Trở lại Mường Lay sau 3 năm tái định cư

ThienNhien.Net – Đã 3 năm trôi qua từ khi Mường Lay bắt đầu thực hiện công cuộc di dời, tái định cư (TĐC) để nhường đất cho lòng hồ thủy điện Sơn La. Khởi đầu với những lo toan, bộn bề khi một thị xã nhỏ tiếp cận với cuộc TĐC lịch sử với trên 3.000 hộ. Nhưng rồi Mường Lay đã từng bước vượt qua để ngày nay khoác lên mình một diện mạo mới, khởi sắc hơn, tươi đẹp hơn. Một thị xã với quy hoạch hiện đại, có nhiều tiềm năng để trở thành một trong những “viên ngọc” quý trong phát triển dịch vụ du lịch ở vùng Tây Bắc.

Mường Lay trong diện mạo mới

Nói về sự đổi thay của Mường Lay, Chủ tịch UBND thị xã Mường Lay Từ Bá Minh vui mừng cho biết: “Khi chưa tái định cư, cả thị xã nằm dưới độ cao cos 215m so với mực nước biển, nhưng nay thì mặt bằng của thị xã đã nằm hoàn toàn trên cos 219m. Thị xã Mường Lay được quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết và quy hoạch theo tiêu chí đô thị loại 4. Nơi đây đã có sự thay đổi toàn diện về cảnh quan đô thị, về giao thông và về các khu dân dân. Đời sống của người dân cơ bản đã ổn định sau TĐC”.

Thị xã Mường Lay mang trên mình diện mạo mới từ sau khi thực hiện công cuộc tái định cư lòng hồ thủy điện Sơn La
Thị xã Mường Lay mang trên mình diện mạo mới từ sau khi thực hiện công cuộc tái định cư lòng hồ thủy điện Sơn La (Ảnh: Trần Hạ Đình)

Trước đây, Mường Lay được biết đến là tỉnh lỵ tỉnh Lai Châu cũ, một trong những thị xã có diện tích nhỏ nhất cả nước rộng chưa đến 12.000ha, gồm 2 phường và 1 xã. Trung tâm thị xã nằm trong một thung lũng hẹp, dài, nơi ngã ba giao cắt của các con sông: Sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay. Nhưng từ khi Mường Lay thực hiện chủ trương tái định cư để nhường đất cho lòng hồ thủy điện Sơn La, diện mạo của thị xã mi ni này bước đầu có sự chuyển mình mạnh mẽ, trở thành một đô thị hiện đại với đầy đủ các phân khu chức năng và là một điểm đến du lịch hấp dẫn.

Vẫn bao gồm 2 phường và 1 xã, tuy dân số giảm hơn so với trước đây (do hơn 1.400 hộ dân đã di dời TĐC ngoài địa bàn thị xã), song giao thông đi lại trên địa bàn thị xã đã có bước “lột xác” đáng kể. Nếu như trước đây, ngoài tuyến QL 12 và QL6 chạy qua, Mường Lay chỉ toàn những tuyến đường nhỏ, ngắn và dốc. Mưa xuống là đường lầy lội, trơn trượt khó đi. Thậm chí, thời khó khăn ấy vẫn còn in rõ trong suy nghĩ của bà Nguyễn Thị Như, người quê Hà Nam, người lên Mường Lay xây dựng kinh tế mới từ những năm 1970 rằng – “đường lên ở trung tâm thị xã thì bé như đường làng ở quê ấy, lại trơn và dốc. Xe muốn tránh nhau cũng khó”.

Tuy nhiên, đến nay, tuyến đường dẫn vào khu Nậm Cản – nơi trung tâm hành chính của thị xã đang được mở rộng 2 chiều, theo quy chuẩn tuyến đường nội thị của một đô thị loại 4, cùng hàng chục tuyến đường khác cũng đang được khẩn trương xây dựng, hòa thiện. Một chiếc cầu dây văng hiện đại được cất lên, nối 2 bờ dòng Nậm Na là động lực mới cho phát triển của thị xã. Thực hiện chủ trương di dời, TĐC lòng hồ thủy điện Sơn La, UBND thị xã Mường Lay đã bố trí TĐC tại chỗ cho 2.101 hộ dân, TĐC ngoài địa bàn là 1.478 hộ.

