ThienNhien.Net – Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên hiện có 221 dự án thuỷ điện đã và đang nghiên cứu, đầu tư xây dựng, trong đó có 84 dự án đã đi vào hoạt động, 50 dự án đang xây dựng và 87 dự án đang nghiên cứu đầu tư.
Việc quy hoạch, phát triển thuỷ điện ở Tây Nguyên có ý nghĩa kinh tế – xã hội lớn, không những tạo nguồn cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia mà còn điều hoà nguồn nước, tạo nguồn cấp nước cho vùng hạ du các công trình, tạo cảnh quan môi trường, góp phần phát triển du lịch, nuôi trồng thuỷ sản, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động…
Tuy vậy, các dự án thủy điện đã làm cho 25.269 hộ dân bị ảnh hưởng (trong đó có 5.617 hộ dân phải tái định cư); chiếm trên 65.239 ha đất các loại (tương đương 1,2% tổng diện tích đất tự nhiên toàn khu vực), trong đó có 452 ha đất ở, 743 ha đất trồng lúa, trên 21.819 ha đất trồng màu và các loại cây lâu năm khác. Tập quán sản xuất, sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số nhiều vùng dự án thuỷ điện bị ảnh hưởng.
Sau khi thu hồi đất để làm thuỷ điện, một số địa phương, chủ đầu tư không căn cứ vào nhu cầu sử dụng đất của đồng bào các dân tộc để bố trí mà thường căn cứ vào định mức hỗ trợ đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo Quyết định 134 của Thủ tướng Chính phủ (mức giao đất sản xuất tối thiểu mỗi hộ là 0,5 ha đất nương rẫy hoặc 0,25 ha đất ruộng lúa nước một vụ…) để cấp đất tái định canh cho các hộ bị mất đất phải di dời, phần còn lại bồi thường bằng tiền mặt.
Chỉ sau một thời gian, khi đồng bào thiếu đất sản xuất, tiêu hết tiền bồi thường thì cuộc sống lại gặp nhiều khó khăn. Một số công trình, dự án thuỷ điện đến nay vẫn chưa cấp đất tái định cư, định canh cho đồng bào khiến cuộc sống của bà con càng thêm khó khăn.
Công trình thuỷ điện Đắk R’Tih nằm trên địa bàn thôn Tân Hoà, xã Đắk R’Moan, thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) được khởi công xây dựng từ năm 2007, với diện tích 17 ha. Theo kế hoạch, cuối năm 2011 dự án hoàn thành sẽ bố trí đất tái định cư cho trên 200 hộ dân các dân tộc trong vùng bị giải toả, thu hồi.
Tuy nhiên, đến nay, khu vực triển khai dự án tái định cư trên còn bỏ hoang, trong khi đó, các hộ dân bị thu hồi đất vẫn không có đất làm nhà ở, phải thuê nhà sống nay đây mai đó…
Việc chuyển dòng để tăng hiệu suất phát điện của một số công trình thuỷ điện như: An Khê-Kanak, Đạ Nhim, Thượng Kon Tum… đã gây thiếu nước cho sản xuất, đời sống của người dân vùng hạ lưu. Một số công trình thuỷ điện như Buôn Tua Srah, Sêrêpốk 4 do chưa phối hợp tốt với địa phương xây dựng quy trình vận hành hợp lý cũng gây khó khăn cho các khu vực hạ lưu…
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đề nghị các bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương giải quyết những tồn đọng về đền bù, tái định cư nhằm sớm ổn định cuộc sống cho đồng bào các dân tộc ở các vùng bị thu hồi đất.
Ban Chỉ đạo cũng đề nghị khi triển khai các dự án kinh tế – xã hội trên địa bàn cần nghiên cứu kỹ điều kiện kinh tế, xã hội, nhu cầu sử dụng đất của dân bị thu hồi đất để có giải pháp bồi thường phù hợp, không để người dân thiếu đất sản xuất, đất ở; đồng thời, phải kết hợp chặt chẽ với việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm (kể cả xuất khẩu lao động) cho đồng bào.
Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cũng kiến nghị các ngành chức năng sớm ban hành quy định về dòng chảy tối thiểu hạ lưu trong mùa kiệt nước làm căn cứ kiểm soát việc vận hành, xả nước của các nhà máy thuỷ điện; quy hoạch sử dụng nguồn nước hạ lưu các hồ chức thuỷ điện làm cắn cứ để điều tiết việc xả nước phục vụ sản xuất và đời sống đồng bào các dân tộc…