ThienNhien.Net – Sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, hệ thống các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu kinh tế ven biển, khu kinh tế cửa khẩu đã có những đóng góp quan trọng trong công cuộc phát triển của đất nước. Tuy nhiên, nhiều khu công nghiệp hiện đang phải đối mặt với không ít vấn đề môi trường cần phải giải quyết. Và để khắc phục thực trạng này, các địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, đầu tư, chính sách, và môi trường.
Những con số đáng ghi nhận
Khởi nguồn từ năm 1991 với việc thành lập khu chế xuất Tân Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, đến nay, cả nước có 283 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 80.000 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt gần 52.000 ha, chiếm khoảng 65% tổng diện tích; 178 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tổng diện tích trên 47.300 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 65%; các khu công nghiệp còn lại đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản.
Các khu công nghiệp được phân bố trên 58 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu ở vùng Đông Nam Bộ với 93 khu công nghiệp (chiếm 33% về số lượng và 43% về tổng diện tích), vùng Đồng bằng sông Hồng (chiếm 25% về số lượng và 20% tổng diện tích).
Lũy kế đến cuối tháng 11/2012, các khu công nghiệp trong cả nước đã thu hút được 4.323 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 64,8 tỷ USD, tổng vốn đầu tư đã thực hiện đạt hơn 32,7 tỷ USD, bằng 51% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Hiện đã có hơn 3.150 dự án đang sản xuất kinh doanh, 450 dự án đang trong quá trình đầu tư xây dựng cơ bản, các dự án còn lại đang tiến hành các thủ tục cần thiết để chuẩn bị đầu tư; đã thu hút được 4.847 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký hơn 442.385 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện đạt 228.100 tỷ đồng, chiếm hơn 50% tổng vốn đăng ký.
Trong số các khu công nghiệp được thành lập, có khoảng 118 khu công nghiệp đã có nhà máy xử lý nước thải tập trung, chiếm hơn 65% tổng số khu công nghiệp đang hoạt động, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2011. Hơn 30 khu công nghiệp hiện đang trong giai đoạn xây dựng công trình xử lý nước thải tập trung.
Như vậy, so với những năm đầu của kế hoạch 5 năm (2006-2010) xây dựng và phát triển khu công nghiệp, tỷ lệ các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có công trình xử lý nước thải tập trung đi vào vận hành đã tăng lên đáng kể, gần 35% so với tỷ lệ năm 2006.
Nhìn chung, công suất xử lý nước thải của các nhà máy xử lý nước thải tập trung trong các khu công nghiệp đã đáp ứng được tổng nguồn nước thải của các doanh nghiệp; chất lượng các nhà máy xử lý nước thải ngày càng được nâng cao; công tác xử lý chất thải tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã từng bước đi vào nền nếp và có những chuyển biến tích cực.
Trong công tác xử lý khí thải, do được quan tâm, đánh giá, xem xét ngay từ giai đoạn lập dự án nên nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất đã thực hiện đầu tư xây dựng hệ thống xử lý khí thải. Một số ngành nghề có mức độ xả khí thải cao như sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí… cũng đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa. Do đó, ô nhiễm khí thải, tiếng ồn tại các khu công nghiệp phần nào được hạn chế.
Song song với các hoạt động trên, việc thực hiện các quy định về xử lý chất thải rắn được hầu hết các doanh nghiệp nghiêm túc chấp hành. Đa số các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất đã có biện pháp phân loại và lưu giữ tạm thời trước khi thu gom đến nơi xử lý. Một số khu công nghiệp, khu chế xuất đã tổ chức thu gom, xử lý chất thải tập trung. Do vậy, về cơ bản, việc thu gom, xử lý chất thải rắn được đảm bảo.
… và bức tranh xám màu
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo vệ môi trường khu công nghiệp còn bộc lộ một số tồn tại và hạn chế cần khắc phục như chất lượng quy hoạch chưa tốt, hiệu quả sử dụng đất chưa cao, đời sống vật chất và tinh thần của công nhân còn thấp…, đặc biệt là vấn đề về ô nhiễm môi trường.
Đa số các khu công nghiệp, khu chế xuất hiện nay đều phát triển sản xuất đa ngành, đa lĩnh vực nên phát thải nhiều loại nước thải khác nhau. Việc gom và xử lý chung là tương đối khó khăn. Mặc dù số lượng các nhà máy xử lý nước thải tập trung đã tăng lên nhưng theo báo cáo của các ban quản lý các khu công nghiệp, tại khu vực xung quanh khu công nghiệp, khu chế xuất ở một số địa phương, một số tiêu chuẩn nước thải vượt quá quy định cho phép.
Nguyên nhân do việc vận hành và kiểm tra vận hành nhà máy xử lý nước thải chưa có quy định rõ ràng cũng như chưa có chế tài xử phạt có tính răn đe cao nên một số khu công nghiệp không vận hành các trạm xử lý nước thải liên tục.
