ThienNhien.Net – 5 năm trở lại đây, diện tích rừng tự nhiên ở nước ta giảm đi nhanh chóng, một trong những “thủ phạm” tiếp tay cho con người thực hiện những phi vụ phá rừng chính là những chiếc cưa xăng.
Nhằm hạn chế tình trạng phá rừng diễn ra tràn lan trên địa bàn trong thời gian qua, huyện Mai Châu (Hòa Bình) đã đề xuất phương án quản lý việc sử dụng cưa xăng trái phép, và phương án này ít nhiều đã phát huy tác dụng, giúp xã Cun Pheo giảm đáng kể số vụ phá rừng.
Đưa cưa xăng vào quy chế
Có chứng kiến tận mắt thực trạng phá rừng tại các địa phương, chúng ta mới thấy sức tàn phá khủng khiếp của những chiếc cưa xăng, chúng “dã man, tàn bạo” đến mức có thể xẻ tan một khối lượng gỗ lớn vài mét khối chỉ trong một giờ đồng hồ.
Vậy mà ở nước ta hiện nay, cưa xăng có mặt ở khắp mọi nơi. Riêng tại xã Minh Tâm (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang), đích thân vị chủ tịch xã xác nhận: số cưa xăng gần tương đương với số hộ dân trong xã, vào khoảng hơn 1.000 cái.
Thử tưởng tưởng, cả nghìn chiếc cưa xăng như thế cùng “tấn công” vào rừng thì chẳng mấy chốc các khu bảo tồn có trữ lượng rừng lớn ở Hà Giang sẽ sớm hoang trụi.
Điều đáng nói là không riêng Hà Giang mà một số tỉnh Đông Bắc như Bắc Cạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang và các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên cũng đang trở thành “điểm nóng” về nạn phá rừng bằng cưa xăng.
Rừng tự nhiên của chúng ta có nhiều, cưa xăng phá rừng nhanh như vậy, sự xuất hiện của chúng có tính quyết định đến sự an nguy của rừng, tại sao chúng lại không bị quản lý, thu giữ như điều mà chúng ta đã và đang làm đối với súng? Từ những câu hỏi đặt ra như vậy, cùng mục tiêu giảm sự tác động của cưa xăng đến rừng, Hạt kiểm lâm huyện Mai Châu đã tham mưu HĐND, UBND huyện Mai Châu ban hành quy chế quản lý cưa xăng. Và quy chế này cùng được lãnh đạo, nhân dân địa phương chấp thuận.
Nói về quy chế, ông Khà Ngọc Lai, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Mai Châu cho biết: “Mai Châu có trên 80% diện tích đất lâm nghiệp, rừng tự nhiên chiếm phần lớn, cưa xăng xuất hiện nhiều nhưng chúng ta không có cơ chế gì để quản lý, thu giữ chúng khi chúng bị sử dụng trái phép. Điều này buộc chúng tôi phải tham mưu cho HĐND, UBND huyện về quy chế quản lý cưa xăng. Quy chế được ban hành vào năm 2009 và được người dân hưởng ứng, quy chế chỉ áp dụng ở Mai Châu. Trên thực tế, chúng tôi tiến hành quản lý việc sử dụng trái phép cưa xăng chứ không phải quản lý cưa xăng”.
Khó quản lý triệt để
Mặc dù nhận được sự ủng hộ từ phía chính quyền và một bộ phận người dân, song trong quá trình thực hiện, Hạt kiểm lâm huyện Mai Châu vẫn gặp không ít khó khăn.
Một cán bộ Hạt kiểm lâm Mai Châu cho biết: “Để thực hiện quy chế, trước hết phải thống kê chính xác số lượng số lượng cưa xăng trên địa bàn, sau đó yêu cầu các xã ký cam kết với người dân. Không riêng gì kiểm lâm mà cả nhân dân cũng phải tham gia, cái khó là việc này không quản lý bằng pháp luật được, chỉ bằng quy chế thôi”.
