực, gây ít tác động xấu tới xung quanh (tiếng ồn thấp, xả khói thải, phát sinh mùi…), chi phí phát sinh trong vòng đời của tòa nhà thấp, vị trí tòa nhà gần với các địa điểm công cộng nhằm giảm thiểu tác động của việc đi lại giữa tòa nhà tới các vị trí này và đặc biệt là phải thân thiện đối với người sử dụng…
Dưới đây là danh sách những tòa nhà “xanh” nhất theo những tiêu chí trên do Global Energy bình chọn.
1. Nhà thi đấu Velodrome, London, Anh
Nhà thi đấu Velodrome là một trong 5 địa điểm thi đấu chính tại Công viên Olympic phục vụ cho Thế vận hội Olympic London 2012. Công trình với kết cấu khung thép hình parabol và hyperbol, bọc các tấm kính lớn ở ngoài để lấy sáng, lớp vỏ phía trên ốp gỗ với khẩu độ nhỏ cho phép thông gió tự nhiên. Phần mái công trình sử dụng các vật liệu nhẹ, hơi cong, với hình dáng tổng thể mô phỏng đường đi đua xe đạp.
Nhóm nghiên cứu thiết kế nhà thi đấu Velodrome được lựa chọn sau một cuộc thi thiết kế năm 2007, các kiến trúc sư lọt vào danh sách được đánh giá bởi một hội đồng giám khảo gồm nhiều kiến trúc sư hàng đầu trên thế giới. Nhóm nghiên cứu thiết kế đoạt giải xuất sắc với đề xuất ý tưởng từ một chiếc xe đạp – trọng lượng nhẹ và hiệu quả. Vì thế mái nhà được thiết kế đặc biệt phản ảnh cấu trúc hình học của đường đi xe đạp với cấu trúc mạng cáp (mỗi mạng cáp có trọng lượng từ30kg/m2 đến 65kg/m2), người ta đã sử dụng hết 16km cáp để bao phủ một diện tích 12.000m2.Các mặt bên ngoài của Velodrome được phủ một lớp gỗ Western Cedar đỏ (khoảng 5.000 m2 gỗ và sử dụng 26 thợ mộc lành nghề làm việc trong 8 tuần).
2. Tòa Marco Polo Tower, Hamburg, Đức
Là một trong những nước đi đầu thế giới về công nghệ xanh và năng lượng tái tạo, không có gì đáng ngạc nhiên khi ở Đức có khá nhiều tòa nhà bền vững. Được thiết kế bởi Behnisch Architecketen, Macro Polo Tower là sự pha trộn giữa ý tưởng xây dựng một dự án khu dân cư cao cấp với một tổng thể sinh thái. Tòa nhà sử dụng năng lượng mặt trời thu được từ các tấm pin mặt trời lắp trên mái nhà để làm mát cũng như cung cấp nước nóng cho các căn hộ. Cấu trúc mặt tiền được thiết kế lõm để tránh ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp.
3. Tòa nhà Livestrong Foundation, Austin, Mỹ
Tòa nhà trụ ở của Quỹ Livestrong (Quỹ từ thiện cho các nạn nhân của bệnh ung thư do tay đua kiệt xuất mới bị truất ngôi Lance Armstrong sáng lập) được xây dựng trên nền một nhà kho cũ từ những năm 50 của thế kỷ trước. Gần 90% vật liệu xây dựng phá dỡ từ nhà kho này đã được sử dụng để xây nên kiến trúc mới đạt chứng chỉ LEED (chứng nhận công trình sử dụng hiệu quả nước và năng lượng, thải ít khí CO2 và tận dụng tốt các nguồn tài nguyên ở địa phương). Các cửa sổ đặt trên mái nhà giúp “thu hoạch” ánh sáng mặt trời. Những người làm việc ở đây được khuyến khích di chuyển bằng xe đạp để luyện rèn sức khỏe và hạn chế sử dụng các phương tiện giao thông thải khí carbon.
4. Khách sạn Park Hotel, Hyderabad, Ấn Độ
Đây là khách sạn đầu tiên ở Ấn Độ đạt chứng chỉ LEED. Khách sạn 5 sao sang trọng này tự hào có chiến lược thiết kế riêng biệt bền vững. Mặt tiền ấn tượng với kim loại đục lỗ và dập nổi trên một hệ thống kính hiệu suất cao cho phép khuếch tán ánh sáng ban ngày ùa vào không gian nội thất, giúp tiết kiệm năng lượng chiếu sáng.
