Giảm ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp

ThienNhien.Net – Ô nhiễm môi trường do nguồn nước, không khí, chất thải rắn tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) ở nước ta là một trong những tác nhân làm suy thoái môi trường và đe dọa trực tiếp đến các thành quả về phát triển kinh tế – xã hội, cũng như tác động trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

Nhằm từng bước khắc phục tình trạng trên, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cần phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các doanh nghiệp, chính quyền, các tổ chức xã hội, cộng đồng trong lĩnh vực này.

Kỹ sư Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê (Quảng Ninh) vận hành hệ thống xử lý nước thải (Ảnh: Quanh Minh)
Kỹ sư Nhà máy nhiệt điện Mạo Khê (Quảng Ninh) vận hành hệ thống xử lý nước thải (Ảnh: Quanh Minh/Nhân dân)

Tính đến tháng 9 năm 2012, cả nước đã có 283 KCN, khu chế xuất được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 80 nghìn ha trên phạm vi 58 tỉnh, thành phố, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê đạt gần 52 nghìn ha, chiếm 65% tổng diện tích đất tự nhiên.

Ngoài ra, còn có khoảng 878 CCN do địa phương thành lập. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác quy hoạch các KCN, CCN hiện tại không tuân theo quy hoạch thống nhất, một số nơi thiếu cơ sở khoa học do chưa được giải quyết đồng bộ giữa đầu tư cơ sở hạ tầng và bảo vệ môi trường (BVMT).

Nhiều KCN vừa thu hút đầu tư, vừa xây dựng cơ sở hạ tầng không tuân thủ thiết kế dự án đầu tư dẫn đến không xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung, cũng như việc đầu tư cho hệ thống thoát nước còn manh mún, chắp vá, không hiệu quả.

Hầu hết các địa phương đều có KCN riêng với các chức năng giống nhau, tạo ra sự cạnh tranh không cần thiết, nhất là tình trạng nhiều KCN giảm mức đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật bao gồm hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung, việc lựa chọn địa điểm cho KCN thường không tuân thủ theo những quy định liên quan.

Quy trình thiết kế và thực hiện các quy hoạch phát triển công nghiệp có nhiều đơn vị cùng tham gia, nhưng lại thiếu sự điều phối chung và chịu trách nhiệm đến cùng.

Báo cáo môi trường quốc gia năm 2009 đã đưa ra một số thí dụ điển hình của quy hoạch KCN thiếu hợp lý, thiếu cơ sở khoa học như tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, đây là những dẫn chứng của việc quy hoạch KCN theo kiểu phân tán, tạo thành vành đai công nghiệp bao vây tứ phía thành phố.

Hậu quả là khó giải quyết các vấn đề BVMT trong tương lai, hiệu quả kinh tế của các KCN lại không cao. Hay như quy hoạch KCN trên lưu vực sông Thị Vải đã không thực hiện một cách khoa học, thiếu đánh giá về môi trường chiến lược cho toàn lưu vực khi xây dựng chính sách, chính vì vậy các KCN ở đây đã gây ô nhiễm môi trường cho sông Thị Vải.

Ô nhiễm môi trường ở các KCN, CCN ở nước ta hiện nay, chủ yếu là do sự ô nhiễm từ môi trường nước, không khí, từ chất thải rắn là chủ yếu. Ô nhiễm môi trường nước do nước thải từ KCN trong những năm gần đây là rất lớn, tốc độ gia tăng này cao hơn rất nhiều so với tổng nước thải từ các lĩnh vực khác.

Riêng tại khu vực Ðông Nam Bộ, lượng nước thải từ các KCN, chiếm đến 49% lượng nước thải của các KCN trong toàn quốc. Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỷ lệ các KCN có trạm xử lý nước thải tập trung chỉ chiếm 66%, nhiều KCN đã đi vào hoạt động mà hoàn toàn chưa triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải cục bộ hoặc có nhưng không vận hành, hay vận hành không hiệu quả hoặc xuống cấp.

Trong khi đó, theo ước tính có khoảng 70% trong tổng số hơn một triệu mét khối nước thải ngày, đêm phát sinh từ các KCN được xả thẳng ra nguồn tiếp nhận mà không qua xử lý.

Ô nhiễm môi trường, không khí, thường chủ yếu tập trung tại các KCN cũ, do các KCN này đang sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu hoặc chưa được đầu tư hệ thống xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường. Ô nhiễm không khí tại các KCN chủ yếu là bụi, một số KCN có biểu hiện ô nhiễm CO2, SO2 và tiếng ồn.

Trong khi đó tại các KCN mới, do được đầu tư công nghệ hiện đại, hệ thống xử lý khí thải đồng bộ trước khi xả thải ra môi trường, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại các KCN này đã được cải thiện một cách rõ rệt. Thống kê cho thấy, năm 2011 mỗi ngày các KCN nước ta thải ra khoảng tám nghìn tấn chất thải rắn (CTR), tương đương khoảng ba triệu tấn một năm.

Tuy nhiên, lượng CTR đang tăng lên cùng với việc gia tăng tỷ lệ lấp đầy các KCN, nếu như tính trung bình cả nước, năm 2005 – 2006, một ha diện tích đất cho thuê phát sinh CTR khoảng 134 tấn/năm, thì đến năm 2008 – 2009, con số này đã tăng lên 204 tấn/năm (tăng 50%).

Sự gia tăng phát thải trên đơn vị diện tích đã phản ánh sự thay đổi trong cơ cấu sản xuất công nghiệp, xuất hiện các ngành có mức phát thải cao và quy mô ngày càng lớn tại các khu công nghiệp và dự báo tổng phát thải CTR từ các KCN năm 2015 sẽ vào khoảng 6 đến 7,5 triệu tấn/năm và đến năm 2020 đạt từ 9 đến 13,5 triệu tấn/năm.

Các chuyên gia trong lĩnh vực này đều có chung nhận định vấn đề ô nhiễm môi trường KCN, CCN đang trở thành một vấn đề môi trường cấp bách của đất nước, làm suy thoái môi trường đe dọa trực tiếp đến các thành quả về phát triển kinh tế – xã hội, cũng như tác động trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

Ðể từng bước khắc phục tình trạng nói trên, theo chúng tôi thời gian tới các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra pháp luật về BVMT tại các KCN, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm, cũng như kiên quyết đình chỉ hoạt động hoặc cấp hoạt động theo quy định của pháp luật.

Nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động đánh giá môi trường chiến lược, tác động môi trường đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển, nhất là ở khâu thẩm định, kiểm tra sau thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường nhằm bảo đảm các dự án trước khi đi vào hoạt động được xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp BVMT, đồng thời chỉ cho phép xây dựng các nhà máy, dự án trong KCN, CCN sau khi đã hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các công trình BVMT.

Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 140/2006/NÐ-CP của Chính phủ về quy định việc BVMT trong các khâu lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển theo hướng làm rõ đối tượng áp dụng, tăng cường hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra và các chế tài xử lý.

Ngoài ra, cần phát huy hơn nữa vai trò của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc giám sát thực thi chính sách, pháp luật về BVMT tại các địa phương…