ThienNhien.Net – Theo phong tục của người Cống, trước khi cưới, chàng trai đã có 3 năm ở rể và sống như vợ chồng với cô gái. Vì vậy, phần lớn cô dâu và chú rể đã có con chung khi tổ chức lễ kết hôn.
Trong lễ cưới, người Cống đặc biệt chú trọng các nghi thức làm lý của dân tộc mình với những phong tục độc đáo như cúng mâm lý “Cắt hóng”, lý “Nhập hóng”, lý “Mời rượu đôi”… Trong đó, ấn tượng nhất phải kể đến là lý “Té rượu” với những màn tăng tốc chạy nước rút của đoàn rước râu trước những đợt “mưa rượu” (gồm rượu, nước, thức ăn…) từ nhà gái.
Đây cũng chính là những hình ảnh mang đậm bản sắc dân tộc trong một đám cưới truyền thống của người Cống mà chúng tôi đã có dịp ghi lại tại xã Nậm Khao, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
Mâm lý khi tổ chức lễ đón dâu do nhà trai chuẩn bị và mang đến nhà gái để làm lý “Cắt hóng” cho cô dâu. Khi làm lý, trưởng lý nhà gái (trong ảnh là người ngồi ngoài cùng bên phải) sẽ thử bạc và đếm tiền lý do nhà trai đưa
Kết bài khấn tổ tiên, trời đất chứng giám cho lễ kết duyên của đôi trai tài, gái sắc của bản, trưởng lý sẽ lấy một phần thịt gà và một dúm xôi nhỏ bằng hạt gấc… pha trộn vào nhau rồi đặt lên một góc trống trên mâm lý để mời tổ tiên
Làm lý kết thúc là lúc cô dâu, chú rể cùng nhau uống rượu cần bằng hai ống hút được chuẩn bị sẵn trước đó. Cuối cùng, cô dâu quỳ lạy 3 lần trước mâm lý và bố mẹ trước khi về nhà chồng
Mời rượu chén đôi, một nghi thức làm lý trong đám cưới người Cống. Các thành viên của nhà trai đều được đại diện nhà gái mời uống hai chén rượu đầy, thể hiện sự chúc mừng cho hạnh phúc trọn vẹn của đôi bạn trẻ
Đoàn nhà trai đưa cô dâu về nhà chồng trong tiếng khóc nức nở của cô gái…
… và trong cả những đợt “mưa” rượu liên tiếp cùng tiếng reo hò và niềm phấn khích của tất cả những ai tham dự lễ rước dâu
Một thành viên nhà trai hứng trọn những đợt “mưa” rượu… Té rượu vốn là phong tục truyền thống của người Cống trong đám cưới với quan niệm mang lại may mắn, hạnh phúc cho đôi lứa và cho tất cả những ai có mặt trong đám cưới
Rời khỏi nhà gái, nhà trai cũng mang theo cả những vật dụng hàng ngày của cô dâu về nhà chồng
Về đến nhà chồng, cô dâu được thay trang phục mới do nhà trai chuẩn bị để làm lý “Nhập hóng” (tức là nhập cô dâu vào bàn thờ gia đình, tổ tiên nhà trai)
Cô dâu ngồi trước giường bố mẹ chồng để chuẩn bị làm lý “Nhập hóng”. Chiếc giường này đặt ở phía trong, bên phải ngôi nhà và có bàn thờ tổ tiên nằm trên vách tường
Trưởng lý nhà trai làm lý “Nhập hóng” cho cô dâu
Trưởng lý phụ trách việc bếp núc của hai bên gặp gỡ và đón nhận vai lợn do nhà gái mang sang. Nhà trai sau đó cũng cử 2 người khiêng đùi lợn đến nhà gái. Sau ngày cưới, một mâm lý nữa được tổ chức ở nhà gái, khi ấy, nhà gái sẽ hồi lại một phần tiền (khoảng 2/3 trong số 1,5 – 2 triệu đồng tiền lý theo thông lệ) mà nhà trai đã đưa cho nhà gái trước đó
Hiện nay, người Cống ở Việt Nam có khoảng 2.029 người, cư trú phần lớn tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Số còn lại, họ chủ yếu sinh sống tại Điện Biên, vốn là tỉnh Lai Châu cũ. Trong đám cưới người Cống, nhà trai hay nhà gái đều có 3 vị trưởng lý có vai trò tương đương như nhau: Một người đảm nhiệm vai trò trưởng mâm lý, thực hiện các nghi lễ thờ, cúng. Một người làm trưởng lý ngoại giao, thực hiện các công việc thỏa thuận tiền lý, công tác tổ chức đám cưới. Một người làm trưởng lý việc bếp núc, đón tiếp và mời cơm nhau. |