Tại một số xã thuộc huyện như Pà Cò, Hang Kia, Piềng Vế, việc quản lý cưa xăng chủ yếu vẫn dựa trên việc quản lý tại nhà theo bản cam kết, nếu khi kiểm tra không có cưa ở nhà mà mang đi vào rừng thì bị xem là vi phạm pháp luật.
Chủ tịch xã Pà Cò Sùng A Màng cho biết: “Pà Cò có 2.558 người dân, 100% là người Mông, chúng tôi triển khai công tác bảo vệ rừng từ đầu năm nhưng nhiều người dân chưa chấp hành, thứ nhất là vì lợi nhuận, thứ hai là do ý thức kém, lực lượng kiểm lâm lại mỏng. Hiện toàn bộ xã có 8 xóm đều thuộc vùng bảo vệ nghiêm ngặt của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Hang Kia – Pà Cò. Hiện nay, xã quản lý 40/60 cưa xăng theo cam kết khi hộ gia đình dùng cưa làm gì thì phải khai báo với Ủy ban nhân dân xã. Khi phát hiện nhà có cưa, chúng tôi cử người trực tiếp đến nhà ghi số máy, số khung. Đây là tài sản của nhân dân, nếu chúng tôi thu về tập thể thì khi họ có công việc cần đến lại phải làm đơn từ, rất phiền hà cho hai bên. Vì thế, đề nghi nhà nước làm mạnh như thu súng trước đây, ai lại một hôm cả chục người đến xã mượn cưa xăng để đi chặt gỗ!”.
… và điểm sáng ở Cun Pheo
Địa phương quản lý cưa xăng tốt nhất ở Mai Châu hiện nay là xã Cun Pheo. Xã dành riêng một phòng để giữ cưa, ai muốn đến lấy phải có lý do chính đáng và được trưởng thôn xác nhận. Để thực hiện được như vậy, cần một chế tài quản lý quyết liệt và đồng bộ.
Ông Hà Văn Thoan, Chủ tịch xã Cun Pheo cho biết: Xã có nhiều cưa xăng nên nguy cơ phá rừng nhiều, từ nhiều năm trước đã có người “quan tâm” đến phá rừng. Hiện cả xã có hơn 60 chiếc. Ban đầu, huyện Mai Châu triển khai trước, sau đó xã dựa vào quy chế chung để làm, trước đây thì giao cho từng hộ, từng đội sản xuất tự đóng hòm quản lý, nhưng anh em trong xóm nể nang nhau cho mượn một hai ngày, thậm chí cả tuần ko trả, dẫn đến rừng vẫn bị phá nhiều.
Sau này, xã thay đổi chủ trương, cưa xăng được quản lý tại xã, gia đình có nhu cầu phải làm đơn và có xác nhận của xóm thì xã mới xuất và xuất có thời hạn. Nếu quá ngày xin phép mà người dân vẫn không mang trả thì sẽ cho người đi kiểm tra rồi thu lại.
Năm 2012, xã làm quyết liệt nên tình trạng phá rừng giảm 70 – 80%. Tuy nhiên, một số người dân lợi dụng việc các xã khác không áp dụng chủ trương nên họ mượn cưa từ các xã khác để khai thác gỗ. Thậm chí, còn có trường hợp một hộ xin mượn cưa rồi tiện thể xẻ cho cả hàng xóm… Xã đã phải phân công cán bộ đi kiểm tra và thắt chặt quản lý nên hạn chế nhiều vụ chặt, phá rừng trái phép.
“Cưa là tài sản của họ nên họ lấy lý do để mang cưa đi. Nhưng trách nhiệm địa phương thì phải quản lý, tuyên truyền. Nếu không làm thì sau này rừng sẽ mất hết, trước đây rừng ở xã bị phá do có một số đối tượng lôi kéo người dân ở các xã khác vào khai thác, giờ quản lý được cưa xăng thì thấy giảm hẳn, tới khoảng 80%” – ông Thoan vui mừng kể.