ThienNhien.Net – Gần 2.000 người dân thuộc các thôn Hạ, Mỹ và thôn Cầu, xã Cự Khê (Thanh Oai, TP Hà Nội) phải sống trong cảnh ô nhiễm mùi hôi, khói độc, do các cơ sở tái chế và sản xuất nhựa gây ra. Tình trạng này xảy ra gần 10 năm nay.
Theo phản ánh của người dân, chúng tôi tìm về thôn Cầu, xã Cự Khê. Chưa thoát khỏi mùi ô nhiễm nồng nặc từ sông Hòa Bình (một nhánh đổ vào sông Nhuệ) thì chúng tôi hít thêm mùi hôi hám, mùi nhựa cháy khét lẹt theo từng cơn gió kéo về.
Ông Phạm Văn Giáp, trưởng thôn Cầu, bức xúc: “Thôn chúng tôi có hơn 150 hộ với với hơn 500 người dân. Vậy mà 10 năm nay Công ty TNHH Đồng Thành chuyên gia công, chế biến nhựa đóng tại xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, do bà Nguyễn Thị Huệ làm giám đốc và Công ty TNHH Quang Quân liên tục gây ô nhiễm môi trường khiến người dân chúng tôi hết sức khổ sở. Suốt ngày đêm mùi khói khét lẹt bao phủ cả khu vực, không ai chịu nổi. Trong hai cơ sở này thì Công ty Đồng Thành là thủ phạm chính”.
Cũng bức xúc như ông Giáp, bà Phạm Thị Thực ở thôn Cầu than thở: “Cũng vì hít mùi khói bọn trẻ con bị bệnh viêm phế quản, viêm phổi rất nhiều. Qua các cuộc tiếp xúc cử tri với lãnh đạo huyện Thanh Oai, chúng tôi có ý kiến rất nhiều nhưng chẳng có cơ quan chức năng nào giải quyết. Nếu không chấm dứt tình trạng này, người dân sống sao nổi”.
Để tránh trẻ con hít phải khói độc, ông Nguyễn Cao Năm ở thôn Mỹ có đứa cháu 4 tháng tuổi phải “sơ tán” vào nhà bố mẹ của mình. Ông Năm phản ánh: “Từ ngày cơ sở nấu nhựa tái chế nhựa Đồng Thành mở, người dân chúng tôi sống trong không khí ô nhiễm nghiêm trọng, nhất là khi họ nấu nhựa thì mùi khét lẹt tỏa khắp thôn. Nhà nào cũng phải đóng chặt cửa nhưng vẫn ngộp thở, nhiều khi phải tạm di tản đi nơi khác, chờ họ tắt lò mới về”.
Theo ý kiến của một số lãnh đạo xã Cự Khê và bà con người dân, việc cơ sở chế biến nhựa Đồng Thành gây ô nhiễm gần 10 năm nay nhưng chưa được cơ quan chức năng tiến hành xử lý dứt điểm là điều rất dễ hiểu. Bởi cơ sở này là “sân sau” của một vị lãnh đạo huyện Thanh Oai, do đó nhà máy vẫn tiếp tục gây ô nhiễm và người dân hứng chịu. |
Ông Đặng Anh Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Cự Khê, cho biết: “Việc ô nhiễm đã kéo dài, xã đã báo cáo lên huyện, TP Hà Nội nhưng chưa được giải quyết. Cái khó của xã là cơ sở sản xuất nhựa này đóng trên địa bàn xã Bích Hòa nên chúng tôi không thể xử lý được. Chính quyền xã mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc để giải quyết dứt điểm, người dân có cuộc sống ổn định”.
Còn ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch UBND xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai cho rằng: “Hai cơ sở đóng trên địa bàn xã, không gây ô nhiễm cho người dân xã Bích Hòa. Việc người dân xã Cự Khê bị ô nhiễm thì chúng tôi không biết, bởi không nằm trên địa bàn quản lý của xã. Trước đây cơ sở Đồng Thành nằm trong khu dân cư, sau đó xã lập quy hoạch chuyển ra ngoài khu dân cư và giáp với xã Cự Khê”.
Trao đổi với ông Phạm Văn Phát, Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Oai, được biết: “Việc hai cơ sở chế biến sản xuất nhựa ở xã Bích Hòa là có, phòng đã nhiều lần tiến hành kiểm tra và nhắc nhở. Tuy nhiên mức độ ô nhiễm như thế nào chúng tôi không thể kết luận được. Để biết ô nhiễm nghiêm trọng hay không thì phải có số liệu phân tích, trong khi không thuộc thẩm quyền của chúng tôi. Để tiến hành xử phạt, đình chỉ có nhiều cơ quan chức năng cùng phối hợp”.