5. Trụ sở hãng Swarovski, hồ Zurich, Thụy Sỹ
Ở phía tây hồ Zurich, cách thành phố Zurich 19,5km, trụ sở làm việc của 500 nhân viên hãng chế tác pha lê Swarovski là một tòa nhà văn phòng trong suốt với kính là vật liệu thiết kế chủ đạo. Các tầng làm việc là khu vực không gian mở đến 79%. Hệ thống sưởi ấm cũng như làm mát sử dụng nguồn năng lượng từ nước hồ Zurich gần đó.
6. Tòa nhà Teri Retreat, Ấn Độ
Đây là minh chứng cho việc tận dụng tối đa các nguồn năng lượng sạch và quản lý chất thải hiệu quả. Tòa nhà được thiết kế dọc theo trục Bắc – Nam của địa cầu, nhằm tối đa hóa lượng ánh sáng có được. Một phần của tòa nhà được xây dựng ngầm dưới lòng đất để ổn định nhiệt độ bên trong. Một số cửa sổ được thiết kế trên mái nhà, nhằm hạn chế sử dụng điện vào ban ngày. Một vài loại cây sớm rụng lá được trồng ở phía nam tòa nhà để ngăn ánh nắng vào mùa hè và đón nắng vào mùa đông.
Với những thiết kế độc đáo đó đã giúp cho tòa nhà tiết kiệm được từ 10-15% lượng điện tiêu thụ hàng tháng.
7. Tòa nhà Council House 2, Australia
Tòa nhà có thể sử dụng tòa bộ nguồn năng lượng mặt trời, ánh sáng tự nhiên, không khí, nước mưa để phát điện. Trần nhà được làm từ bê tông đúc sẵn, với thiết kế lượn sóng, nhiệt độ nóng được hấp thụ lại, sau đó chuyển thành dòng điện cung cấp cho các thiết bị trong tòa nhà.
Với diện tích 48m2 pin mặt trời đã cung cấp khoảng 60% lượng nước nóng của tòa nhà, giảm lượng khí thải cacbon. Ngoài ra, các turbine gió trên mái nhà còn giúp làm sạch không khí vào ban đêm và tạo ra nguồn điện vào ban ngày.
8. Tòa nhà Green Light, Đan Mạch
Hầu hết các mặt của tòa nhà là những cửa sổ lớn với các tấm pin năng lượng mặt trời. Các tấm pin này sẽ tích lũy một lượng lớn điện năng cung cấp cho toàn bộ các thiết bị trong tòa nhà, bất kể thời tiết mưa hay nắng. Do vậy, tổng năng lượng thu được luôn cao hơn so với nhu cầu sử dụng. Nguồn điện thừa được dùng để bán cho các nhà máy điện trong khu vực để hòa vào lưới điện chung.
Ngoài ra, tòa nhà còn gắn một số linh kiện điện tử bên ngoài tường ở các hướng khác nhau. Các linh kiện này sẽ chuyển động theo hướng mặt trời và ra lệnh cho máy tính tự động đóng mở cửa sổ, vừa hấp thụ nhiệt vừa giữ cho ngôi nhà một cường độ sáng nhất định.
9. Bảo tàng của Viện Khoa học California (San Francisco, Mỹ)
Tòa nhà có bề ngoài phình ra trên mặt đất giống như một ly kem xanh khổng lồ, nhưng bên trong là một cấu trúc rất thân thiện với môi trường.
Những ngọn đồi nhấp nhô dưới những tán cây rộng đến 10.000m2, giúp cho tòa nhà hài hòa với không gian xanh của công viên Golden Gate bao quanh. Chúng cũng giúp bảo tồn năng lượng, bởi mái cách ly và thông gió cho bảo tàng ở bên dưới.
Mái nhà xanh này được lợp bằng 50.000 khay làm bằng vỏ dừa có thể phân hủy sinh học. Mỗi khay được thiết kế các lớp đặc biệt giữ cho cây không bị trượt xuống dốc mái. Bên dưới mái nhà là một bảo tàng lịch sử tự nhiên, một cung thiên văn thu nhỏ, một cánh rừng mưa với các loài chim bay tự do, một hồ cá có rặng san hô và 4.000 loài cá, nước hồ được bơm vào từ Thái Bình Dương.