Theo khảo sát của các cơ quan chức năng thị xã, đến nay tất cả những hộ TĐC đã xây dựng xong nhà và từng bước ổn định cuộc sống. Trong tương lai gần, khả năng nhiều hộ trong số này sẽ hồi hương sinh sống vì UBND thị xã đã nhận được nhiều nguyện vọng của người dân được quay trở lại Mường Lay TĐC. “Chúng tôi vui mừng và sẽ cố gắng tạo điều kiện để những hộ dân có nguyện vọng quay về dựng xây thị xã. Khi ấy, bài toán tăng dân số của thị xã sẽ được giải quyết về cơ bản” – ông Minh nói.

Hiện tại, Mường Lay đã quy hoạch được 5 chợ mới theo 5 khu TĐC thay vì chỉ 1 chợ trước đây. Trong đó, chợ trung tâm thương mại nằm ở TĐC Cơ khí, thuộc phường Na Nay có quy mô đầu tư hơn 20 tỷ đồng, bao gồm vốn từ ngân sách nhà nước là 8 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn xã hội hóa. Dự kiến đến quý II/2013 sẽ hoàn thành các hoạng mục do Nhà nước đầu tư, tiếp đó triển khai các hạng mục đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa khác. 3/5 chợ đã hoàn thành và đi vào hoạt động.

Hướng đến thành phố du lịch

Năm 2012, Mường Lay hoàn thiện và đưa vào sử dụng 9 dự án do UBND thị xã làm chủ đầu tư với tổng mức vốn đầu tư trên 69 tỷ đồng, đồng thời khởi công 9 dự án khác do UBND tỉnh Điện Biên giao làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư 213,9 tỷ đồng. Trước đó, UBND thị xã đã đưa vào sử dụng 41 dự án thành phần, góp phần quan trọng trong vào việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng đô thị Mường Lay ngày càng khởi sắc. Thị xã Mường Lay mới sẽ có đầy đủ các công trình công cộng hiện đại như công viên cây xanh, sân vận động, thư viện, bảo tàng văn hóa lịch sử…

Thị xã Mường Lay nối hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu, cách đều trung tâm 2 tỉnh khoảng 100km. Nơi đây có lòng hồ thủy điện Sơn La giàu tiềm năng du lịch, xung quanh thị xã có những dự án lớn như dự án thủy điện Lai Châu, có bia đá Lê Lợi, khu nghỉ mát Pú Vạc ở xã Lê Lợi, huyện Sìn Hồ nằm cách thị xã chừng 20km… Tận dụng lợi thế này, Mường Lay đang từng bước phát triển thành một thành phố với ưu tiên trọng tâm là phát triển dịch vụ du lịch.

“Không nhiều địa phương vùng Tây Bắc có nhiều ưu đãi về vị trí địa lý như thị xã Mường Lay. Thậm chí, tuy Mường Lay thuộc tỉnh Điện Biên, nhưng từ đây đi huyện Mường Tè, thủy điện Lai Châu hay huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu còn thuận lợi hơn là xuất phát từ thị xã Lai Châu. Tương lai, khi hoàn thiện xây dựng thị xã Mường Lay sau TĐC, chúng tôi sẽ nhiều điều kiện để đưa Mường Lay thành thành phố du lịch của vùng Tây Bắc” – ông Minh nhấn mạnh.

Ngoài những ưu đãi về điều kiện tự nhiên, Mường Lay cũng là một trong những nôi bản sắc văn hóa của người Thái Trắng. Những làn điệu xòe, những nét truyền thống trong dệt vải, trang phục cổ truyền cũng là đặc điểm hấp dẫn khách thập phương về với Mường Lay. Tất nhiên, để phát huy được lợi thế này, bài toán đặt ra cho Mường Lay là phải bảo lưu được những nét văn hóa độc đáo ấy của người Thái sau công cuộc tái định cư lịch sử, từ những nếp nhà sàn, lối sống làng bản đến tập quán sinh hoạt của người địa phương.