ThienNhien.Net – Bảo tồn đa dạng sinh học của nấm lớn là một trong những vấn đề đang được quan tâm. Hiện nay, ở Việt Nam, tính đa dạng nấm lớn ở các rừng quốc gia ngày một giảm xuống, không có sự bảo tồn các loài nấm quý hiếm và chưa có nhận thức đúng đắn cho việc bảo tồn chúng.
Nhằm bảo tồn nguồn gen và bước đầu đánh giá về tác động của môi trường đến đa dạng sinh học của nấm lớn, nhóm nghiên cứu của TS. Lê Thanh Huyền (Khoa Môi trường, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) đã tiến hành khảo sát tính đa dạng của nấm lớn tại một số khu rừng quốc gia của Đà Lạt thuộc tỉnh Lâm Đồng.
Theo kết quả khảo sát được trích đăng trên Tạp chí Khí tượng Thủy văn, số tháng 11/2012 (*), ba khu vực được chọn để lấy mẫu nghiên cứu gồm vùng núi LangBiang, xã Lát, huyện Lạc Dương; vùng rừng thông xã Xuân Thọ, gần thành phố Đà Lạt; vùng Suối Vàng, cách Đà Lạt 7 km.
Trong số các mẫu nấm thu được, nhóm nghiên cứu đã định loại được 6 bộ, 11 họ, 16 chi trong tổng số 55 mẫu thu thập. Do việc khảo sát và thu thập mẫu của nhóm diễn ra trong thời gian ngắn và cuối mùa sinh trưởng của nấm nên số lượng mẫu thu được còn hạn chế, tuy nhiên, số lượng các chi mà nhóm nghiên cứu đã phân loại được cho thấy sự đa dạng của các loài nấm ở khu vực rừng thông Đà Lạt.
Trong quá trình khảo sát, nhóm cũng nhận thấy, nấm thường xuất hiện sau mùa mưa ở các khu rừng của thành phố Đà Lạt, đặc biệt là rừng thông nơi có nhiều loại cây thông hai lá dẹt. Nhưng hiện nay do rừng bị phá làm nương và phục vụ cho một số nhu cầu khác của người dân nên tình trạng các rừng thông hai lá dẹt đang bị đe dọa, nhiều cây bị mất môi trường sinh sống tối ưu, chết rụi, nhiều cây quá già cũng tự gãy đổ. Tái sinh tự nhiên hầu như chỉ hạn chế ở giai đoạn cây mầm, lại gặp chủ yếu ở nơi có khoảng trống, ven đường… Điều này sẽ ảnh hưởng đến môi trường và tính đa dạng của các loài nấm và thực vật.
(*) Nội dung bài viết đã được BBT trích lược