ThienNhien.Net – Diện tích đất ngập mặn vùng đầm phá ven biển Thừa Thiên-Huế có diện tích rất lớn, nhưng hiện tại chỉ còn chưa đầy 8ha rừng ngập mặn, chủ yếu là vùng rú chá Hương Phong (huyện Hương Trà); Cảnh Dương và đầm Lập An, Lăng Cô (huyện Phú Lộc), Tân Mỹ (huyện Phú Vang).
Do diện tích rừng ngập mặn còn lại ít nên việc trồng rừng ngập mặn để tái tạo và phục hồi, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo tồn đa dạng sinh học vùng đầm phá ven biển rất được tỉnh chú trọng.
Ông Phạm Ngọc Dũng – cán bộ của Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết để phục hồi và tái tạo thêm diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn, Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh đã tiến hành trồng thử nghiệm nhiều loài cây ngập mặn khác nhau như sú vẹt đước, mắm…
Hội đã tiến hành trồng 0,5ha cây ngập mặn tập trung tại đầm Lập An huyện Phú Lộc và trồng 500 cây ngập mặn phân tán tại khu vực Tân Mỹ.
Kết quả sau 1 năm trồng thử nghiệm, các diện tích trồng cây ngập mặn phát triển khá tốt, mở ra một cơ hội cho việc phục hồi lại những diện tích rừng ngập mặn đã mất trên địa bàn.
Hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp tỉnh còn khuyến cáo các địa phương nên trồng phục hồi thảm thực vật ngập mặn đầm Lập An bằng các loài đước vòi, vẹt khang và mắm quăn. Riêng trong các ao nuôi thủy sản nên trồng cây ngập mặn đước vòi và vẹt khang để xây dựng mô hình ao nuôi sinh thái.
Mới đây, Quỹ quốc tế bảo vệ động vật hoang dã (WWF) đã tài trợ với kinh phí trên 711 triệu đồng, thực hiện trong 2 năm từ tháng 8/2012-7/2014 xây dựng vườn ươm cây giống phục vụ việc trồng rừng ngập mặn trên địa bàn.
Sở dĩ tập trung cho việc nhân giống vì cây ngập mặn cần phải gieo đúng theo mùa và có biện pháp chăm sóc tốt thì mới cho hiệu quả cao.
Tại Cồn Tè, xã Hương Phong (thị xã Hương Trà) đã tiến hành ươm thành công 16.000 cây các loại như đước vòi, vẹt khang, sú, bần, mắm trên diện tích 300m2. Đây là những cây giống trồng tập trung để phát triển thêm diện tích rú chá và trồng tại các tuyến đê bao ngăn mặn, đường giao thông xung yếu các vùng đất ngập mặn trên địa bàn.
Qua hơn 5 tháng triển khai gieo ươm, hiện nay vườn ươm cây giống ngập mặn các loại phát triển rất tốt, tỷ lệ cây sống đạt khá cao. Số cây giống này dự tính sẽ trồng trên diện tích khoảng 20ha; trong đó có 11.000 cây tập trung để phát triển thêm diện tích rú chá; còn lại là trồng cây phân tán để bảo vệ các tuyến đê bao ngăn mặn, đường giao thông xung yếu, các vùng đất dễ bị xói lở và trồng từ 5-7ha ao nuôi thủy sản kết hợp với môi trường sinh thái…
Nhận thức của người dân ngày càng được nâng cao thông qua các lớp tập huấn trang bị kỹ năng truyền thông về biến đổi khí hậu. Trong tháng 1/2013, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phối hợp với các địa phương trong vùng giới thiệu cho 30 học viên những nội dung cơ bản về lý thuyết, kỹ năng và phương pháp truyền thông về biến đổi khí hậu. Đây cũng là nội dung nhằm nâng cao năng lực cộng đồng để ứng phó với biến đổi khí hậu, hỗ trợ người dân sử dụng năng lượng tái tạo, cải thiện sinh kế.
Hình thành các đai rừng ngập mặn trồng dọc theo bờ phá Tam Giang sẽ là nơi nuôi dưỡng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản trước những bất lợi của thời tiết, đồng thời cung cấp thức ăn cho nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế. Các bãi giống, bãi đẻ tự nhiên cho các loài thủy sản sẽ được hình thành từ đây.
Ngoài ra, những hàng cây ngập mặn trồng trên bờ các ao nuôi trồng thủy sản có vai trò rất lớn trong việc điều hòa nhiệt độ, độ mặn của nước trong ao, xử lý các chất phế thải, nguyên nhân chính làm ô nhiễm môi trường nuôi.