Xung quanh việc khai thác cao lanh trái phép tại Lâm Đồng

ThienNhien.Net – Thời gian gần đây, báo chí thông tin nhiều về việc khai thác cao lanh trái phép tại TP. Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng). Bộ TN&MT đã có văn bản yêu cầu các đơn vị chức năng của Bộ kiểm tra và làm rõ.

Qua thực tế kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản tại TP. Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm cho thấy, có 3 khu vực đã được Bộ TN&MT cấp giấy phép thăm dò khoáng sản cao lanh cho các tổ chức, cá nhân.

Hiện có 2/3 khu vực đã được cấp phép khai thác, 1/3 khu vực đang được doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ đề nghị Bộ TN&MT cấp phép khai thác theo quy định.

Tại khu vực này, UBND tỉnh đã cấp tổng số 14 giấy phép khai thác khoáng sản. Trong đó, 9 giấy phép khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường, cát xây dựng, cát xây dựng và sét, 5 giấy phép khai thác tận thu khoáng sản là diatomit, cao lanh, cát.

Qua kiểm tra, có 14 giấy phép do UBND tỉnh Lâm Đồng cấp chưa đúng quy định của pháp luật về khoáng sản. Hoạt động khai thác còn nhiều hạn chế như: Khai thác không có thiết kế mỏ; không đo vẽ, lập bản đồ hiện trạng định kỳ, không giám sát, quan trắc môi trường định kỳ, khống có giấy phép sử dụng nguồn nước trong khai thác khoáng sản cũng như giấy phép xả nước thải vào nguồn nước theo quy định, do không có thiết kế đổ thải nên hầu hết các mỏ đều đổ thải xuống chân đồi, dòng suối, nước chảy tràn lan gây ô nhiễm dòng nước, gây sạt lở, vùi lấp một số diện tích đất của nhân dân địa phương.

Khi kiểm tra thực tế còn phát hiện có 13 khu vực, tổng diện tích gần 17 ha đang khai thác mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tất cả các khu vực khai thác trái phép đều sử dụng thiết bị cơ giới để khai thác.

Tình trạng này đã kéo dài từ nhiều năm qua, cơ nơi mới diễn ra vài tháng gần đây nhưng chưa được giải tỏa và ngăn chặn có hiệu quả.

Các khu vực bị khai thác trái phép có độ sâu từ vài mét đến vài chục mét, địa hình bị chia cắt nham nhỏ, đất sét bùn thải trong quá trình khai thác đổ bừa bãi làm hủy hoại bề mặt địa hình và thảm thực vật trên mặt đất, một số nơi đã thành “cánh đồng chết” và làm ô nhiễm dòng nước, gây sạt lở, vùi lấp đất vườn của dân… gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, làm thất thu ngân sách nhà nước.

Như vậy, thực tế việc khai thác cao lanh có phép và trái phép tại các khu vực trên đã gây ô nhiễm môi trường khá nghiêm trọng do đổ thải bừa bãi, không có quy hoạch làm biến dạng địa hình và hủy hoại đất sản xuất.

Hoạt động khai thác cao lanh tại Bảo Lộc, Lâm Đồng  (Ảnh: ThienNhien.Net)
Đồi núi nham nhở vì hoạt động khai thác cao lanh trái phép tại Bảo Lộc, Lâm Đồng (Ảnh: ThienNhien.Net)

Để giải quyết thực trạng này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có các văn bản chỉ đạo UBND thành phố Bảo Lộc và các sở, ban, ngành của tỉnh tăng cường công tác quản lý, xử lý đối với các đơn vị khai thác gây ô nhiễm môi trường, giải tỏa hoạt động khai thác khoáng sản trái phép.

Hằng năm, thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra hoạt động khai thác của các tổ chức, cá nhân, tổ chức giải tỏa các điểm khai thác trái phép.

UBND tỉnh Lâm Đồng cũng đã có Quyết định số 1527/QĐ-UBND công bố khu vực cao lanh thôn 1 xã Lộc Châu, TP. Bảo Lộc thuộc khu vực hạn chế hoạt động khoáng sản.

Tuy nhiên, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, đặc biệt là công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác còn thấp, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ở khu vực TP. Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm diễn ra khá phổ biến, công khai và kéo dài từ mấy năm trở lại đây nhưng chưa được xử lý dứt điểm.

Nguyên nhân chủ yếu do công tác thanh tra, kiểm tra hiệu quả thấp, chưa xử lý kiên quyết đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, an toàn lao động và BVMT, các cấp chính quyền địa phương, nhất là cấp xã chưa thực sự kiên quyết trong việc giải tỏa lực lượng khai thác khoáng sản trái phép, chưa làm rõ trách nhiệm của chính quyền huyện, xã, chưa có hình thức xử lý thích đáng.

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản và lập lại trật tự trong khai thác khoáng sản tại khu vực này, Bộ TN&MT giao Thanh tra Bộ chủ trì tiến hành thanh tra toàn diện công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản và BVMT, thanh tra hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lảm Đồng.

Trong đó, tập trung đối với công tác thẩm định, cấp phép hoạt động khoáng sản, nhất là đối với cấp phép khai thác khoáng sản khu vực TP. Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, kiên quyết xử lý, đề nghị thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiệm trọng quy định của pháp luật khoáng sản, BVMT trong khai thác khoáng sản.

Tổng cục ĐC&KS cũng đề nghị Bộ cho phép bổ sung nhiệm vụ điều tra đánh giá cao lanh, cát xây dựng và khoáng sản đi kèm (sét diatomit. sét bentonit, than nâu…) tại khu vực nêu trên và Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến nâm 2030, triển khai thực hiện nhiệm vụ này ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch.

Trong khi chưa có kết quả điều tra, đánh giá khoáng sản thì xem xét việc khoanh định và công bố các khu vực có khoáng sản tại khu vực nêu trên là khu vực có khoáng sản phân tán nhỏ lẻ.

UBND tỉnh Lâm Đồng cần chỉ đạo các sở, ngành có liên quan tiến hành giải tỏa lực lượng khai thác khoáng sản trái phép, tiến hành kiểm tra và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân cũng như chính quyền địa phương các cấp để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, sở TN&MT tỉnh phối hợp kiểm tra toàn diện hoạt động khai thác, tuyển, làm giàu khoáng sản tại 14 khu vực do UBND tỉnh đã cấp phép.

Đối với các đơn vị vi phạm cần xử lý nghiêm, có thể phải thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản và đình chỉ hoạt động đối với tổ chức, cá nhân gây thất thoát lớn tài nguyên khoáng sản, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, gây thiệt hại đối với hoa màu, cây trồng và đất đai của nhân dân.

Không cấp mới giấy phép khai thác khoáng sản, không gia hạn đối với các giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, giấy phép khai thác tận thu đã cấp tại các khu vực trên, thu hồi 5 giấy phép khai thác tận thu khoáng sản đã cấp nhưng chưa đúng quy định của pháp luật.