ThienNhien.Net – Do chính quyền dung túng, buông lỏng quản lý nên nạn khai thác khoáng sản trái phép bùng phát trên diện rộng, gây bức xúc dư luận tại một số địa phương ở tỉnh Bắc Kạn. Thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng, đến nay tỉnh đã cơ bản ngăn chặn được tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tồn tại từ nhiều năm qua.
Khai thác khoáng sản trái phép trên diện rộng
Hầu hết các huyện trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đều có khoáng sản, trong đó nhiều nhất là quặng chì – kẽm, sắt ở huyện Chợ Ðồn, vàng ở các huyện Ngân Sơn, Na Rì, Ba Bể, Pác Nặm. Từ giữa năm 2012 trở về trước, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép bùng phát trên diện rộng.
Người dân ở nhiều xã thuộc huyện Chợ Ðồn dùng cuốc, xẻng đào bới quặng chì – kẽm ngay trong vườn bãi nhà mình, bán cho các đối tượng hành nghề thu gom khoáng sản. Thậm chí, có đối tượng dùng phương tiện cơ giới san ủi đồi núi như một công trường lớn để khai thác hàng nghìn khối quặng trái phép một cách ngang nhiên. Sự việc chỉ bị phát hiện, ngăn chặn khi người dân gọi điện trực tiếp cho lãnh đạo tỉnh.
Sau khi kết thúc thăm dò mỏ vàng Ma Nu ở huyện Ngân Sơn, địa phương giao cho một doanh nghiệp (DN) bảo vệ, nhưng DN này lại “bật đèn xanh” cho hàng trăm đối tượng vào khai thác gần như công khai trong thời gian dài.
Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn Trần Ðình Thất thừa nhận: “Huyện có mười xã và một thị trấn, thì trong những năm qua nạn khai thác vàng trái phép bùng phát ở cả mười xã, hầu hết các lòng suối, hàng chục ha ruộng và soi bãi bị đào bới, trở nên hoang phế bởi khai thác vàng”.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở tất cả các huyện có vàng, thậm chí hàng chục nhóm, mỗi nhóm năm, bảy đối tượng “định cư” lâu dài đào bới, khai thác vàng, xâm hại Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, bất chấp sự hiện diện của hơn 20 cán bộ, kiểm lâm là lực lượng chuyên trách bảo vệ khu rừng đặc dụng này.
Hậu quả thì ai cũng biết, tài nguyên bị mất, môi trường bị ô nhiễm, làm mất an ninh trật tự, đất sản xuất bị phá hủy. Thống kê sơ bộ của UBND huyện Ngân Sơn, trên địa bàn mười xã có 16 ha đất nông nghiệp bị đào bới nham nhở, bị phá hủy, phải mất nhiều công sức, tiền bạc để san gạt, cải tạo trong nhiều năm thì mới có thể khôi phục được sản xuất như cũ. Mặc dù tỉnh và các huyện đã trích ngân sách hàng tỷ đồng để tổ chức nhiều đợt truy quét, giải tỏa, nhưng kết quả không cao, chỉ như “đá ném ao bèo”.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng khai thác khoáng sản trái phép bùng phát, tồn tại trong thời gian dài, những đợt giải tỏa và truy quét không mang lại kết quả mong muốn là do, khoáng sản có giá trị kinh tế cao, một số người dân hợp tác ăn chia với các đối tượng khai thác vàng trên đất ruộng của mình; việc chỉ đạo, tổ chức ngăn chặn của các cơ quan chức năng, các cấp chưa thường xuyên, quyết liệt, triệt để…
Trách nhiệm người đứng đầu
Thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay”, Tỉnh ủy Bắc Kạn ban hành Chỉ thị 08 về ngăn chặn, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản, lâm sản trái phép trên địa bàn; qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình, trên tinh thần mỗi một vấn đề đều được phân tích, mổ xẻ đến cùng và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Cụ thể hóa tinh thần này, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép.
Từ đó đến nay, ý thức quản lý khoáng sản của đội ngũ cán bộ các cấp, ngành chức năng được nâng lên; địa phương đã có nhiều biện pháp quyết liệt, tổ chức nhiều đợt truy quét khai thác khoáng sản trên địa bàn toàn tỉnh.
