Nét văn hóa đặc sắc trong đám cưới người Cống

ThienNhien.Net – Chú rể mỏi tay bế con. Cô dâu khóc nức nở. Rượu, nước, cơm, canh… cứ “nhắm” thẳng nhà trai mà “bay”. Trong khí đó, đoàn rước dâu nhà trai thì chân nam đá chân chiêu, tăng tốc, chạy nước rút khi dời khỏi nhà gái… Những hình ảnh vô cùng độc đáo và ấn tượng này chỉ có thể bắt gặp tại lễ cưới truyền thống của cộng đồng người Cống (xã Nậm Khao, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu).

Linh thiêng lý “Cắt hóng”

Làm lý là một nghi thức quen thuộc, quan trọng bậc nhất trong đám cưới người Cống (cũng như của một số dân tộc ít người ở vùng núi cao Tây Bắc). Lý “Cắt hóng” được làm ở nhà gái, trong khi nhà trai đang trên đường đến rước dâu. Mâm lý này hoàn toàn do nhà trai chuẩn bị và mang đến.

Ý nghĩa của việc làm lý là “Cắt hóng” cho cô gái khỏi bàn thờ của gia đình (tức cô gái không còn là người của gia đình, dòng họ nữa). Sau khi đón con dâu về, nhà trai cũng phải làm lý “Nhập hóng” để “nhập” cô dâu vào bàn thờ gia đình, tổ tiên nhà chú rể, trở thành người của nhà trai.

Trong đám cưới người Cống, những vị trưởng lý là người quan trọng nhất. Những người này phải có hiểu biết, có uy tín nhất dòng họ, có khả năng thực hiện những lĩnh vực họ đảm nhiệm.

Nhà trai hay nhà gái đều có ba vị trưởng lý có vai trò độc lập nhưng tương đương nhau, gồm: Trưởng mâm lý – người thực hiện nghi lễ cúng tổ tiên và “Cắt hóng” cho cô gái (nhà trai là lý “Nhập hóng”); Trưởng lý ngoại giao – người thực hiện công việc đàm phán giữa hai họ về cách thức, thời gian tổ chức lễ cưới và về tiền lý; và Trưởng lý bếp núc – người quán xuyến việc nấu ăn và tiếp nhận thịt lợn làm lý của thông gia.

Mới 8 giờ sáng nhưng căn nhà sàn của nhà gái tại xã Nậm Khao đã chật kín người chờ làm lý. Trưởng lý, cô dâu, chú dể cùng những người thân thiết trong gia đình nhà gái đã ngồi quây quần quanh mâm lý được chuẩn bị sẵn với ánh mắt và tâm trạng thể hiện sự tôn nghiêm hết mực. Mọi người ngồi quanh mâm lý hầu như không nói chuyện. Không gian trong nhà khá trật tự, chỉ có tiếng nói uy linh của trưởng lý xen lẫn tiếng nức nở không ngừng của người con gái trong ngày vu quy…

Trên mâm lý là một con gà luộc chín đặt cạnh một đĩa xôi, một chiếc bát, hai đồng bạc trắng, 1.500.000 – 2.000.000 đồng tiền mặt, một dúm muối trắng, ba đôi đũa, ba chén rượu cùng với một ché rượu cần gồm 2 ống hút. Một ống hút buộc củ gừng tươi thể hiện sự sinh sôi nảy nở, ống còn lại treo một cuộn giấy màu nhỏ… Tất cả được xếp cẩn thận trên những lớp lá dong xanh biếc, màu sắc rất hài hòa, bắt mắt.

Cạnh mâm lý, cô dâu và chú rể cùng ngồi quỳ, tay chú rể bế một bé trai kháu khỉnh, đó cũng chính là con trai của họ.

Bắt đầu thủ tục làm lý, trưởng lý tung hai đồng bạc trắng vào một chiếc bát đặt trên mâm lý. Hai chiếc đồng bạc xoay tít với những âm thanh leng keng khi va vào nhau và va vào thành bát. “Đây là động tác thử bạc. Âm thanh của những đồng bạc càng vang, sắc, gọn thì bạc đó càng già, càng giá trị, chứng tỏ tấm thịnh tình của nhà trai càng chân thành” – anh Thái Hữu Thịnh, cán bộ Phòng văn hóa huyện Mường Tè ghé tai tôi nói nhỏ. Sau khi đếm tiền lý xong, Trưởng lý đọc bài khấn tổ tiên, trời đất chứng giám cho lễ kết duyên của đôi trai tài, gái sắc của bản.

Kết thúc bài khấn, Trưởng lý lấy một lát nhỏ thịt, rồi nhón một phần xôi nhỏ bằng hạt gấc… pha trộn vào nhau thành một dúm đặt lên một góc trống trên mâm lý. Đây là nghi thức mời tổ tiên thưởng thức mâm lý khi về chứng giám lễ kết duyên của người con gái trong họ. Làm lý kết thúc, cô dâu, chú rể cùng nhau uống rượu cần bằng hai ống út có sẵn trước đó. Trước khi về nhà chồng, cô dâu quỳ lạy bố mẹ ba lần.

Đoàn rước dâu trên đường về nhà trai
Đoàn rước dâu trên đường về nhà trai

Lễ rước dâu sôi động

Khoảng thời gian trầm lắng của giây phút làm lý trôi qua, không gian bỗng trở nên náo nhiệt bất ngờ, phá tan bầu không khí ảm đạm và lạnh cóng của mùa đông vùng cao Tây Bắc.

Trong niềm vui phấn khích, những thành viên nhà gái ưu ái “dành tặng” cho đoàn rước dâu nhà trai toàn bộ đồ ăn, thức uống còn lại trên các mâm cỗ cưới. Trong khi đó, điều duy nhất đoàn rước râu nhà trai có thể làm lúc này là đưa cô dâu chạy nhanh nhất có thể… Đây cũng là một trong những khoảnh khắc ấn tượng nhất trong đám cưới của người Cống.

Theo anh Thái Hữu Thịnh, tục nhà gái té rượu, nước, đồ ăn thức uống trên mâm cỗ vào đoàn rước dâu vốn đã có từ xa xưa. Người Cống té rượu nhằm xua đuổi những điều rủi ro trước đó, đồng thời mang lại những điều may mắn cho những ai tham dự lễ rước râu và cho cả đôi vợ chồng trẻ. Trước kia, người Cống sử dụng cả bùn, đất nhão… để ném vào đoàn rước dâu. Nhưng nay, để giữ vệ sinh hơn, họ dùng rượu, nước và đồ ăn thức uống.

Khi đoàn rước dâu đã về đến nhà trai, cô dâu sẽ được dẫn vào bếp, dúm một ít gạo lên rồi lại bỏ xuống, còn chú rể cũng sẽ làm tương tự như vậy đối với muối. Việc làm này nhằm thể hiện cô dâu, chú rể đã làm chủ được hũ gạo, âu muối, tức là làm chủ gia đình.

Cô dâu tiếp tục được đưa đến ngồi trước giường của bố mẹ chồng – giường chính của gia đình, nằm ở phía phải ngôi nhà trước khi được trưởng lý nhà trai làm lễ “Nhập hóng”. Và sau khi đã làm lễ này, cô dâu chính thức trở thành một thành viên trong gia đình nhà trai. Từ đây, cô gái sẽ không được về ngủ qua đêm ở nhà bố mẹ đẻ, tuy vẫn có thể thăm nom bình thường vào ban ngày.