Điều đáng nói là một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất không thực hiện đăng ký nguồn thải theo quy định, có doanh nghiệp tự lưu giữ chất thải, gây ô nhiễm cục bộ. Tại một số địa phương, vẫn chưa có doanh nghiệp thu gom, xử lý chất thải nguy hại cho doanh nghiệp thứ cấp trong khu công nghiệp, khu chế xuất nên chất thải nguy hại không được quản lý, xử lý theo quy định, nảy sinh nguy cơ về ô nhiễm môi trường.
Về xử lý khí thải, mặc dù các doanh nghiệp đã có ý thức thực hiện nhưng trang thiết bị phục vụ công tác này chủ yếu còn sơ sài, đơn giản, chưa giảm thiểu triệt để ảnh hưởng của khí thải gây ra đối với môi trường xung quanh. Chất lượng môi trường không khí tại các khu công nghiệp, đặt biệt là các khu công nghiệp được thành lập trên cơ sở các doanh nghiệp cũ có sẵn với công nghệ sản xuất lạc hậu hoặc chưa được đầu tư hệ thống xử lý khí thải, đang bị suy giảm.
Trong công tác xử lý chất thải rắn, tại một số khu công nghiệp, khu chế xuất chưa có nơi tập kết chất thải rắn vì vậy gây khó khăn trong việc thu gom, xử lý. Một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất tự lưu giữ và xử lý không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.
Tại nhiều địa phương, việc thực hiện ủy quyền cho Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế trong quản lý môi trường chưa triệt để. Do vậy, nảy sinh một số vấn đề như: cơ quan này cấp phép về môi trường trong khi cơ quan khác là đơn vị kiểm tra (ví dụ: việc cấp cam kết bảo vệ môi trường do UBND huyện cấp, Ban quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế kiểm tra việc thực hiện cam kết) hoặc việc thanh, kiểm tra về môi trường chồng chéo, không hiệu quả…
Thêm điểm cần lưu ý là ý thức bảo vệ môi trường của nhiều doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế chưa được tốt, việc đầu tư cho công tác môi trường thường làm phát sinh thêm chi phí nên ít thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp.
Giải pháp đề xuất
Nhằm đảm bảo hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, các địa phương cần thực hiện giải pháp đồng bộ về quy hoạch, đầu tư, chính sách, môi trường.
Cụ thể, trong công tác quy hoạch, cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp để đảm bảo các quy hoạch khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế đồng bộ, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội; quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất; cần xem xét lại mối quan hệ qua lại giữa quy hoạch phát triển khu công nghiệp tại mỗi vùng kinh tế với quy hoạch của các ngành kinh tế-xã hội khác trong vùng; quy hoạch phát triển khu công nghiệp tại mỗi vùng cần phù hợp với điều kiện tài nguyên, đặc điểm kinh tế – xã hội, triển vọng thị trường.
Quá trình lập quy hoạch phải tính tới các tác nhân gây ô nhiễm môi trường và đề xuất các giải pháp giảm thiểu và bảo vệ môi trường. Việc thành lập và phát triển khu công nghiệp phải đảm bảo tuân thủ đúng với quy hoạch đã được phê duyệt.
Về thu hút đầu tư, các địa phương nên khuyến khích theo hướng ưu tiên những ngành công nghiệp sạch, ít ô nhiễm, đảm bảo cơ cấu ngành nghề phù hợp với khả năng và thực tế giải quyết ô nhiễm của địa phương; thu hút có trọng điểm để phát triển các ngành kinh tế chủ lực cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong bố trí nhà máy, xây dựng phương án bảo vệ môi trường.
Về cơ chế, chính sách, cần rà soát và tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc phân cấp quản lý môi trường theo hướng đẩy mạnh việc phân cấp, giao quyền và trách nhiệm trực tiếp về công tác bảo vệ môi trường cho các ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế.
Các ban quản lý phải được trao đầy đủ thẩm quyền và trách nhiệm liên quan đến bảo vệ môi trường trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.
Ngoài ra, các văn bản cần phân định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư khu công nghiệp với các doanh nghiệp thứ cấp đầu tư trong khu công nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường. Xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng trong khu công nghiệp. Nghiên cứu phát triển mô hình khu công nghiệp thân thiện với môi trường, trước hết là thí điểm sau đó nhân rộng ra toàn quốc.
Về phân cấp và phân công trách nhiệm rõ ràng, cụ thể theo hướng tổ chức quản lý tập trung, Ban quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế cần được ủy ban nhân dân các cấp (tỉnh và huyện), Bộ TN&MT và các bộ, ngành khác có liên quan ủy quyền để trở thành một chủ thể đầy đủ, có quyền và chịu trách nhiệm trong việc thực hiện quản lý môi trường bên trong khu công nghiệp và triển khi các quy định bảo vệ môi trường liên quan.