Từ tháng 7/2012, huyện Ngân Sơn thành lập bốn tổ công tác gồm trưởng, phó các phòng, ban, đoàn thể với tổng số 24 cán bộ xuống “nằm vùng” tại các xã để thường xuyên tuần tra, truy quét, vận động nhân dân không hợp tác với các chủ bưởng, tổ nhóm khai thác vàng trái phép; yêu cầu các hộ ký cam kết sử dụng ruộng đất đúng mục đích, hộ nào khai thác vàng trên đất nông nghiệp sẽ bị phạt hành chính, thu hồi quyền sử dụng đất. Ðồng thời kiên quyết xử lý cán bộ xã nếu để nạn khai thác vàng trái phép xảy ra trên địa bàn mình. Từ khi có các tổ “nằm vùng” tại cơ sở, tình trạng khai thác vàng trái phép đã cơ bản được ngăn chặn.
Tỉnh yêu cầu huyện Ngân Sơn chấm dứt hợp đồng bảo vệ mỏ vàng Ma Nu đối với Công ty TNHH Thiên Thành, từ tháng 11/2012, lực lượng cảnh sát cơ động (công an tỉnh), công an huyện được điều động vào giải tỏa, trục xuất “vàng tặc”, đốt hết lán trại, phá hủy toàn bộ các phương tiện khai thác vàng trái phép tại mỏ vàng này. Sau đợt truy quét kéo dài hơn hai tháng, trật tự tại khu vùng mỏ đã được thiết lập.
Cùng thời gian này, huyện Na Rì và Chi cục Kiểm lâm tổ chức lực lượng truy quét, canh gác tại bốn trạm chốt gồm Cốc Keng, Nà Lẹng, Nà Dường và Thẩm Mu, là những cửa ngõ ra vào Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ. Việc chốt chặn tại các cửa ngõ này, vừa ngăn chặn “lâm tặc” vận chuyển gỗ từ khu bảo tồn ra ngoài tiêu thụ, vừa triệt đường vận chuyển xăng dầu, lương thực, thực phẩm tiếp tế cho các lũng, bãi khai thác vàng.
Bí thư Huyện ủy Na Rì Nông Văn Lung cho biết: “Trước đây, năm nào chúng tôi cũng tổ chức nhiều đợt truy quét “vàng tặc” trong khu bảo tồn nhưng không hiệu quả, vì khu rừng đặc dụng này rộng lớn, địa hình hiểm trở, có quá nhiều lũng bãi. Khi tiến hành giải tỏa, chúng lẩn trốn trong rừng, lực lượng liên ngành hết đợt giải tỏa rút về, chúng lại tràn vào. Nhưng từ khi thực hiện biện pháp ngăn chặn việc tiếp tế nhiên liệu, lương thực, thực phẩm vào các lũng, bãi, cùng với truy quét liên tục, lán trại dựng lên là đốt hết, phát hiện máy móc xuất hiện là phá hủy nên chúng cũng tự rút đi”.
Chi cục Kiểm lâm đầu tư làm nhà kiên cố, cử cán bộ kiểm lâm công tác lâu dài, thường xuyên làm nhiệm vụ ở bốn chốt này. Trong những ngày truy quét vừa qua, các lực lượng chức năng trục xuất hơn 300 đối tượng ra khỏi khu bảo tồn, đốt gần 200 lán trại, cắt đứt hơn 11 nghìn mét đường ống dẫn nước; phá hủy, làm mất tác dụng 132 máy móc khai thác vàng. Do đó, tình trạng khai thác vàng, lâm sản trái phép trong khu bảo tồn đến nay đã cơ bản được ngăn chặn.
Tỉnh cũng đã xử lý trách nhiệm gần 20 cán bộ các cấp và ngành có liên quan, trong đó cách chức và cảnh cáo hai lãnh đạo ở huyện Ngân Sơn. Từ khi thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng, tinh thần trách nhiệm đối với vấn đề bảo vệ tài nguyên khoáng sản của đội ngũ cán bộ các cấp, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh Bắc Cạn được nâng lên, tình hình khai thác khoáng sản trái phép cơ bản được ngăn chặn.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là kết quả bước đầu. Hàng trăm đối tượng có phương tiện, chuyên khai thác vàng đang “nằm im” nghe ngóng, nếu lơi lỏng thì tình hình khai thác khoáng sản trái phép sẽ lại bùng phát trên diện rộng. Do đó, các cấp ủy và chính quyền ở địa phương cần thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện nghiêm Quy chế xử lý trách nhiệm người đứng đầu mà tỉnh đã ban hành nhằm đưa công tác quản lý tài nguyên khoáng sản từng bước đi vào nền nếp.