ThienNhien.Net – Thời khắc năm mới đã cận kề, nhưng trên những ngọn núi cao hay trong những cánh rừng sâu thẳm vẫn có những con người đang ngày đêm túc trực, canh gác, giữ bình yên cho những tán rừng. Đó là những cán bộ kiểm lâm viên. Với họ, Tết cũng gắn với rừng.
Đón xuân giữa đại ngàn…
Huyện miền núi Nam Giang, tỉnh Quảng Nam bốn bề núi non trùng điệp, được xem là một trong những nơi lâm tặc hoạt động mạnh nhất, đặc biệt là vào dịp Tết Nguyên đán. Vì vậy, công tác bảo vệ rừng những ngày xuân ở địa phương này rất khó khăn.
Cung đường 14D nối đường Hồ Chí Minh với cửa khẩu Đắc Ốc (Nam Giang) xa tít tắp hàng chục cây số không một bóng người lai vãng, chỉ có tiếng gió thổi, vượn hót, chim kêu dưới những tán rừng bạt ngàn, sâu hút. Cuối cùng, chúng tôi cũng đến được Đội cơ động quản lý bảo vệ rừng Hạt kiểm lâm Nam Giang, chốt kiểm soát sâu nhất.
Kiểm lâm viên Bùi Trọng Thanh cho biết, dịp Tết thường là thời điểm lâm tặc ráo riết phá rừng và vận chuyển lâm sản trái phép, chúng phá rừng cả ban đêm. Ngay từ đầu tháng chạp, Hạt đã phải tăng cường tuần tra cho đợt cao điểm, sẽ kéo dài tới sau Tết.
Anh Nguyễn Văn Bình, đồng đội của anh Thanh, tâm sự vì nơi đây có rừng đặc dụng và rừng phòng hộ nên công việc của kiểm lâm vào dịp Tết có vất vả hơn. Những chuyến phối hợp tuần tra của kiểm lâm Đội cơ động và kiểm lâm xã kéo dài tới vài ba hôm cũng dày hơn so với thường ngày
Giữa lúc mọi nhà đều quây quần ấm áp không khí đón năm mới, những đêm lạnh ngủ giữa rừng già không khỏi khiến những chiến sĩ kiểm lâm day dứt nghĩ về gia đình. “Phải nói không ít khi mỏi gối chùn chân đâu” – anh Bình vui vẻ nói – “nhưng cũng là nhiệm vụ nên bọn mình phải cố gắng thôi!”
Niềm lạc quan của những kiểm lâm viên ở Nam Giang khiến chúng tôi thấy vui lây. Anh Thanh hào hứng kể về câu chuyện quét lâm tặc Tết năm trước. Lúc đó đã kề thời khắc giao thừa đón Nhâm Thìn, ca trực nhận được tin báo của người dân rằng có một số đối tượng tình nghi khai thác gỗ trái phép ở xã Zuôih.
Ngay lập tức lãnh đạo triệu tập toàn bộ lực lượng, kể cả những đồng chí vừa mới vừa tuần tra cũng trở lại làm nhiệm vụ. Đợt truy bắt bất ngờ ấy, lâm tặc tháo chạy thoát thân, bỏ lại hết vật dụng khai thác còn chưa kịp dùng. Sáng hôm sau, toàn đội trở về xông đơn vị và xông nhà luôn. Dù lỡ giao thừa nhưng ai nấy đều phấn khởi.
… bằng tình yêu với rừng xanh
“Sau mỗi lần đón Tết ở rừng, mình như già thêm mấy tuổi!” câu nói vô tình của một kiểm lâm trẻ măng khiến những khách lạ như chúng tôi chợt bùi ngùi, nhưng dường như với những đồng đội của anh, đó chỉ là câu nói tào phào của một chàng tân binh. Đón Tết trong rừng đã trở thành lệ thường của những kiểm lâm lâu năm.
Thậm chí, không khí chuẩn bị đón Tết trong rừng đã rục rịch kéo đến từ đôi ba tháng trước, khi các anh tỉ mẩn chuẩn bị những nắm đất ẩm bọc quanh cành mai rừng đã được khoanh vỏ cẩn thận.
Anh Thanh cho biết: “Những cành mai rừng này bọn mình chiếtvừa để chưng mấy ngày Tết, xong sẽ trồng lại quanh trạm”. Chúng tôi nhìn ra xa, quả thực xung quanh có rất nhiều mai rừng, hẳn đó là những cây hoa mà các anh đã trồng lại.
Hàng năm, từ giữa tháng chạp, đơn vị cũng đã chuẩn bị lương thực và kẹo bánh gửi vào. Sau khi cúng ông táo, các anh em lại quân quần chờ đón năm mới. Vật chất đón Tết cũng đơn giản, chỉ ít bánh chưng bánh tét, hương vàng, vài gói bánh kẹo, ít thịt, mấy gói thuốc lá…. Tuy nhiên, trên bàn thờ luôn được bày tươm tất, sạch sẽ. Nơi đó có cờ tổ quốc và ảnh Bác.
Cũng có những khoảnh khắc nhớ nhà, nhớ quê đôi khi chợt ập về, nhất là lúc kề giao thừa. Có người ngồi ôm đàn ghi ta, người thì tranh thủ gọi điện về chúc Tết người thân vì sợ qua giao thừa nghẽn mạng, cũng có người chỉ ngồi lặng bên ly rượu mừng năm mới.
Anh Thanh nay đã thành “lão làng” của đội, nhưng còn nhớ khá rõ cái Tết đầu tiên ở rừng: “Giao thừa năm đó mình khóc thút thít như trẻ nít, thấy vậy anh em xúm lại an ủi, sau nghĩ lại thấy mình ủy mị quá”.
Ông Võ Tuấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nam Giang, chia sẻ: “Công tác tuần tra bảo vệ rừng được chúng tôi triển khai từ tháng 12 âm lịch. Trong những ngày Tết, toàn bộ lực lượng luôn trong tình trạng sẵn sàng tham gia ứng phó tình huống khẩn cấp. Vẫn biết như thế là thiệt thòi cho anh em, nhưng công việc đòi hỏi vậy. Đó cũng là chút đóng góp của anh em kiểm lâm để bảo vệ màu xanh cho quê hương!”