Bổ sung thanh tra Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế vào hệ thống thanh tra nhà nước để tạo điều kiện cho các Ban quản lý thực hiện tốt chức năng, giám sát thi hành pháp luật về môi trường trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.
Thời gian tới, phải có biện pháp để nâng cao năng lực quản lý về môi trường cho các Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế cả về nhân lực và trang thiết bị để tạo điều kiện cho các Ban quản lý chủ động hơn trong thực hiện nhiệm vụ về bảo vệ môi trường khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế.
Chủ đầu tư khu công nghiệp chịu trách nhiệm thực hiện đầy đủ các cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của khu công nghiệp; xây dựng và hoàn thiện các hệ thống xử lý nước thải tập trung, các hạng mục này cần được thiết kế đúng và phù hợp điểu kiện thực tế, xây dựng và lắp đặt đúng thiết kế, duy trì hoạt động ổn định và hiệu quả trong suốt quá trình hoạt động của khu công nghiệp; tham gia ứng phó các sự cố môi trường trong khu công nghiệp.
Chủ đầu tư khu công nghiệp cần bố trí địa điểm và xây dựng các khu vực lưu giữ tạm thời và trung chuyển các chất thải rắn, chất thải nguy hại từ các doanh nghiệp trong khu công nghiệp.
Tất cả các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có nước thải phải xử lý sơ bộ đạt tiêu chuẩn đầu vào của hệ thống xử lý nước thải tập trung trước khi thải vào hệ thống thu gom nước thải của khu công nghiệp, trường hợp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì từng doanh nghiệp phải xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn cho phép trước khai thải ra ngoài.
Các doanh nghiệp có phát sinh khí thải phải có hệ thống xử lý khí thải đạt quy chuẩn Việt Nam trước khi xả thải. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp có phát sinh chất thải nguy hại phải có hợp đồng với các đơn vị có chức năng và đủ năng lực để thu gom và xử lý đúng cách.
Về pháp luật môi trường, cần rà soát, bổ sung và tiếp tục điều chỉnh hệ thống văn bản pháp luật về môi trường, trong đó hướng dẫn cụ thể, quy định rõ các nhiệm vụ cần thực hiện trong công tác bảo vệ môi trường cho các cơ quan quản lý nhà nước; ban hành, cập nhật các tiêu chuẩn môi trường cho phù hợp với thực tế.
Đối với các công trình xử lý chất thải của doanh nghiệp, cần quy định rõ về tiêu chuẩn, chế độ vận hành để thống nhất thực hiện, đảm bảo được chất lượng của các công trình, nhất là đối với nhà máy xử lý nước thải tập trung của các khu công nghiệp, khắc phục tình trạng vận hành không thường xuyên, công nghệ chưa phù hợp như hiện nay; hướng dẫn quản lý vận hành các trạm xử lý nước thải tập trung.
Về đầu tư vốn, tiếp tục huy động tổng hợp các nguồn vốn đầu tư các công trình môi trường của khu công nghiệp, bao gồm: vốn doanh nghiệp phát triển hạ tầng, vốn tín dụng từ các tổ chức tín dụng (kể cả Quỹ Môi trường – Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), vốn ODA, vốn từ ngân sách nhà nước, trong đó vốn doanh nghiệp phát triển hạ tầng là chủ yếu.
Bên cạnh đó, cần ban hành cơ chế, chính sách để tạo cơ sở cho việc hỗ trợ về tài chính, ưu đãi đầu tư đối với việc đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung các khu công nghiệp, khu chế xuất quy định tại Quyết định 43/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, cần xem xét huy động, bố trí nguồn vốn với quy mô thích hợp để thực hiện tín dụng ưu đãi cho đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Song song với các giải pháp nêu trên, các địa phương cần tăng cường thanh, kiểm tra việc thi hành pháp luật về môi trường trong các khu công nghiệp, đồng thời xem xét điều chỉnh các chế tài để đảm bảo tính răn đe đối với hành vi vi phạm pháp luật về môi trường.
Đối với việc đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung, cần có những chế tài có tính bắt buộc đối với doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất. Chẳng hạn như coi việc xây dựng công trình xử lý chất thải tập trung là một trong những điều kiện khi thực hiện các ưu đãi về thuế, đất đai… cho chủ đầu tư cơ sở hạ tầng khu công nghiệp và cũng xem đây là điều kiện để cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.
Chủ động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường cho các doanh nghiệp phát triển hạ tầng khu công nghiệp cũng như các doanh nghiệp thứ cấp để giúp các doanh nghiệp ý thức rõ ràng và đầy đủ trách nhiệm của mình đối với vấn đề bảo vệ môi trường trong và ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế; tăng cường sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường các khu công nghiệp; khuyến khích xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường.
Đẩy mạnh việc hoạt động thi đua khen thưởng trong công tác bảo vệ môi trường khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, động viên kịp thời các doanh nghiệp, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế thực hiện tốt công.
Lê Thành Quân, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư