Ngưng xây dựng cảng Kê Gà

ThienNhien.Net – Ngày 18/2, tại cuộc làm việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chính thức tuyên bố ngưng không xây dựng cảng Kê Gà tại xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận.

Như vậy, sau gần năm năm với bốn lần tuyên bố khởi công rồi dừng lại, dự án cảng Kê Gà (do Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam – Vinacomin làm chủ đầu tư) đã chính thức bị ngưng.

Một trong những nguyên nhân khiến dự án không thể triển khai là Vinacomin đang nợ đầm đìa (khoảng 71.000 tỉ đồng), trong khi tổng vốn đầu tư dự án này lên đến 20.000 tỉ đồng.

Về mặt kỹ thuật, đây là vùng biển hiểm trở khó có thể xây dựng cảng nước sâu.

Cuối thế kỷ XIX, người Pháp đã xây dựng hải đăng tại khu vực này nhằm giúp tàu bè kịp đổi hướng tránh đá ngầm nguy hiểm.

Theo tính toán, nếu thực hiện dự án, Vinacomin phải bỏ ra 4.000 tỉ đồng để xây đê chắn sóng dài 3 km hướng ra biển, cách ngọn hải đăng Kê Gà khoảng 2,3 km.

Một khu resort cao cấp ở mũi Kê Gà trị giá hàng trăm tỉ đồng, vì dự án cảng đã buộc phải bỏ hoang nhiều năm nay (Ảnh: Dân Trí)
Một khu resort cao cấp ở mũi Kê Gà trị giá hàng trăm tỉ đồng, vì dự án cảng đã buộc phải bỏ hoang nhiều năm nay (Ảnh: Dân Trí)

Có chứng kiến hàng chục resort, biệt thự tiền tỉ trên con đường ven biển dẫn đến ngọn hải đăng Kê Gà bị bỏ hoang mới thấy sự lãng phí khủng khiếp mà dự án cảng Kê Gà để lại.

Ông Nguyễn Đức Hiếu, chủ resort Thế Giới Xanh, cho biết rất phấn khởi khi nghe tuyên bố của Thủ tướng.

Theo ông Hiếu, resort của ông được đầu tư hàng ngàn cây vàng, vừa khai trương đón khách thì năm 2007 phải dừng vô thời hạn.

“Do resort bị ngưng hoạt động, làm ăn thất bại nên tôi đổ bệnh, hiện vẫn ngồi xe lăn. Bây giờ tôi phải kêu ai để được bồi thường nhằm sửa chữa lại biệt thự, hồ bơi gần năm năm qua đã sập đổ hết?” – ông Hiếu đặt vấn đề.

Trong khi đó, ông Vũ Chí Công, chủ resort Đức Hạnh, cho biết sẽ tiếp tục đầu tư dự án còn dang dở của mình. Nhưng trước tiên, UBND tỉnh Bình Thuận cần sớm hủy bỏ các quyết định thu hồi đất trước đây.

“Gần năm năm qua, tôi gõ cửa khắp nơi để khiếu nại về dự án cảng Kê Gà vì hoàn toàn không khả thi về mặt kỹ thuật, thiếu tính toán khiến các doanh nghiệp lao đao. Bây giờ tôi chỉ mong được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp tục đầu tư” – ông Công bày tỏ.

Được biết tại buổi làm việc ngày 18/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao chủ đầu tư cùng các bộ, ngành liên quan phối hợp với UBND tỉnh Bình Thuận giải quyết thiệt hại cho 12 nhà đầu tư du lịch bị thu hồi đất làm dự án cảng Kê Gà.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 20/2, ông Trần Văn Chiều, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam – TKV cho biết, việc xây cảng nước sâu tại Kê Gà trong thời điểm hiện nay là không phù hợp về kỹ thuật, không hiệu quả về kinh tế.

Ông Chiều cũng cho biết thêm TKV đang cân nhắc một trong các vị trí mới để xây cảng trên tại khu vực cảng Vĩnh Tân để tiết kiệm được chi phí đầu tư.

Được biết, cảng Vĩnh Tân cách Kê Gà gần 120 km.

Theo ông Chiều, tổng vốn đầu tư của dự án xây dựng cảng Kê Gà giai đoạn đầu khoảng 8.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn về kinh tế chung như hiện nay thì việc xây cảng tại khu vực Kê Gà đã không hợp lý cả về kinh tế lẫn kỹ thuật, lãng phí tài sản.

Qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online ngày 20/2, một nguồn tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết TKV đã “chấm” một số điểm khác thay thế vị trí Kê Gà để xây cảng, trong đó có việc mở rộng cảng Vĩnh Tân để vận chuyển xuất khẩu alumin, đồng thời cảng này cũng tiếp nhận than cho nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân.

Với việc chọn phương án mở rộng cảng Vĩnh Tân, TKV sẽ không bỏ tiền đầu tư làm đường sắt, đường nội bộ vận chuyển alumin, xây kè chắn sóng với số tiền gần 4.000 tỉ đồng … như tại khu vực Kê Gà nhưng chỉ phục vụ “một chiều” cho xuất khẩu alumin.

Sau khi tính toán lại các chỉ số về cự ly, chi phí vận chuyển, sản lượng hàng qua cảng, chi phí nạo vét cảng hàng năm, tuyển dụng công nhân … thì TKV thiên về phương án chọn việc mở rộng Cảng Vĩnh Tân để kết hợp vận chuyển alumin bên cạnh nhập khẩu than cho nhiệt điện.

Nguồn tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thì vị trí cảng Kê Gà vẫn còn đó. UBND tỉnh sẽ chờ Thủ tướng Chính phủ có văn bản quyết định cuối cùng về việc ngưng xây cảng Kê Gà, sau đó tỉnh sẽ mời các chủ đầu tư các dự án resort bị ảnh hưởng bởi dự án cảng lên thông báo hướng giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi cho các chủ đầu tư các dự án resort.

Theo tính toán trước đây của TKV, tổng vốn đầu tư cả 3 giai đoạn dự án cảng Kê Gà tăng lên khoảng 20.000 tỉ đồng (khoảng 1 tỉ đô la Mỹ), tăng khá nhiều so với dự kiến vốn ban đầu khoảng 700 triệu đô la Mỹ. 

Riêng giai đoạn 1 có vốn đầu tư khoảng 4.100 tỉ đồng. Công suất bốc dỡ giai đoạn 1 sau 2 năm xây dựng sẽ đạt 3,5 triệu tấn/năm, gồm 3 bến cảng như bến xuất, bến nhập hàng hóa và một bến dành để bốc dỡ xuất khẩu alumin, các tuyến kè và một phần đê chắn sóng. Dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn tất cả 3 giai đoạn xây dựng với tổng công suất bốc dỡ được nâng lên khoảng 35 triệu tấn/năm.

Do sức ép phải có cảng nước sâu để xuất khẩu alumin khai thác tại Tây Nguyên, đầu năm 2010, lãnh đạo của TKV cũng đã nhiều lần khẳng định với báo giới sẽ khởi công dự án năm 2010, tuy nhiên không thể khởi công do còn phụ thuộc khá nhiều vào tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng 12 dự án du lịch trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

Theo Văn Nam/Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, 20/02/2013