ThienNhien.Net – Cảng cá xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi những ngày cuối năm vẫn rộn ràng lắm. Họ đang bận bịu với những chuyến biển đầu năm thay vì nô nức chuẩn bị mua sắm Tết…
Biển đâu biết Tết mà chờ…
Cả năm chỉ có ba ngày Tết, chẳng mấy người muốn xa nhà nếu như không có những công việc thật đặc biệt. Với những ngư dân ở làng biển Nghĩa An cũng vậy, nếu không vì bận bịu mưu sinh bằng nghề cha ông để lại, họ cũng sẽ được chung vui, tề tựu với gia đình trong ngày trọng đại nhất năm chứ không phải lênh đênh giữa muôn trùng sông nước.
Anh Võ Ngọc Hòa, một ngư dân thôn 5 vừa kiểm tra lại chiếc tàu cá của mình vừa cho biết: “Chẳng ai muốn xa gia đình trong những ngày Tết nhất như thế này, nhất là lại không được ở nhà để chúc Tết ông bà, mừng tuổi con cháu, đi chơi Tết cùng bạn bè, người thân. Nhưng vì phải ra biển nên đành chấp nhận. Nói thực chứ nhiều lúc nhìn gia đình người ta sum vầy đầm ấm bên nhau trong những ngày Tết, nhiều anh em ngư phủ chúng tôi ứa nước mắt. Nhưng công việc là công việc, cứ đến đúng buổi, đúng ngày là chúng tôi phải ra khơi. Biển đâu có biết Tết mà chờ. Ở đây, có nhiều người đã đón mười cái Tết trên biển”.
Khi Tết về trên những boong tàu
Hóa ra chuyện đón Tết của các ngư dân ở xã biển Nghĩa An thường diễn ra sớm hơn hai tuần hoặc vào ngoài rằm tháng giêng. Bởi vào thời điểm Tết Nguyên đán, luồng cá từ ngoài khơi xa bắt đầu dồn về, nếu không tranh thủ đi thì sẽ chẳng thu được nhiều cá. Vả lại, trước Tết một thời gian không lâu, vào khoảng tháng 9, 10, 11 âm lịch, khu vực miền Trung thường có bão hay áp thấp nhiệt đới. Các tàu đều nằm bờ nên “đói” khá lâu, qua tháng 12, biển trời tạm yên, bà con phải tranh thủ bám biển vài chuyến rồi đón Tết luôn thể.
Anh Hòa cho biết, hầu như năm nào ngư dân xã Nghĩa An cũng “làm cú chót” rồi mới về đón Tết bởi lúc đó mới dư dả tiền nong. Bản thân anh cũng đã 6 năm chưa được đón giao thừa tại nhà.
Khi hỏi về tuổi, anh chỉ nói vui: “Người ta có Tết để mừng tuổi, đếm tuổi, còn mình không có Tết nên không có tuổi. Thôi thì cứ cho bao nhiêu cũng được, càng ít càng tốt!”. Anh cười, nụ cười mặn mà, đậm hương vị biển.
Anh Trương Văn Phả đang luôn tay sửa lại chiếc lưới giã cào cũng hào hứng cho biết: Những ngày cuối năm, nhất là vào đêm giao thừa, các ngư phủ lênh đênh trên những con sóng dập dềnh, bốn phía biển đêm đen kịt. Chỉ có chiếc Icom sử dụng được nên các nhóm, tổ tàu đánh cá bấm định vị tập trung tại một điểm. Nếu biển êm, vài chiếc tàu buộc dây chụm lại như một xóm chài thu nhỏ trên biển để cùng nhau đón Tết.
Cũng những cái tay bắt mặt mừng, cũng những lời chúc Tết rôm rả, những cái ôm hôn thắm thiết. Chẳng cần biết tàu của anh đến từ địa phương nào, miền Bắc hay Nam, chỉ cần định vị được tàu bạn ở gần tàu mình, rồi dùng Icom liên lạc với nhau và hội nhau lại tại một điểm gần nhất. Rồi cùng mang ra tất cả những gì đang có để sắp mâm cơm cúng giao thừa, cùng nhau nhâm nhi, chúc tụng.
Hầu như tất cả các tàu đi biển thời điểm này trong đêm giao thừa và ngày mùng một Tết đều buông neo, tạm nghỉ xả hơi một ngày. Họ cũng làm “lễ xông đất” bằng cách bước qua tàu láng giềng để lì xì, chúc nhau một năm mưa thuận gió hòa. Và trong câu chuyện đầu năm mới, bao giờ cũng là những chuyện về luồng cá, về ngư trường, về cuộc sống gia đình.
Bình thường, khi đi biển, chẳng ai đem theo tiền làm gì bởi chẳng có gì để trao đổi mua bán. Nhưng những chuyến biển đi ngày Tết cận kề, thể nào chủ tàu và các ngư dân cũng phải mang theo một ít tiền để lì xì cho nhau đúng dịp năm mới.
Đặc biệt, với những chủ tàu, họ mang theo cả tiền thưởng dành cho những thủy thủ nhằm khuyến khích họ tích cực hơn trong công việc, và cũng để động viên họ trong những chuyến biển tiếp sau.
Các thủy thủ sau khi nhận được tiền mừng tuổi của chủ tàu, họ cũng mừng lại và cầu chúc cho thuyền bình yên trước bão tố, chủ tàu thu được nhiều nguồn lợi thủa sản, và giúp cho họ có được công ăn việc làm, thu nhập ổn định.
Sau những lời chúc, họ quây quần lại với những ly rượu đầu năm pha lẫn mùi biển. Ít hạt dưa, ít kẹo, mứt, và cả những vật phẩm của biển vẫn còn tươi rói. Họ ca hát, rồi “đi chơi Tết”, nhưng xa nhất chỉ… vài chục mét trên các tàu, và không có tục hái lộc đầu năm.
Đấy là những lúc biển êm đềm, còn những khi sóng lớn, các thuyền không thể kết lại thành một khối, họ sẽ bật bộ icom rồi hét to: “Chúc mừng năm mới!”. Tàu nào cũng bật máy nghe, rồi thi nhau hát mỗi tàu một bài, cũng chấm điểm như hát karaoke vậy. Rồi họ cùng vẫy cờ tổ quốc, cùng nắm tay nhau và cùng chúc nhau chân cứng đá mềm.
Với tất cả người dân xóm chài ở đây, nghề làm biển là nghề “gia truyền”. Ông Dương Văn Tình (51 tuổi, thôn 4) kể, từ thời ông đến giờ, cả gia đình chỉ bám một nghề làm biển vươn khơi. “Tôi theo cha làm biển từ lúc lên 10. Hồi nhỏ, nhìn biển mênh mông mà thèm được chinh phục, đi đến cuối bờ bên kia. Rồi cái khao khát đó cứ thôi thúc xin cha cho một chuyến đi dài. Nghề sống trên sóng gió khổ cực, nguy hiểm lắm! Ở đất liền có núi, có cây, có nhà chắn bớt gió, hơi đất làm ấm người. Ở ngoài biển chỉ mênh mông những nước và nước, cơn gió nhẹ tạt vào cũng làm da mặt rát bỏng, lạnh đến thấu xương. Nhưng gắn bó với nó rồi thì lại thấy thích, thấy yêu. Có đứng từ biển nhìn vào đất liền, nơi quê hương mình mới thấy đất nước đẹp vô cùng!” – ông Tình thủ thỉ trò chuyện, bỏ mặc những cơn gió biển ràn rạt thổi vào khoang thuyền.
Rời làng biển đang tấp nập tàu cá để chuẩn bị cho những chuyến biển xa bờ mùa Tết muộn, tôi đem theo cả những cảm xúc xen lẫn niềm khâm phục, tự hào đối với những người ngư dân nơi đây, dù gặp nhiều khó khăn trong cuộc mưu sinh, dù lắm lúc thuyền không xuôi chèo mát mái nhưng họ vẫn giữ tinh thần lạc quan, vững vàng trước sóng gió, biển cả. Và vẫn một lòng hướng về quê hương, xứ sở.